Ủy ban khí hậu LHQ cảnh báo châu Á đối mặt mưa lũ dữ dội hơn
Chánh Tài
(KTSG Online) - Châu Á sẽ đối mặt với mưa lũ nghiêm trọng hơn trong những thập niên tới khi nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng ngay cả trong kịch bản tốt nhất của cuộc vận động hạn chế khí thải nhà kính, theo báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hiệp quốc công bố hôm 9-8.
Một người dân chờ sơ tán sau khi nhà cửa bị ngập lụt trong mùa mưa ở San Mateo, Philippines. Ảnh: Reuters |
Báo cáo cho biết cho dù thế giới đạt được kịch bản tốt nhất trong số 5 kịch bản về hạn chế khí thải nhà kính toàn cầu trong giai đoạn 2050-2060, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong vòng 20 năm tới, sớm hơn 10 năm so với với dự báo của IPCC vào năm 2018.
IPCC điều chỉnh dự báo về tốc độ nóng lên toàn cầu sau khi phân tích các mô hình khí hậu và dữ liệu mới từ Nam cực. Với kịch bản này, IPCC nhận định lượng mưa lớn và lũ lụt liên quan sẽ dữ dội hơn và xảy ra thường xuyên hơn ở hầu hết các khu vực thuộc châu Phi và châu Á. “Trong dài hạn, lượng mưa trong mùa mưa ở Nam Á và Đông Nam Á và những cơn mưa vào mùa hè ở Đông Á sẽ tăng”, báo cáo cho biết.
Theo IPCC, tại khu vực đồng bằng Mekong ở Đông Nam Á, lũ lụt sẽ nghiêm trọng hơn và Nam Á sẽ hứng chịu nhiều đợt hán hán nghiêm trọng hơn. Báo cáo là một lời nhắc nhở nghiêm khắc cho nỗ lực hợp tác quốc tế tại hội nghị biến đổi khí hậu của LHQ lần thứ 26 (COP26), thường được gọi tắt là COP26, dự kiến tổ chức vào tháng 11 năm nay.
IPCC cho biết nhân loại đã thải ra gần 2.390 Gigaton (1 Gigaton = 1 tỉ tấn) khí CO2 trong giai đoạn 1850-2019. Nếu tổng lượng khí thải CO2 trong tương lai kể từ năm 2020 trở đi chỉ tăng thêm tối đa 400 Gigaton, có xác suất 67% nhiệt độ trái đất sẽ chỉ tăng thêm trong vòng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, với lượng phát thải CO2 trung bình hàng năm hiện nay khoảng 30-40 Gigaton, mốc tăng thêm đó của nhiệt độ trái đất có thể đạt được sớm nhất là trong 10 năm tới.
Báo cáo của IPCC nhấn mạnh: “Không nghi ngờ gì nữa tác động của con người đã làm bầu khí quyển, đại dương và đất đai nóng lên”. Các sự kiện thời tiết cực đoan như hạn hán và các cơn bão nhiệt đới cũng được dự báo sẽ khốc liệt hơn và xảy ra thường xuyên hơn khi nhiệt độ trái đất tăng nhanh chóng.
Châu Á là nơi đang chứng kiến các hậu quả của biến đổi khí hậu. IPCC cho biết: “Hạn hán trở nên thường xuyên hơn ở khu vực Đông Á, trong khi đó, khu vực Trung Á vốn khô cằn sẽ trở nên ẩm ướt hơn”. Báo cáo của IPCC dự báo về dài hạn, nhiệt độ trái đất sẽ tăng thêm từ 1,6-2,4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong giai đoạn 2021-2060, và tăng thêm 1,4-4,4 độ C trong giai đoạn 2081-2100, tùy vào mức phát thải CO2 trong tương lai.
Mực nước biển trung bình trên toàn cầu đã tăng 0,2 mét trong 120 năm qua và tốc độ dâng cao của mức nước biển hiện nay đang nhanh gấp 3 so với trước năm 1971. Ngay cả khi mức tăng nhiệt độ trái đất được hạn chế trong vòng 1,5 độ C, mực nước biển trung bình trên toàn cầu sẽ tăng thêm từ 0,28-0,55 mét vào năm 2100 do băng tan chảy ở Nam cực, theo IPCC.
Các báo cáo của IPCC, được công bố 5-7 năm mỗi lần kể từ năm 1990, là nền tảng cho các chính sách về khí thải nhà kính trên thế giới và các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu.
Phản ứng trước báo cáo của IPCC, các nhà đàm phán khí hậu, các nhà hoạt động môi trường tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động mạnh mẽ hơn nữa để chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu. “Thông điệp của chúng tôi đến mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và mọi bên trong xã hội rất đơn giản. Thập niên tiếp theo mang tính quyết định, hãy lắng nghe nghiên cứu khoa học và hành động có trách nhiệm để duy trì mục tiêu kềm hãm nhiệt độ trái đất tăng không có 1,5 độ C”, Chủ tịch COP 26, Alok Sharma, nói.
Hôm 9-8, Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres cho biết báo cáo mới nhất của IPCC là đánh giá khoa học chi tiết nhất từ trước đến nay về khí hậu. Ông nhấn mạnh: “Báo cáo này phải được xem như hồi chuông báo tử cho than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác trước khi chúng hủy diệt hành tinh chúng ta. Các nước phải chấm dứt tất cả các hoạt động thăm dò và khai thác nhiên liệu hóa thạch và chuyển trợ cấp từ lĩnh vực này sang lĩnh vực năng lượng tái tạo”. |
Theo Nikkei Asian Review, AFP