Ủy ban Quốc hội: Dự thảo Luật Báo chí vẫn còn hạn chế
Chiến Thắng
Các phóng viên báo chí đang tác nghiệp. ảnh: C.T |
(TBKTSG Online) - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội hôm 4-11 cho rằng, còn nhiều nội dung trong dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) gây hạn chế quyền tự do báo chí. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của Luật để tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan báo chí.
Báo cáo Quốc hội về dự án Luật báo chí (sửa đổi) chiều 4-11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 đã quy định về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng thực tiễn thực hiện quyền tự do báo chí ở nước ta hiện nay, một số quy định đảm bảo quyền còn chưa được cụ thể.
Vì vậy, Luật báo chí (sửa đổi) lần này quy định hẳn một điều mới về Quyền tự do báo chí (Điều 11) và sửa đổi điều về Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân (Điều 12).
Thẩm định dự án luật này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban), cho rằng, luật quy định quyền tự do báo chí đối với nhiều chủ thể: công dân, báo chí, cơ quan báo chí và nhà báo. Tuy nhiên, khái niệm cơ bản của Luật là quyền tự do báo chí của công dân lại không được làm rõ; chẳng hạn, một số nội dung quyền tự do báo chí của công dân trùng với quyền tự do ngôn luận
Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo căn cứ vào Hiến pháp, làm rõ hai vấn đề: Chủ thể của quyền tự do báo chí là ai? Nội dung quyền tự do báo chí là gì (hay nói cách khác: tự do báo chí khác tự do ngôn luận trên diễn đàn báo chí như thế nào).
Ủy ban cũng phản biện một số quy định trong dự thảo làm ảnh hưởng đến quyền tự do báo chí.
Chẳng hạn, về giấy phép trong hoạt động báo chí, Luật quy định đến 7 nội dung cấp giấy phép và 4 nội dung phải thông báo với sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.
Ủy ban cho rằng, quy định như vậy là quá nhiều, làm tăng thủ tục hành chính, giảm tính chủ động của cơ quan báo chí, hạn chế quyền tự do báo chí.
Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các quy định về giấy phép và thủ tục thông báo, tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan báo chí, tăng quyền tự chủ cho các cơ quan báo chí, tạo điều kiện để cơ quan báo chí hoạt động sáng tạo và chủ động phù hợp với năng lực và chiến lược phát triển của họ.
Một ví dụ khác: khoản 7 Điều 25 dự thảo Luật quy định văn phòng đại diện, phóng viên thường trú chỉ được hoạt động tại địa phương khi được chấp thuận bằng văn bản của UBND địa phương đó.
Ủy ban cho rằng, quy định như vậy là hạn chế quyền tự do báo chí. Thực tế cho thấy, trong một số trường hợp UBND địa phương gây khó dễ hoặc không đồng ý cho phóng viên thường trú hoạt động do đưa tin, bài viết về các vụ việc tiêu cực của địa phương.
Ủy ban cho rằng, dự thảo Luật đã quy định cụ thể điều kiện đặt văn phòng đại điện và tiêu chuẩn của phóng viên thường trú, bởi vậy chỉ cần yêu cầu cơ quan báo chí gửi thông báo đến UBND tỉnh trước khi đặt văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú hoạt động tại địa phương là đủ.