Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vaccine ngừa Covid-19: nhìn lại năm 2021 và dự báo cho 2022 

Andy Huỳnh Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hy vọng vào giữa năm 2022 tỷ lệ chủng ngừa Covid-19 toàn cầu sẽ đạt 70%. Tuy nhiên, vấn đề này còn gặp nhiều khó khăn. Chúng ta thử nhìn lại thế giới đã làm được gì trong năm qua và sẽ làm gì trong năm mới nhằm đạt mục tiêu này.

Ngay từ tháng 3-2021, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã nhắc lại thông điệp với nội dung “chưa ai được an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn” (nobody is safe until everyone is safe). Các nhà lãnh đạo này cho rằng dịch họa và tình trạng khẩn cấp toàn cầu là không thể tránh khỏi; vì vậy, cần có thỏa thuận nhằm phát triển hợp tác quốc tế tương tự như việc giải quyết các vấn đề nổi lên trong chiến tranh thế giới lần thứ 2. Đặc biệt, các thỏa thuận đó phải chú trọng đến việc chia sẻ dữ liệu, cải thiện các hệ thống cảnh báo bệnh dịch, nghiên cứu, phát triển và phân phối vaccine v.v…

Đây là một cơ sở để các định chế sức khỏe quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), Liên minh sẵn sàng đối phó với dịch bệnh (CEPI) đặt ra một số mục tiêu về tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 toàn cầu.

Nhìn lại các mục tiêu này, chúng ta có thể thấy nhiều chỉ tiêu trong năm qua nằm ngoài tầm với của các chính phủ. Đây cũng có thể là các dữ liệu thực tế nhằm đặt ra mục tiêu cho năm mới.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hy vọng vào giữa năm 2022 tỷ lệ chủng ngừa Covid-19 toàn cầu sẽ đạt 70%. Ảnh: Freepik

Bức tranh tiêm chủng toàn cầu chưa đẹp trong năm qua

Mục tiêu ban đầu của Sáng kiến Vaccine toàn cầu (COVAX) – do WHO và một số tổ chức khác chủ xướng – là đạt 3% độ bao phủ vaccine rồi sau đó nâng lên 20% trong năm 2021. COVAX mở rộng mục tiêu này ra các nước trên toàn thế giới khi tháng 10-2021 WHO đề ra Chiến lược chủng ngừa toàn cầu đến giữa năm 2022. Mục tiêu mới nhắm đến 40% dân số toàn cầu được chủng ngừa đầy đủ vào cuối năm 2021 và 70% được chủng ngừa đầy đủ vào giữa năm 2022. Cũng cần lưu ý rằng các con số này tính đến tất cả các nguồn cung của mọi quốc gia chứ không chỉ từ COVAX.

Tuy nhiên, buồn thay, đến nay chưa có mục tiêu nào đã thành công trọn vẹn hoặc có triển vọng đạt được trong tương lai gần. Có đến 98 quốc gia vẫn có tỷ lệ phủ vaccine chưa đến 40% dân số của mình. Khoảng 1,4 tỉ người đủ điều kiện vẫn cần phải được chủng ngừa ngay, trong số đó nhiều người có nguy cơ tử vong cao và bệnh chuyển nặng.

Các hiện tượng này thường xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình khi có đến 34 trên 89 thành viên tham gia cơ chế Advanced Market Commitment (Cam kết thị trường đặt trước). Đây là các quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào COVAX và không thể chủng ngừa cho 40% dân số của mình. Nguyên nhân chính là do nguồn cung vaccine COVAX gặp nhiều khó khăn tận đến cuối năm 2021.

Trong vài tháng tới, số lượng vaccine sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, số lượng vaccine càng lớn cũng sẽ ra gây thách thức đối với khả năng chủng ngừa của các nước nghèo – bao gồm việc tiếp nhận, lưu trữ, phân phối, tiêm và ghi nhận tiêm ngừa. Ngoài ra, còn phải kể đến tình trạng phí phạm vaccine.

Rào cản chính đối với mục tiêu chủng ngừa đủ hai mũi vaccine cho 70% dân số toàn cầu vào giữa 2022 không gì khác hơn là nhu cầu tiêm vaccine bị giới hạn do các thông tin sai lệch khiến nhiều người chần chừ chủng ngừa. Nhìn chung, tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu chênh lệch rất lớn giữa các nước giàu và các nước nghèo.

Thách thức trong năm mới

Trước bối cảnh thiếu công bằng vaccine, sáng kiến Chiến lược chủng ngừa Covid-19 toàn cầu (Global COVID-19 Vaccination Strategy) đề ra mục tiêu từng bước giảm số ca tử vong, số ca nguy kịch, giảm quá tải cho hệ thống y tế và nguy cơ xuất hiện biến thể mới. Người cao tuổi cùng với nhóm người có nguy cơ cao, mọi người trưởng thành và người vị thành niên phải được ưu tiên tiêm vaccine theo từng bước.

Trong lúc đó, các khuyến cáo rộng hơn về sử dụng vaccine vẫn đang được xem xét. Ví dụ, chưa đến một trong 10 người châu Phi đã được chủng ngừa đầy đủ, trong khi có đến 4 trong số 5 người tại 22 quốc gia có thu nhập cao đã được tiêm đủ hai mũi.

Đúng là số lượng vaccine được cung cấp sẽ nhiều hơn, nhưng cùng với đó là nhiều chuyện vẫn còn chưa rõ. Mặc dù thế giới hy vọng sẽ có đủ lượng vaccine để tiêm ba mũi cho 70% toàn thể nhân loại vào giữa năm 2022, vẫn còn nhiều điều bất ổn đang xảy ra. Đó là khả năng sản xuất vaccine hữu hiệu với các biến thể, việc thay đổi chính sách chủng ngừa, một số quốc gia thích sản phẩm này hơn sản phẩm khác, việc quản lý vaccine trở nên phức tạp vì có thêm nhiều sản phẩm hơn, dự báo kế hoạch và công tác thực hiện trên bình diện quốc gia.

Hy vọng rằng mọi quốc gia sẽ sớm có được nguồn cung vaccine Covid-19 ổn định nhằm đạt được nhu cầu miễn dịch cần thiết của mình.

Để người dân tha thiết hơn với việc tiếp cận vaccine, WHO cho rằng các nhà lãnh đạo quốc gia cần khắc phục tình trạng thông tin sai lệch về vaccine ngừa Covid-19.

————–

Nguồn tham khảo:

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới