Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vạch lộ trình ổn định cho doanh nghiệp nhà nước

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hiện các doanh nghiệp nhà nước hiện giữ vai trò quan trọng của nền kinh tế, song hiệu quả hoạt động còn chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, chưa đạt như kỳ vọng. Để thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị khẩn trương hoàn thiện trình phê duyệt Đề án Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, trong đó đề xuất thực hiện một số chính sách thí điểm (chưa được quy định tại các Luật hiện hành) áp dụng cho các tập đoàn, tổng công ty được lựa chọn trong thời gian 5 năm.

Tọa đàm “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới” do Báo Đầu Tư tổ chức ngày 26-9. Ảnh: Vân Ly

Thông tin trên được ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tại tọa đàm “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới” do báo Đầu Tư tổ chức ngày 26-9.

Tại sự kiện trên, ông Trung cho biết, đến hết năm 2022 Việt Nam có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

“Doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Riêng các doanh nghiệp chiếm 100% vốn nhà nước, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (chưa đến 0,1% số doanh nghiệp hoạt động) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế (chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường),” ông Trung nói.

Do đó, ông Trung cho hay tính đến 30-6-2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước trên cả nước đạt gần 690 ngàn tỉ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế là 67,4 ngàn tỉ đồng. Ước tính cả năm 2023 tổng doanh thu của toàn khu vực doanh nghiệp này sẽ đạt hơn 1,4 triệu tỉ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra. Tổng lãi phát sinh trước thuế năm 2023 ước đạt hơn 117,3 triệu tỉ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đề ra...

Nói về những hạn chế, tồn tại của doanh nghiệp nhà nước, ông Trung cho rằng khu vực này hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Một số tập đoàn, tổng công ty có mức lợi nhuận âm, trong đó có những doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò quan trọng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực. Mặc dù nắm giữ trên 60% nguồn lực của nền kinh tế, nhưng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty hầu như chưa có các dự án đầu tư phát triển quy mô lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế...

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng trên, ông Trung phân tích các nguyên nhân chủ quan như: hệ thống pháp luật về doanh nghiệp nhà nước vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; quy trình thủ tục báo cáo, phê duyệt nhiều tầng nấc, chưa được phân cấp triệt để. Sự chậm trễ trong việc ra quyết định làm mất đi cơ hội, giảm hiệu quả trong hoạt động kinh doanh...

Nói thêm về bất cập, ông Trung cho hay chưa có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty để thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác; chưa tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và vươn ra quốc tế. Các doanh nghiệp này chưa thật sự quyết tâm đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực mới, có tác động lớn và lan tỏa tới phát triển kinh tế xã hội. Năng lực nghiên cứu, đầu tư vào các lĩnh vực mới còn thiếu, kinh nghiệm quản lý đầu tư xây dựng dự án còn hạn chế, thiếu đội ngũ cán bộ chuyên môn, kỹ thuật...

Qua những phân tích trên, ông Trung kiến nghị giải pháp trọng tâm nâng cao vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước thông qua việc xây dựng Đề án doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn. Với đề án này sẽ lấy các doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo để thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt trong việc đầu tư phát triển trong một số ngành, lĩnh vực mới, có tính chất quan trọng của nền kinh tế. Tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện một số nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt phục vụ phát triển kinh tế xã hội...

Đề án đã xác định một số ngành, lĩnh vực để lựa chọn doanh nghiệp. Kiến nghị lựa chọn 4 ngành, ngành, lĩnh vực có tính chất mở đường, dẫn dắt doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác gồm: công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, tài chính ngân hàng, kết cấu hạ tầng.

Từ đó, đề án đưa ra các tiêu chí lựa chọn một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty để đưa ra các giải pháp nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt, cụ thể như sau: có tiềm lực về tài chính, đạt yêu cầu về quy mô xét trên tiêu chí tổng tài sản (dự kiến trên 20.000 tỉ đồng), có kết quả tài chính ổn định (ROE cao hơn mức 6%); có thương hiệu tại thị trường trong nước, đảm bảo các quy định pháp luật về cạnh tranh; có định hướng mở rộng sang thị trường nước ngoài; nhà nước nắm giữ 100% vốn hoặc đã cổ phần hóa/có định hướng đa dạng hóa sở hữu tại công ty mẹ, nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên.

Ông Trung cho hay đề án đề xuất thực hiện một số chính sách thí điểm (chưa được quy định tại các Luật hiện hành) áp dụng cho các tập đoàn, tổng công ty được lựa chọn trong thời gian 5 năm. Sau đó tổng kết, đánh giá và điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Cụ thể đề án đề xuất nhiều chính sách. Như đẩy mạnh phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và giao quyền chủ động cho doanh nghiệp về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo hướng như sau:  Chính phủ phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ gồm: quyết định tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu và sắp xếp lại doanh nghiệp; quyết định điều chỉnh vốn điều lệ (trừ trường hợp tăng vốn điều lệ từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp); phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển và kế hoạch sản xuất, kinh doanh 5 năm của doanh nghiệp; quyết định việc tăng vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước trong quá trình hoạt động đối với các doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thành lập sau khi được bố trí vốn (trừ trường hợp tăng vốn điều lệ từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp).

Bên cạnh đó giao quyền cho hội đồng thành viên/chủ tịch tập đoàn, tổng công ty được quyền quyết định các nội dung sau: tăng vốn điều lệ từ nguồn quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp trên cơ sở chiến lược, kế hoạch được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt; dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định với giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu và không quá 5.000 tỉ đồng để tăng cường tính chủ động cho doanh nghiệp; thoái vốn tại doanh nghiệp trực thuộc căn cứ trên mục tiêu, nhiệm vụ được giao, kế hoạch sản xuất kinh doanh và tín hiệu thị trường và chịu trách nhiệm với các quyết định của mình.

Việc Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện một số quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành là một điểm mới của đề án nhằm giảm thủ tục hành chính cho Thủ tướng Chính phủ và tăng tính trách nhiệm và năng lực của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Đồng thời, cũng giúp các tập đoàn, tổng công ty nhanh chóng đưa ra các quyết định sản xuất kinh doanh phù hợp với tín hiệu và thực tiễn của thị trường.

Đối với doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, đề án đề xuất sửa đổi theo nguyên tắc sau: phân cấp cho người đại diện phần vốn nhà nước quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình tại đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên.

Đề án cũng đề xuất đổi mới công tác cán bộ, tiền lương, tiền thưởng gắn với hiệu quả kinh doanh và theo nguyên tắc thị trường. Nghiên cứu cơ chế cho phép các tập đoàn, tổng công ty được giữ lại một phần tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn (đối với doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa). Hoặc điều chỉnh quy định về phân phối lợi nhuận để có nguồn lực tích lũy, đầu tư các dự án quan trọng, cấp bách đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Ngoài ra có thể tập trung xây dựng các chính sách thí điểm áp dụng riêng đối với từng doanh nghiệp được lựa chọn. Ví dụ như tại một số tập đoàn, ngân hàng có khả năng đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể xây dựng đề án thí điểm sử dụng một phần hoặc toàn bộ quỹ phát triển khoa học công nghệ của các doanh nghiệp này cho một số hoạt động nhất định (như fintech, cyber security, AI, robotics, viễn thông…) để xử lý các vướng mắc mà doanh nghiệp nhà nước hầu như không sử dụng được Quỹ trong thời gian qua...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới