Thứ hai, 6/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vạch xương cá bất hợp lý: xử phạt thì công khai, sửa sai sao lẳng lặng?

Mục Đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Từ việc lẳng lặng sửa sai bằng cách xóa các vạch xương cá vẽ sai chỗ, thiết nghĩ cũng nên đặt ra vấn đề rằng cơ quan quản lý cần sòng phẳng với người dân khi họ phạm luật vì tín hiệu giao thông bất hợp lý. Điều này đặc biệt quan trọng khi mức phạt vi phạm tăng lên rất cao sau khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực.

Từ ngày 1-1-2025, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực, thay thế cho Nghị định 100/2020/NĐ-CP và Nghị định số 123/2021/NĐ-CP. Theo quy định trong Nghị định 168/2024, nhiều lỗi vi phạm giao thông có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng gấp nhiều lần so với trước đây, từ 2-3 lần đến 10-20 lần, thậm chí có mức phạt tăng đến 30 lần.

Việc tăng mức phạt theo thực tế quản lý giao thông là rất cần thiết, vì trước đây, một số hành vi gây nguy hiểm nhưng mức xử phạt quá nhẹ nên không đủ sức răn đe. Những hành vi như chạy ngược chiều trên cao tốc, lùi xe trên cao tốc, không chằng buộc cẩn thận khiến cuộn thép vài chục tấn rơi khỏi xe, hay dán sửa bảng số xe… có mức phạt mới theo Nghị định 168/2024 lên đến 20-40 triệu đồng, tăng hàng chục lần so với mức phạt cũ theo Nghị định 100/2020 và Nghị định số 123/2021.

Tuy nhiên, cùng với việc tăng mức phạt, phía cơ quan quản lý giao thông và cảnh sát giao thông cũng phải hành xử sòng phẳng và minh bạch với người dân, không để họ rơi vào cảnh vi phạm vì hệ thống tín hiệu giao thông bất hợp lý.

Để được như vậy, hệ thống tín hiệu giao thông như bảng báo, vạch kẻ đường, đèn tín hiệu… phải tuyệt đối tuân thủ hai tiêu chí: nhìn thấy trong mọi điều kiện giao thông, điều kiện thời tiết và thiết kế đúng cơ sở khoa học về quản lý giao thông.

Tình trạng không hiếm thấy ở TPHCM là các bảng báo đặt ở nơi khó thấy, bị cây xanh hay bảng hiệu che khuất hoặc vạch kẻ đường ở vị trí bất hợp lý khiến người lái xe rất dễ bị “dính bẫy”.

Ở một số đoạn đường, các bảng cấm quẹo trái chỉ đặt bên phải trong khi xe cần quẹo đang ở làn bên trái. Với đường 3 làn xe rồi thêm xe buýt, xe tải chạy làn bên phải che khuất thì tài xế có mắt thần cũng không nhìn ra nổi bảng cấm quẹo này. Lẽ ra, 100% bảng báo loại này phải có thêm bảng phụ đặt ở bên trái cho người lái dễ dàng nhìn thấy. Thế nhưng cho đến nay, chỉ có một số rất ít giao lộ tại TPHCM có thêm bảng báo trên dải phân cách giữa đường, sát làn bên trái.

Những bất hợp lý trong hệ thống tín hiệu giao thông không phải là hiếm, chẳng hạn như vạch xương cá trên đường Mai Chí Thọ và Võ Văn Kiệt (TPHCM). Vạch xương cá là tên gọi thông thường của vạch 4.1 và 4.2 trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT. Đây là loại vạch phân chia làn xe (kênh hóa) và các loại xe không được chạy đè qua vạch này.

Trong vài tháng qua, ngành giao thông TPHCM đã lẳng lặng xoá bỏ nhiều vạch xương cá trên đường Mai Chí Thọ và Võ Văn Kiệt. Lý do là với vị trí kẽ những vạch này, tài xế xe hơi không có cách nào tránh khi quẹo mà buộc phải cán qua, vậy là phạm luật. Nếu họ cố lách qua tránh cán vạch thì nguy cơ bị xe sau tông trúng rất cao, rất dễ bị tai nạn. Các vị trí đã xoá vạch xương cá vẽ sai đến nay vẫn còn nhìn thấy rất rõ trên đường.

Trên làn quẹo trái dành cho xe hai bánh ở đường Võ Văn Kiệt cũng vậy, các vạch xương cá tồn tại hàng chục năm đến gần đây mới được xoá vì rõ ràng không có tác dụng gì. Tuy không bị phạt nhưng việc kẻ vạch như vậy đã làm mỗi ngày có hành ngàn người dân vi phạm vì cán qua vạch, nếu chiếu theo đúng quy định của lụật giao thông.

Câu chuyện vạch xương cá nói trên cho thấy, khi phát hiện sai thì cơ quan quản lý giao thông lẳng lặng xoá đi, còn người dân thì vẫn lãnh đủ thiệt hại. Nếu họ bị phạt trước khi cái sai này được sửa thì không có cách nào lấy lại được tiền phạt đã đóng dù rõ ràng là họ bị phạt oan.

Trên các diễn đàn xe hơi, nhiều tài xế cho biết họ đã bị phạt vì cán vạch xương cá này và có trình bày nhưng cảnh sát giao thông cho rằng họ chỉ biết phạt theo vi phạm về vạch kẽ đường. Việc vạch này đúng sai là trách nhiệm của ngành giao thông vận tải nên tài xế phải khiếu nại với ngành giao thông.

Vì vậy, để tránh cho người dân rơi vào tình trạng vi phạm do các bất hợp lý trong hệ thống tín hiệu giao thông, các cơ quan chức năng phải tổng rà soát, sửa chữa, bổ sung những bảng báo, vạch kẻ đường, hệ thống phân luồng, khung giờ cấm, bảng cấm, chu kỳ đèn giao thông… bảo đảm khoa học, hợp lý để người dân không bị phạt oan. Điều này đặc biệt quan trọng khi mức phạt vi phạm giao thông tăng lên rất cao từ năm 2025 khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực.

Một điều quan trọng nữa là cần tăng cường công nghệ “phạt nguội” để phát hiện vi phạm giao thông, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa người vi phạm với nhân viên công quyền. Bởi lẽ, khi mức phạt quá cao thì người vi phạm dễ có xu hướng đề nghị “làm luật” mà đây là điều không dễ kiểm soát và ngăn chặn tiêu cực.

Cũng liên quan đến công nghệ, cơ quan quản lý cần có cổng thông tin để người dân khiếu nại trong trường hợp bị xử phạt mà họ cho rằng không hợp lý, kèm theo cung cấp các thông tin như hình ảnh, video hiện trường dẫn đến vi phạm giao thông.

Nếu người dân chứng minh được họ bị rơi vào tình trạng vi phạm vì sự bất hợp lý trong hệ thống tín hiệu giao thông thì phải huỷ bỏ quyết định xử phạt. Mô hình này sẽ đảm bảo công bằng cho người dân như cách đưa vi phạm giao thông ra toà án xét xử mà các nước phát triển vẫn làm.

Muốn người dân tuân thủ tốt luật giao thông thì Nhà nước phải bảo đảm một hệ thống giao thông được quản lý khoa học, bảo đảm mọi người lái xe đều thấy rõ được tín hiệu, bảng hiệu trên đường trong mọi điều kiện giao thông và thời tiết.

Mong các vị công bộc đừng quên, mục đích tối thượng của pháp luật khi đặt ra mức phạt cao là để ngăn ngừa vi phạm giao thông, bảo đảm an toàn cho mọi người dân khi ra đường chứ không phải chăm bẵm vào việc thu được nhiều tiền phạt.

3 BÌNH LUẬN

  1. Ý tưởng Phạt nặng vì vấn đề gì? Quá nhiều vô lí cho ND9. Kìm hãm phát triển đất nước tăng rối ren xã hội….? Nên có ý tưởng phạt Văn Hóa Con Người! để tận thu?

  2. Công thức đơn giản thường là: Sai thì xin lỗi/ sai thì sửa. Nói vậy nhưng làm khó. Phụ thuộc vào văn hóa lãnh đạo và + văn hóa trách nhiệm công vụ. Cùng một việc, nếu giao đúng người, có năng lực uy tín và trách nhiệm cao, thì tỷ lệ sai sót và sửa sai là rất thấp. Ngược lại, mọi thứ sẽ sai theo kiểu lập đi lập lại, đến mức không thể khắc phục nổi. Bó tay !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới