Vài suy nghĩ từ phong trào Chiếm phố Wall
Đoàn Tiểu Long
![]() |
Yêu sách chính của người biểu tình là "không đổ tiền cho Wall Street và chiến tranh; yêu cầu việc làm và thu nhập cho người lao động". Ảnh TL |
Thật là thú vị khi nghe thấy cụm từ “chiến tranh giai cấp”, cụm từ tưởng chừng đã đi vào dĩ vãng, nay lại đột ngột vang lên ở chính ngay nước Mỹ, biểu tượng của chủ nghĩa tư bản, và đang lan rộng ra toàn cầu.
Những người đi biểu tình kết tội giới tài phiệt, ngân hàng là đám người tham lam, vô đạo đức, hút máu hút mủ đồng loại. Chính chúng nó là tội đồ của cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra và chưa biết đến lúc nào mới thấy ánh sáng cuối đường hầm. Tội đáng phanh thây, vậy mà bọn chúng vẫn nhởn nhơ, sống nhờ vào tiền cứu trợ của Chính phủ, mà tiền của Chính phủ thì chính là tiền thuế của dân chứ đâu. Vừa mới được Chính phủ bơm cho tí thuốc cấp cứu, mới hồi sức trở lại chúng nó đã vội chi thưởng cho nhau vung vít hết cả lên, thật đúng bằng trêu ngươi hàng trăm triệu con người đang khốn đốn vì nợ nần, thất nghiệp, bị siết nhà siết cửa…
Phong trào Chiếm phố Wall cho thấy một bộ phận người dân Mỹ và nhiều nước khác đã sáng mắt ra, đã thấy rõ bộ mặt thật của giới tư bản tài chính. Mới chỉ cách đây không lâu, thế giới tư bản tài chính vẫn còn là một thế giới đầy mê hoặc, nơi con người ta có thể trở thành triệu phú, tỷ phú chỉ trong mấy chốc mà không cần lao động, không cần sản xuất kinh doanh, nhức đầu nhức óc với việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Những cuốn sách mô tả công cuộc đầu cơ tài chính như Tiền là, Vua Xanh của Paul Soulizer đã hấp dẫn hàng triệu con người là vì thế.
Về điều này, từ cách đây hơn một thế kỷ, Marx đã nhận xét trong bộ Tư bản rằng trong công thức chung của sản xuất Tư bản chủ nghĩa (TBCN): T-H-H’-T’ thì công đoạn H-H’ là công đoạn sản xuất, tại đó giá trị thặng dư được sản xuất ra. Như thế, công đoạn sản xuất là một tai vạ không tránh khỏi để có thể tạo ra giá trị thặng dư, T biến thành T’, tiền sinh ra tiền.
Bởi vậy, ở bất kỳ dân tộc nào mà phương thức sản xuất TBCN đã trở thành thống trị, thì con người ta luôn có xu hướng né tránh cái tai vạ đó, tìm cách thu được giá trị thặng dư mà không cần sản xuất, rút ngắn công thức T-H-H’-T’ chỉ còn T-T’. Thị trường tài chính, chứng khoán là nơi lý tưởng nhất để thực hiện giấc mơ này. Tại đây, bất kỳ ai cũng có thể trở thành thiên tài về đầu tư tài chính nếu gặp may thắng được vài phi vụ đầu cơ trên các sàn giao dịch hàng hóa ảo như sàn vàng, sàn cà phê, sàn chứng khoán v.v.
Mới đây thôi, còn rất nhiều người khăng khăng phản đối việc gọi các giao dịch kiểu đó là ảo. Họ bảo: tiền thật, lời thật, lỗ thật, sao gọi là ảo! Còn nhớ, trong một cuộc trao đổi cách đây mấy năm, Ts Vũ Quang Việt (http://hoithao.viet-studies.info/2003_THHac_Viet.pdf) có nói với Ts Trần Hải Hạc rằng “Anh gọi tư bản tài chính là tư sản « ảo ». Tôi thì chẳng thấy nó ảo chút nào chừng nào mà kinh tế thị trường vẫn hiện diện. « Ảo » tất nhiên là theo nghĩa của Marx, tức là nó không tạo ra giá trị và những gì mà người bỏ vốn nhận được là từ thặng dư của người khác. Đây là lý luận hết sức trừu tượng, không phản ánh thực tế. Của « ảo » do chính người lao động tạo ra, mà khi đem cho vay mà không được hưởng một tí lợi [phần thưởng] nào thì hoạ có thánh nhân mới sẵn sàng làm.” Sau này, khi khủng khoảng kinh tế toàn cầu bùng nổ, quan điểm của Ts Vũ Quang Việt dường như đã có sự thay đổi khi ông bắt đầu phân biệt rõ ràng hơn nền kinh tế “thực” và nền kinh tế “ảo”.
Về mối nguy của các hoạt động đầu cơ thì J. M. Keynes đã cảnh báo từ lâu, khi ông nhận xét trong chương 12 của tác phẩm nổi tiếng “Lí thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ” (General Theory of Employment, Interest and Money, 1936) rằng đầu cơ là vô hại khi đầu cơ là những bọt bong bóng trong dòng hoạt động kinh doanh ổn định, nhưng tình hình sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm khi hoạt động kinh doanh đích thực chỉ còn là những bọt bong bóng trong cơn lốc đầu cơ.
Nói rõ hơn, trong trường hợp thứ nhất hoạt động đầu cơ trên các sàn giao dịch là loại hoạt động mang tính đánh bạc giữa các con bạc mang danh “nhà đầu tư”, nó chỉ là sản phẩm phụ của nền kinh tế thực. Còn trong trường hợp thứ hai, nền kinh tế thực trở thành sản phẩm phụ của một hệ thống sòng bạc khổng lồ mang danh các sàn, sở giao dịch hàng hóa đủ loại, từ cà phê, lúa gạo, dầu mỏ, kim loại, tiền tệ tới chứng khoán.
Hoạt động đầu cơ đúng là một thứ ma túy. Không gì dễ hơn mua bán trên sàn, và nếu gặp may hay gặp thời thì mỗi ngày giá hàng hóa, chứng khoán tăng vài mươi phần trăm mà không phải bỏ ra một chút công sức gì hết, khác hẳn với khi làm ăn kinh doanh thực sự.
Vào những lúc thị trường lên cơn sốt thì ai ai cũng giàu lên nhanh chóng, ai ai cũng thấy mình là thiên tài về đầu tư tài chính. Không ai còn tâm trí đâu đi làm việc khác, những việc đem lại đồng lương ba cọc ba đồng, hoặc tỷ suất lợi nhuận mươi lăm phần trăm mỗi năm, không bằng lợi nhuận sau ba phiên tăng trần. Nhà đầu tư phấn khởi, các công ty chứng khoán còn phấn khởi hơn nữa khi thống kê lượng giao dịch trong ngày. Bong bóng không còn sủi lăn tăn, mà sôi ùng ục như dòng nham thạch. Tổng giá trị của các giao dịch đầu cơ trên mọi loại sàn giao dịch phình ra vô hạn độ, gấp hàng ngàn lần tổng giá trị các giao dịch thực. Nền kinh tế thực bây giờ chìm nghỉm trong cơn sóng thần của các hoạt động đầu cơ.
Bong bóng chứng khoán, nhà đất, các sản phẩm tài chính quái thai như CDS, CDO phình lên khiến ai cũng thấy mình giàu lên, tha hồ chi tiêu mạnh tay. Các ngân hàng thấy thế tranh nhau cho vay để tiêu dùng, để đầu tư, để làm đủ thứ khác nữa. Nhờ thế hàng hóa, bất động sản bán được nhiều hơn, các nhà máy hoạt động hết công suất, lao động được toàn dụng, lương bổng tăng lên. Vòng xoáy cứ thế tiếp tục. Tất cả những cái đó khiến người ta ngây ngất, nghĩ rằng nền kinh tế cứ tăng trưởng như thế mãi, mà không biết, hoặc không muốn biết, rằng đó chỉ là tình trạng phồn vinh giả tạo dựa trên sự tăng trưởng giả tạo của bong bóng nhà đất, chứng khoán, hàng hóa ảo trên tài khoản, và tất cả sắp sửa nổ tung đến nơi.
Chỉ cần một điểm nào đó trong toàn bộ guồng máy đang chạy như điên như dại đó gặp trục trặc là lập tức gây nên phản ứng dây chuyền; giá nhà đất, chứng khoán tụt không phanh, các khoản nợ không trả được, hàng hóa chất đống không bán được, mọi hoạt động tín dụng, sản xuất bị tắc nghẽn, thất nghiệp bùng phát. Đó là bức tranh của các cuộc khủng hoảng kinh tế.
Có thể hiểu vì sao Keynes lại lo ngại đến thế khi mà “hoạt động kinh doanh chỉ còn là những bọt bong bóng trong cơn lốc đầu cơ”, mặc dù nếu nghiên cứu sâu hơn ta có thể thấy nguyên nhân đích thực của các cuộc khủng hoảng kinh tế thực ra không phải các hoạt động đầu cơ, mà là cái khác. Hoạt động đầu cơ chỉ là bề nổi, dễ nhận thấy, nên hay bị đổ tội. Có hay không có đầu cơ thì kinh tế vẫn cứ rơi vào khủng hoảng chu kỳ như thường. Đầu cơ thậm chí còn giúp nền kinh tế tăng trưởng thêm một thời gian, dù là tăng trưởng giả tạo như đã nói trên, chứ nếu không có đầu cơ thì cuộc đại suy thoái kinh tế 2008 vừa rồi lẽ ra đã khởi phát sớm hơn nữa, nhưng ở mức độ kém khốc liệt hơn. Cái gì cũng có giá của nó cả.
Khi phân tích về nguyên nhân của các cuộc khủng hoảng kinh tế trong phương thức sản xuất TBCN (chương XXX, Tư bản quyển III), Marx chỉ ra rằng mọi cuộc khủng hoảng kinh tế bao giờ cũng bắt đầu nổ ra ở khu vực tài chính-tín dụng, và vì thế luôn gây cho người ta cảm tưởng rằng chính khu vực tài chính-tín dụng là nguồn cơn của khủng hoảng (đây chính là cách nhìn của rất nhiều kinh tế gia, và cả những người tham gia phong trào Chiếm phố Wall về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay).
Marx chỉ ra rằng nguyên nhân thực sự, sâu xa của các cuộc khủng hoảng nằm ở chỗ khác: đó là sự mất cân đối giữa các khu vực của nền sản xuất, hậu quả của tính vô tổ chức ở tầm vĩ mô của nền sản xuất TBCN; và quan trọng nhất, đó là sự không khớp giữa sản xuất và tiêu dùng. Sự không khớp này là hậu quả đương nhiên của phương thức phân phối TBCN, khi mà giai cấp lao động – tầng lớp tiêu dùng chủ yếu - chỉ được trả lương theo giá trị sức lao động, và vì thế không thể tiêu thụ toàn bộ số hàng hóa do chính họ làm ra, dẫn đến khủng hoảng thừa.
Lý thuyết trọng cầu chính là âm mưu xử lý mâu thuẫn chí tử này, nhưng đương nhiên không thể giải quyết được, mà chỉ giúp kéo dài tình trạng của nền kinh tế thêm chút ít. Bù lại, khi không gắng sức chống đỡ được nữa thì khủng hoảng bùng nổ còn khốc liệt hơn so với khi không áp dụng các biện pháp kích cầu. Bởi vậy, cho dù Nhà nước có kiểm soát hoạt động của các ngân hàng, quỹ đầu cơ v.v… chặt chẽ đến mấy, cho dù đám cá mập tài chính không tham lam nữa, cho dù nền kinh tế được lèo lái bởi các kinh tế gia tài giỏi đến mấy, thì khủng hoảng vẫn cứ đều đặn nổ ra như thường. Tập trung cải tổ khu vực tài chính-tiền tệ hòng né tránh các cuộc khủng hoảng tiếp theo hoàn toàn chỉ là ảo tưởng.
Marx cũng chỉ ra rằng khủng hoảng không phải là một cái gì đó xấu xa, đáng ghét, là nguyên nhân của mọi sự đảo lộn xã hội như người ta vẫn nghĩ. Trái lại, khủng hoảng chính là cách thức một nền kinh tế tự điều trị các căn bệnh của bản thân đã tích tụ lại sau một thời gian hoạt động (tồn kho hàng hóa, thiếu hụt tiền mặt do không bán được hàng, thu hẹp sản xuất, thất nghiệp gia tăng v.v…), để đưa nền kinh tế trở về trạng thái cân bằng ban đầu.
Khủng hoảng giống như cơn sốt cơ thể tự tạo ra để chấn chỉnh các thay đổi trong cơ thể, đưa cơ thể trở về trạng thái quân bình lúc trước. Cơn sốt không phải là nguyên nhân gây bệnh; cơn sốt là cách tự trị bệnh của cơ thể. Giống như cơn sốt thường gây nên đau đầu, mệt mỏi, cần có thuốc để giảm bớt những triệu chứng khó chịu đó, thì người ta cũng phải hành xử tương ứng với khủng hoảng. Tức là đừng có cố tìm cách “tiêu diệt”, “ngăn chặn” khủng hoảng – việc này là vô ích. Chỉ cần thực thi các biện pháp nhằm giảm nhẹ tác động tiêu cực của khủng hoảng, đặc biệt là tác động của nó tới những tầng lớp dân cư dễ bị tổn thương nhất. Còn khủng hoảng sẽ tự nó qua đi, giống như mọi cơn sốt.
Những người đòi Chiếm phố Wall phẫn nộ vì Chính phủ của họ đã làm ngược lại – không lo cho 99% mà lại đi lo cho 1% kia – cái tầng lớp ít bị tổn thương nhất.
Tóm lại, một mặt ta hiểu được tâm tư của những người tham gia phong trào Chiếm phố Wall. Mặt khác, ta thấy việc họ tập trung sự kết tội của mình vào giới tư bản tài chính là không hoàn toàn xác đáng, mới chỉ thấy hiện tượng bề nổi, nguyên nhân trực tiếp, chứ chưa thấy được nguyên nhân sâu xa, bản chất. Mà trí nhớ của con người ta thường là ngắn, vì thế chỉ cần khủng hoảng qua đi một thời gian, khi sản xuất bắt đầu phục hồi và phát triển, công ăn việc làm và thu nhập được tạo ra, giá chứng khoán tăng vèo vèo vài mươi phần trăm mỗi phiên, thì người ta sẽ lại quên sạch mọi chuyện thôi!