Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vài tản mạn Tết Nhâm Dần

Trần Thanh Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ba ngày Tết Nhâm Dần đã trôi qua. Xin ghi lại ở đây vài suy nghĩ những ngày đầu xuân hầu độc giả.

Ba mươi chưa phải là Tết

Giao thừa Nhâm Dần (tối hai mươi chín năm Tân Sửu), theo yêu cầu của Chính phủ, không có những hình ảnh pháo hoa tầm cao mãn nhãn trên toàn quốc để hạn chế dịch bệnh lây lan. Thay vào đó người dân được phép tự bắn pháo hoa tầm thấp. Dĩ nhiên, pháo hoa kiểu này thật khó sánh với những năm trước, nhưng cũng đủ để báo hiệu năm mới đã đến.

Thống kê cho thấy năm qua lạm phát ở Mỹ đã nhảy vọt lên mức cao nhất trong bốn thập kỷ qua. Còn tại Việt Nam, theo các chuyên gia kinh tế, chúng ta đã tránh được tình trạng này năm 2021. Có lẽ họ đúng nếu nhìn vào giá cả những ngày trước Tết. Vật giá nhìn chung được giữ ổn định, và nếu có tăng cũng chấp nhận được.

Nếu bạn dạo chợ hoa Bến Bình Đông ở quận 8, TPHCM, như tác giả bài viết này đã làm chiều 28 và sáng 29 Tết, sẽ thấy người bán người mua vẫn tấp nập. Tuy nhiên, giao dịch không như mong đợi của người bán. Sáng 29 Tết, người mua xem ra lại ít hơn chiều hôm trước trong khi lượng hàng chưa bán được vẫn còn nhiều và một số đáng kể sẽ được nhà vườn chở về chờ dịp khác.

Một bạn trẻ bán bon sai cho biết chút nữa số chậu cây cảnh còn lại tại gian hàng sẽ được chở bằng ghe về vườn nhà ở Bến Tre. Đi bằng đường thủy kiểu này thì đến chiều mai, mồng một Tết, bạn mới về đến nhà, và lúc ấy mới ăn Tết được. Nhìn số lượng còn lại tại gian hàng của bạn trẻ này cũng đủ biết năm nay chuyện bán hàng không được khả quan lắm.

Có điều, bạn trẻ này không hề có ý định đập bỏ số cây cảnh không bán được như một số nhà vườn khác đã làm với đào và quất của họ. Một số đoạn phim video đưa lên mạng ghi lại cảnh người bán đập phá tan tành những cành đào, những chậu quất mà chỉ trước đó không lâu họ còn cưng như trứng mỏng. Họ cũng không ngăn được những lời lẽ chua xót thốt ra về chuyện hàng họ ế ẩm năm nay khiến họ phải làm như vậy.

Đây là những cảnh tượng không mới. Sáng ba mươi Tết nào câu chuyện tương tự cũng lặp lại với một số lượng đáng kể cây cảnh không bán được phải bỏ đi không thu được đồng nào. Người ta cũng tốn không ít giấy mực bàn về vấn đề này. Thậm chí, có ý kiến kết tội người chờ đến 30 Tết mới mua hoa kiểng chưng Tết là “vô nhân đạo” vì “bắt chẹt” người bán.

Ở đây không bàn ai đúng, ai sai, chỉ xin ghi lại vài chuyện thực tế để chúng ta lưu ý nhằm tránh tình trạng này trong những năm sau, nếu muốn.

Trước hết, việc nhà buôn muốn bán giá cao nhất và người tiêu dùng luôn muốn mua giá thấp nhất là chuyện thường tình. Ở đâu cũng vậy. Không chỉ nhiều người Việt chờ đến 30 mới sắm sửa cây kiểng cho nhà mình, người ở chỗ khác cũng làm như thế. Chẳng hạn, người viết bài này tình cờ đọc được một bài báo mô tả Tết Nhâm Dần ở Đài Loan ghi nhận cảnh chợ hoa Đài Bắc tập nập người mua vào phút chót.

Như vậy, đây là một “ván bài lật ngửa”, người bán và người mua đã biết rõ “bài tẩy” của nhau “từ muôn kiếp trước”. Để đối phương không lợi dụng được tình huống, phải có đối sách. Như vậy, vì sao người bán không hạ giá bớt hàng hóa của mình trong những ngày trước ngày 30 để bán được nhiều hơn, hay hạn chế số lượng cây kiểng vì đã nắm rõ sức mua qua nhiều năm kinh nghiệm? Đây là bài toán thị trường mà người kinh doanh nào cũng phải giải cho được nếu muốn kiếm lợi nhuận, chứ không thể đổ lỗi hay trách cứ người mua sao cứ quá vô tình, hoặc mong chờ giải cứu.

Ai cũng biết chuyện này như câu “ba mươi chưa phải là Tết”.

Mồng một: thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Theo người viết, đây là một câu ca dao tóm tắt được đặc trưng của món ăn ngày Tết ở Việt Nam. Ở đây, chỉ xin bàn một chuyện thôi: “thịt mỡ”.

Thịt mỡ là món không thể thiếu trong ẩm thực Tết. Tại Sài Gòn và các tỉnh miền Tây, đó có thể là nồi thịt kho nước dừa. Ngày xưa, người kho thịt luôn chọn những miếng thịt có lớp mỡ dày. Khi kho xong, nồi thịt đóng một lớp mỡ béo ngậy trên mặt, ngon muốn chảy nước miếng.

Tuy nhiên, theo quan điểm dinh dưỡng hiện nay, ăn nhiều mỡ quá không tốt. Thế cho nên, nhiều bà nội trợ ý nhị đã không còn ưu tiên cho những mảng thịt heo quá nhiều mỡ mà chọn thịt có mỡ vừa phải cho nồi thịt kho ngày Tết của gia đình. Một số người còn chọn thịt heo thảo mộc (được nuôi bằng thức ăn gia súc chọn lọc hơn) vì có lượng mỡ ít hơn thịt heo thông thường.

Một người cho biết dù giá thịt heo loại này cao hơn, nhưng bù lại ngoài chuyện ít mỡ hơn, nó còn ít bị co lại khi kho và hâm. Do vậy, khối lượng thịt vào dạ dày cũng chưa hẳn ít hơn thịt heo thông thường, trong khi lại tốt hơn về mặt dinh dưỡng. Ngoài bài toán dinh dưỡng, đây còn là bài toán kinh tế.

Hẳn nhiều người lớn tuổi vẫn còn nhớ thời bao cấp, công nhân viên chức nhà nước cũng như “quần chúng nhân dân” ai nấy đều chờ đợi giây phút được mua thịt heo phân phối tại các cửa hàng quốc doanh. Thời kỳ gian khổ ấy nay đã qua. Thịt heo, và thịt các loại nói chung, nay không còn là của hiếm. Thậm chí, chúng ta còn nhập thịt heo để sử dụng trong các bữa ăn gia đình.

Hiện nay, sau giai đoạn “ăn đủ”, xã hội đang tiến đến một mức cao hơn: “ăn sạch”, thức ăn phải đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh và bổ dưỡng hơn.

Chắc đây cũng nên trở thành một cách nhìn mới không những về phía người tiêu dùng mà còn từ phía nhà sản xuất, ở đây là các nhà chăn nuôi và các nhà phân phối thực phẩm hầu đáp ứng nhu cầu thị trường. Chuyện có thể làm ngay trước mắt là hạn chế bơm nước vào heo hơi trước khi xẻ thịt!

Mồng hai: ngày xuân con én đưa thoi

Là người Việt, chúng ta không lạ gì với câu thơ được xem là một kiệt tác của Nguyễn Du trong truyện Kiều tả cảnh ngày xuân.

Theo quan sát của người bạn, từ ban công căn hộ chung cư của anh, những cánh chim báo hiệu mùa xuân như Nguyễn Du đã mô tả, ít hẳn đi trong những ngày cận Tết năm nay. Điều này làm anh ngạc nhiên tự hỏi chuyện gì đã xảy ra. Trong suốt những tháng phong tỏa, điều làm anh bớt căng thẳng là tiếng chim hót bỗng nhiều hẳn lên. Có lẽ không khí trong lành hơn vì lượng khói bụi giảm đáng kể là một nguyên nhân trực tiếp giúp chim cất tiếng hót.

Phong tỏa kết thúc, cuộc sống bình thường dần trở lại. Lượng xe cộ cũng tăng lên, đặc biệt là những ngày giáp Tết. Phải chăng đó cũng là một lý do khiến năm nay vắng bóng những cánh chim báo hiệu mùa xuân tại khu người bạn tôi sống?

May thay, Tết năm nay, bầu trời ở khu vực này lại chiều lòng người. Bạn tôi kể suốt những ngày trước Tết, bầu trời thường xuyên xám xịt dù vẫn có nắng trời. Nhưng kỳ diệu thay, sáng mồng một, ông trời bỗng đổi tính để chiều lòng người đón Tết. Bầu trời trở nên trong xanh dưới nắng xuân. Đó là một phần thưởng.

Xế chiều mồng hai, anh bạn lại nhận một phần thưởng khác. Anh ngắm những đám mây trên bầu trời chiều, những đám mây trắng tinh khiết, trắng tinh như áo lụa Hà Đông. Nắng chiều như gửi gắm trên các đám mây những niềm hy vọng cho một năm mới tốt lành hơn, thịnh vượng hơn.

Mồng ba Tết thầy

Nếu “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” tượng trưng cho ẩm thực Tết, thì “mồng một Tết cha, mồng ba Tết thầy” có thể được xem là một góc độ trong văn hóa ứng xử Tết của người Việt. Đó là các cuộc thăm viếng lẫn nhau trong cộng đồng dân cư.

Ngày nay, “mồng ba Tết thầy” chỉ là một phần nhỏ trong các cuộc thăm viếng đó. Khó tưởng tượng Tết nếu không có thăm viếng lẫn nhau, người thân, bạn bè, hàng xóm, v.v… Hôm qua, mồng ba Tết, sân bay Tân Sơn Nhất đón khoảng 670 chuyến bay với 83.000 hành khách, cao nhất từ trước Tết đến nay(1).

Tuy nhiên, năm nay lại là một năm đặc biệt, bởi lẽ nguy cơ dịch bệnh vẫn còn nguyên đó. Dù chúng ta đã đạt tỷ lệ khoảng 70% dân số tiêm đủ hai mũi, nghĩa là cơ bản đạt miễn dịch cộng đồng theo quan điểm trước đây, điều đó vẫn chưa đủ để đảm bảo an toàn như mong muốn bởi lẽ dịch bệnh đã diễn biến phức tạp hơn với các biến thể mới biến hóa khôn lường.

Có lẽ chúng ta cũng cần giữ một thái độ thận trọng hơn để phòng ngừa dịch bệnh bùng phát không kiểm soát được. Nhìn sang một số nước lân cận, đây cũng là cách họ đã chọn, Singapore chẳng hạn. Ngày 24-1-2022, nước này đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ (hai mũi) 87,14%(2). Để ngăn sự lây lan của biến chủng Omicron, Chính phủ Singapore đã khuyến cáo người dân nên giới hạn các cuộc thăm viếng trong dịp Tết âm lịch bằng cách mỗi lần thăm viếng không quá năm người và tốt hơn hết mỗi ngày chỉ tiếp người đến thăm một lần.

Chẳng biết như thế nào mà lần với con virus corona. Thôi thì hồn ai nấy giữ vậy!

—————

(1) https://thesaigontimes.vn/san-bay-tan-son-nhat-tap-nap-khach-ngay-mung-3-tet/

(2)  ahttps://ycharts.com/indicators/singapore_coronavirus_full_vaccination_rate

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới