Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vai trò của Nhà nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vai trò của Nhà nước

Lê Văn Tứ

(minh họa: Khều).

(TBKTSG) – “Tái cấu trúc nền kinh tế” đang là vấn đề được các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và công luận quan tâm. Trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt vấn đề này vào nhóm thứ hai trong năm nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong năm 2010.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng có đề án về chủ đề này. Tuy vậy đến nay việc nghiên cứu dường như vẫn còn ở bước đặt vấn đề. Bài này chỉ bàn về những công việc liên quan đến Nhà nước.

Như một số bài viết đã đề cập trên TBKTSG số Dương lịch ra ngày 31-12-2009, tái cấu trúc kinh tế không phải là hoạt động áp đặt từ bên ngoài, mà gắn liền và nằm ngay trong hoạt động của từng chủ thể kinh tế.

Vì vậy trong điều kiện kinh tế thị trường nhiều thành phần, Nhà nước không thể dùng quyền lực để tái cấu trúc nền kinh tế, mà chỉ có thể sử dụng những chính sách khuyến khích của Nhà nước hướng dẫn quá trình này đi theo một quỹ đạo mong muốn. Đặt vấn đề lập và thực hiện một kế hoạch tái cơ cấu cho cả nền kinh tế là điều không thể và cũng không cần.

Tái cấu trúc kinh tế phải do từng chủ thể kinh tế làm, thông qua các dự án đầu tư của mình. Cấu trúc mới của nền kinh tế sẽ hình thành như là kết quả chung của những tái cơ cấu thực hiện ở từng chủ thể kinh tế.

Theo hướng này, hai hạn chế sẽ xuất hiện: 1) Các chủ thể kinh tế không thể có tầm nhìn rộng và xa như Nhà nước; 2) Họ thường không có đủ vốn cần cho tái cấu trúc. Khắc phục hai hạn chế này trở thành nhiệm vụ của Nhà nước.

Nếu Nhà nước không thể và cũng không cần vạch ra kế hoạch tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế, thì lại có thể và rất cần đề ra những định hướng chung về tái cấu trúc kinh tế phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay và có những chính sách hỗ trợ các chủ thể kinh tế khắc phục những hạn chế trong lập và thực hiện những dự án tái cấu trúc theo những định hướng Nhà nước mong muốn.

Chính sách quan trọng hàng đầu là những ưu đãi thuế, bảo đảm cho các doanh nghiệp có được mức lãi hợp lý khi thực hiện tái cấu trúc kinh tế. Chính sách quan trọng khác là tín dụng. Các dự án đầu tư cho tái cấu trúc kinh tế phải được hưởng những điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất thấp từ các loại quỹ đầu tư của Nhà nước hoặc có sự bảo lãnh của Nhà nước.

Ngoài hai chính sách trên, còn phải chú ý tới chính sách đất đai, chính sách lao động (xử lý thỏa đáng quan hệ giữa người lao động với người sử dụng lao động), chính sách đào tạo nhân lực, xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội và nhiều chính sách khác. Tóm lại, với chức năng quản lý vĩ mô, Nhà nước phải có những chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các chủ thể kinh tế đầu tư theo theo định hướng chung. Đây là những biện pháp Nhà nước phải thực hiện để tái cấu trúc khu vực ngoài quốc doanh.

Đối với khu vực quốc doanh, Nhà nước không chỉ quản lý vĩ mô, mà phải quản lý kinh doanh các doanh nghiệp khu vực này với tư cách chủ sở hữu, bao gồm cả quản lý tái cấu trúc kinh tế. Nếu lưu ý rằng quốc doanh hiện đang đóng góp khoảng 40% GDP, lại nắm các ngành kinh tế then chốt, tái cấu trúc thành công khu vực này có ý nghĩa quyết định tái cấu trúc thành công toàn bộ nền kinh tế.

Tuy nhiên vấn đề cần được đặt ra ở đây là ngay cơ chế quản lý kinh doanh khu vực quốc doanh hiện vẫn còn đang lúng túng, tất yếu kéo theo nó là những lúng túng trong quản lý tái cấu trúc kinh tế khu vực này. Trong thời kinh tế tập trung bao cấp, hệ thống quản lý kinh tế, ở trung ương cũng như ở địa phương, được tổ chức theo ngành, trong đó cơ quan quản lý ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với toàn ngành, đồng thời quản lý kinh doanh các quốc doanh trong ngành (và vì thế được gọi là “cơ quan chủ quản”).

Bước sang kinh tế thị trường, chúng ta ngày càng thấy cần tách chức năng quản lý kinh doanh với chức năng quản lý nhà nước. Nếu các cơ quan quản lý ngành hay “chủ quản” (cũ) được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, thì cơ quan nào quản lý kinh doanh doanh nghiệp nhà nước? Các tổng công ty được thành lập với kỳ vọng thực hiện chức năng này. Nhưng thực tế cho thấy không được như vậy.

Tiếp theo, kỳ vọng dường như được chuyển sang cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Song, như báo cáo kiểm toán mới được công bố, SCIC cũng không có khả năng thực hiện được chức năng này. Kỳ vọng vào SCIC là do ngộ nhận, coi quản lý vốn với tư cách một quỹ đầu tư đồng nghĩa với quản lý kinh doanh với tư cách chủ sở hữu doanh nghiệp. Vậy là trong hệ thống tổ chức bộ máy quản lý kinh tế của Nhà nước, mảng quản lý kinh doanh doanh nghiệp nhà nước đã bị bỏ trống. Điều này còn do ngộ nhận coi hội đồng quản trị các tổng công ty quốc doanh, kể cả SCIC, là đại diện và nắm luôn quyền chủ sở hữu.

Cần nhắc lại rằng hội đồng quản trị tại các doanh nghiệp dân doanh hay quốc doanh chỉ là cơ quan chấp hành các quyết định của chủ sở hữu. Trên hội đồng quản trị dân doanh luôn có đại hội đồng cổ đông là cơ quan nắm quyền của chủ sở hữu. Ở các doanh nghiệp nhà nước không có đại hội đồng cổ đông. Vậy ai nắm quyền chủ sở hữu và là cấp trên của hội đồng quản trị tại các doanh nghiệp nhà nước?

Theo chữ nghĩa ghi trên văn bản thì đó là Thủ tướng hoặc chủ tịch UBND các tỉnh (thành phố). Nhưng để Thủ tướng và các chủ tịch UBND tỉnh thực sự quản lý kinh doanh các doanh nghiệp nhà nước, thì phải có bộ máy chuyên trách giúp việc. Bộ máy này hiện chưa có bởi thế hội đồng quản trị vô hình trung trở thành cơ quan quyền lực cao nhất, chủ sở hữu mặc nhiên bị lạm quyền!

Đến ngày 30-6-2010, Luật Doanh nghiệp nhà nước hết hiệu lực. Tất cả các doanh nghiệp nhà nước khi đó phải chuyển sang thi hành Luật Doanh nghiệp. Cơ quan nào sẽ đứng ra đăng ký kinh doanh với tư cách chủ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước? Trong vòng sáu tháng nữa, vấn đề này cần được làm rõ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới