Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vai trò giám đốc đào tạo trong thời đại số

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vai trò giám đốc đào tạo trong thời đại số

Huỳnh Kim Tôn (*)

(TBKTSG) – Hiện nay, giám đốc đào tạo (GĐĐT) trong một doanh nghiệp đang dần nắm giữ vai trò quan trọng hơn trong việc định hình lại năng lực và văn hóa của tổ chức. Người giữ vai trò mới này thường được gọi với cái tên GĐĐT chuyển đổi (Transformers). Các GĐĐT chuyển đổi là những nhà quản lý cấp cao, có nhiệm vụ giúp công ty và nhân viên phát triển mạnh, trong bối cảnh công nghệ, môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng.

Trong một nghiên cứu gần đây của George Westerman (Viện Công nghệ Massachusetts – MIT) và các đồng nghiệp, thông qua các cuộc phỏng vấn sâu với 21 GĐĐT cao cấp tại 19 công ty lớn, đã cho thấy rằng các GĐĐT chuyển đổi đang thúc đẩy ba loại thay đổi chính trong doanh nghiệp của họ.

Thứ nhất, họ đã thay đổi các mục tiêu học tập của tổ chức, chuyển trọng tâm từ phát triển kỹ năng sang phát triển tư duy, giúp người lao động thực hiện tốt ở hiện tại và thích ứng nhanh trong tương lai. Thứ hai, thay đổi các phương pháp học tập thực tiễn hơn, nội dung được phân hóa thành khối kiến thức chuyên sâu. Thứ ba, thay đổi phòng đào tạo của tổ chức theo hướng tinh gọn, có tính chiến lược.

Định hình lại sự phát triển lãnh đạo

Để xây dựng một tổ chức học tập thật sự phải bắt đầu từ vị trí cấp cao nhất với việc chuẩn bị cho các giám đốc điều hành ở cấp thấp hơn những cách tiếp cận mới. Có thể lấy ví dụ trường hợp Standard Chartered. Ba năm trước, dưới sự điều hành của CEO mới, Standard Chartered yêu cầu các nhà lãnh đạo cấp cao xây dựng những thế mạnh mới cho tổ chức.

Theo đó, các nhà lãnh đạo tăng cường kinh nghiệm và phát triển trực giác của họ thông qua việc đặt nghi vấn, thử nghiệm và phân tích dựa trên dữ liệu khi đưa ra quyết định về các lĩnh vực họ đang quản lý. Những chỉ dẫn của công ty đơn giản như: đưa ra giả thuyết; đi ra thị trường; thử nghiệm. Nếu giả thiết không đúng thì tại sao không đúng? Bạn đã học được gì? Bổ sung thêm kinh nghiệm đó; ghi nhận những điều đã học được và chia sẻ chúng với những người khác. Cách tiếp cận mới này đòi hỏi những thay đổi không chỉ ở kỹ năng và quy trình thực hiện mà còn là sự thay đổi trong tư duy của các nhà lãnh đạo.

Nhấn mạnh vai trò của tư duy kỹ thuật số

Các GĐĐT chuyển đổi tại các tổ chức hiện nay đã tìm cách phát triển nhận thức và năng lực kỹ thuật số cho nhân viên của họ. Chẳng hạn, Ngân hàng DBS có trụ sở tại Singapore đã thiết kế một chương trình học tập nhằm xây dựng bảy kỹ năng quan trọng trong kinh doanh số. DBS không yêu cầu nhân viên phải rành về các kỹ năng này nhưng họ cần phải biết đủ để hiểu quá trình chuyển đổi kỹ thuật số mà tổ chức đang tiến hành và từ đó cùng đóng góp ý tưởng hay giúp cho tổ chức thực hiện thành công.

Chẳng hạn, một trong bảy kỹ năng trên là giúp mọi nhân viên dần làm quen với việc ra quyết định dựa trên dữ liệu. Các nhân viên bán hàng và chăm sóc khách hàng cần chú trọng những thông tin về sở thích và hành vi của khách hàng trong việc ra quyết định; còn những nhà điều hành cấp cao phải học cách tin tưởng và xem trọng dữ liệu trong việc ra quyết định cho dù là dữ liệu này trái ngược với những kinh nghiệm hoặc cảm xúc của họ.

Nuôi dưỡng sự tò mò và một tư duy liên tục phát triển

Các GĐĐT chuyển đổi có thể tăng cường nguồn năng lượng và khả năng của nhóm bằng cách thúc đẩy mô hình học tập, trong đó các nhân viên tự đặt ra các chương trình học tập để đạt được những kiến thức và kỹ năng. Để làm được điều đó, tổ chức cần thiết lập một môi trường khiến nhân viên tò mò và khơi dậy trong họ khát khao học hỏi và phát triển. Ví dụ như ở Google, các nhân viên có thể tăng cường trí tuệ hiệu quả hơn thông qua một loạt các bối cảnh mà công ty tạo ra, nơi mọi người có thể vừa chơi và học cùng lúc.

Đối với DBS, họ đưa ra một số chương trình để tìm hiểu điều gì sẽ truyền cảm hứng cho sự tò mò trong nhân viên. Một chương trình đáng chú ý là học bổng Gandalf, nhân viên có thể nộp đơn xin nhận khoản tài trợ 1.000 đô la để học về bất kỳ chủ đề nào liên quan đến công việc, miễn là họ đồng ý dạy những gì họ học được cho ít nhất 10 người khác. Tính đến đầu năm 2019, tại DBS, có 120 người nhận trợ cấp và tiếp tục đào tạo cho hơn 13.500 người; trong đó có khoảng 4.000 người học trực tiếp, phần còn lại học thông qua các kênh kỹ thuật số.

Khi bạn thu hút nhân viên tham gia vào giảng dạy, như DBS đang làm, bạn sẽ giúp tổ chức của bạn mở rộng và đào sâu việc học tập. Nhân viên sẽ học được nhiều nhất khi họ phải dạy cho ai đó những gì họ học. Cách tiếp cận này sẽ biến sự tò mò và năng lượng tự nhiên của bất kỳ nhân viên nào thành cơ hội học tập cho nhiều người khác.

Thay đổi phương pháp học tập

Cho đến nay, đối với những công ty có quy mô lớn, việc cung cấp các khóa học trực tiếp cho tất cả nhân viên là quá tốn kém và khó khả thi vì thiếu hụt lực lượng giáo viên đào tạo. Bên cạnh đó, việc nhân viên phải có mặt tại các buổi đào tạo sẽ mất nhiều thời gian cho việc di chuyển và mất thời gian tại nơi làm việc. Vì vậy, phương pháp tiếp cận này hạn chế số lượng người tham gia, làm cho việc học trở thành một cơ hội độc quyền cho một số nhóm ít nhân viên.

Để giải quyết vấn đề trên, tổ chức nên áp dụng một phương pháp tiếp cận mới là dạy ngang hàng (Peer teaching) – những đồng nghiệp có kinh nghiệm và chuyên môn giỏi có thể tham gia giảng dạy và xây dựng nội dung đào tạo cho những đồng nghiệp khác ít kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn hơn. Phương pháp này giúp mở rộng số lượng giáo viên và chuyên gia để phát triển các nội dung đào tạo. Cùng với sự hỗ trợ từ công nghệ, các nội dung được số hóa sẽ giúp mở ra nhiều cơ hội học tập cho nhiều nhân viên hơn mà công ty không phải lo lắng về xung đột lịch trình hoặc chi phí đi lại. Nhân viên có thể truy cập học tập bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu họ cần.

Các GĐĐT chuyển đổi đang tận dụng những phát triển này, đang dần rời khỏi lớp đào tạo truyền thống trong đó mọi người tiếp cận với cùng một nội dung trong cùng một khoảng thời gian dù cho nhu cầu và mức độ hiểu biết cụ thể của họ là khác nhau. Thay vào đó, các GĐĐT chuyển đổi đang cá nhân hóa, số hóa và phân nhỏ việc học. Họ chuyển sự tập trung từ các khóa học với các chuyên đề cụ thể sang thúc đẩy việc học tập kinh nghiệm trong toàn tổ chức. Để phù hợp với các sở thích khác nhau của nhân viên trong việc tiếp thu thông tin, nhiều công ty tổ chức đào tạo thông qua nhiều loại hình khác nhau như văn bản, âm thanh, video….

Một số GĐĐT chuyển đổi còn giới thiệu những chương trình đổi mới hơn, chẳng hạn các chương trình thiết lập thời gian học tập gắn trên lịch trình làm việc của mọi nhân viên, các ứng dụng trên điện thoại di động cho phép đặt ra câu hỏi cho các nhà quản lý trong ngày làm việc. Ngoài ra, họ còn cung cấp các trò chơi và các mô hình mô phỏng, đồng thời khuyến khích các chuyên gia trong công ty sản xuất ra các video hướng dẫn kiểu YouTube để chia sẻ cho mọi người trong nội bộ tổ chức…

Khi môi trường kinh doanh biến động không ngừng, công nghệ mới liên tục xuất hiện, nó đặt ra những thách thức mới cho các doanh nghiệp, đòi hỏi cần có nguồn nhân lực với những kỹ năng mới, cách làm mới để giải quyết các thách thức này. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần nhận thức lại về vai trò của các GĐĐT trong bối cảnh mới và định hình lại mục tiêu đào tạo, phương pháp đào tạo, cách thức quản lý đào tạo, để luôn có đủ nguồn nhân lực tốt phục vụ cho chiến lược phát triển dài hạn.

(*) Chuyên gia đào tạo về quản trị chiến lược và đổi mới sáng tạo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới