(KTSG Online) - Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã đề xuất với Ngân hàng Nhà nước về việc tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỉ đồng và cho phép VAMC được phát hành trái phiếu có lãi suất để mua nợ theo giá thị trường.
- Tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng
- Xử lý nợ xấu được luật hóa như thế nào?
TTXVN dẫn thông tin từ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, từ năm 2017 đến nay, giá trị nợ xấu đã mua theo giá thị trường khoảng 13.000 tỉ đồng và VAMC đã xử lý khoảng trên 11.000 tỉ đồng.
Thông qua hoạt động mua bán theo giá thị trường, VAMC vừa phát triển thị trường mua bán nợ; đồng thời cũng góp phần khơi thông dòng tín dụng cho nền kinh tế. Từ đó, góp phần hồi sinh nhiều dự án cũng như tạo điều kiện cho các hoạt động xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên để phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam, VAMC đã xuất với các cơ quan chức năng nhiều các giải pháp hiệu quả. Nếu thị trường bán nợ phát triển sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng việc mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường vẫn còn tồn tại hạn chế nhất định, đặc biệt về nguồn lực. Hiện vốn điều lệ của VAMC chỉ có 5.000 tỉ đồng, so với quy mô tổng nợ xấu thị trường còn rất khiêm tốn.
Mới đây, VAMC đã đề xuất với Ngân hàng Nhà nước cho phép VAMC tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỉ đồng theo lộ trình tại Quyết định 1058 về Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.
Ngoài ra, cho phép VAMC được phát hành trái phiếu có lãi suất để mua nợ theo giá thị trường. Theo Thông tư 32/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC, VAMC được phép phát hành trái phiếu và trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu. Tuy nhiên, lãi suất trái phiếu và trái phiếu đặc biệt là 0%.