Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

VAMC: Ngân hàng tự xử lý được nợ là tốt nhất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

VAMC: Ngân hàng tự xử lý được nợ là tốt nhất

Hồng Phúc thực hiện

Phó chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên VAMC, ông Nguyễn Quốc Hùng.

(TBKTSG Online) – Tuy Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã đặt bút ký hợp đồng mua nợ đầu tiên song Phó chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên VAMC, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng đó mới là tiếng chuông đầu.

“Hãy hình dung VAMC chỉ là một bệnh viện xử lý nợ xấu. Cái cần làm là để khoản nợ tốt lên và xuất viện”, ông Hùng chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online trong câu chuyện về VAMC qua điện thoại.

>>> VAMC mua khoản nợ đầu tiên

TBKTSG Online: VAMC đặt bút ký hợp đồng mua nợ đầu tiên vào ngày đầu tháng 10, ông có lạc quan về tiến độ mua nợ của công ty?

– Ông Nguyễn Quốc Hùng: sau hợp đồng khung với Agribank, 27 hợp đồng con giữa VAMC và ngân hàng về các khoản nợ cụ thể cũng sẽ được ký kết riêng biệt. Và đây mới chỉ là tiếng chuông đầu tiên, còn rất nhiều khoản nợ với nhiều ngân hàng khác đang được xem xét.

Dự kiến một số các khoản nợ khác với một vài ngân hàng cổ phần sẽ được ký kết ngay trong tuần này. Ví dụ như hợp đồng khung cho các khoản nợ trị giá sổ sách khoảng mấy trăm tỉ của ngân hàng SCB. SHB gửi hồ sơ đề nghị mua thì nhiều nhưng VAMC đang phải sàng lọc lại. VAMC cũng chuẩn bị ký hợp đồng mua khoản nợ có giá khoảng 170 tỉ tương ứng với giá trị sổ sách khoảng 200 tỉ đồng nợ xấu cần xử lý của PGBank.

Qua tiếp xúc các khoản nợ đầu tiên, ông thấy các khoản nợ xấu thế nào?

– Chất lượng khoản nợ đúng là một vấn đề lớn. Vì thế bước sàng lọc nợ mới là bước quyết định. Bước đầu chúng tôi cũng đã sàng lọc rất nhiều để ra các khoản nợ ký được. Ví dụ với khoản đầu tiên ít nhất đã “sàng” hơn 3.000 tỉ đồng để có thể ‘ra’ 1.700 tỉ đồng. Ban đầu, ngân hàng sẽ chuyển sang cho VAMC một số khoản nợ. Công ty rà soát, chọn những khoản đáp ứng các yêu cầu như có tài sản đảm bảo có giá trị tương đối, khoản nợ được trích dự phòng rủi ro theo quy định, hồ sơ sạch đẹp… Tất nhiên, trong từng hồ sơ cụ thể nó có nhưng khoản nợ chưa đủ điều kiện, phải loại bỏ ra để xem xét sau…

Chất lượng tài sản bảo đảm cũng khá phức tạp. Một điều thuận lợi là Thông tư 19 quy định rõ tổ chức tín dụng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hồ sơ cũng như khoản nợ. VAMC mua nợ xong sẽ ủy quyền thu hồi nợ, quản lý khoản nợ cho tổ chức tín dụng (do vậy sẽ không bị gián đoạn trong việc quản lý, xử lý nợ).

Song qua tiếp xúc với một số khoản nợ tôi cũng thấy có một số khoản và tài sản thực sự rất có tiềm năng và rất tiếc nếu bán vội. Có rất nhiều khoản nợ sau này thị trường hồi phục sẽ trở thành tài sản có giá trị lớn, thu hồi lại rất tốt. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp và tổ chức tín dụng có cơ hội thu hồi tài sản xấu.

Ví dụ, như tôi thấy có những doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng chính thì rất tốt nhưng chỉ vì dính một phần vào bất động sản như một kiểu mặt hàng phụ mà gặp khó khăn. Sức khỏe tài chính vì thế yếu đi, các ngân hàng ngại cho vay tiếp. Khi VAMC mua lại khoản nợ đó doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả được ngân hàng tiếp tục cho vay, có cơ hội hồi phục. Đó là điều quan trọng nhất.

Xin ông cho biết việc hợp tác của các tổ chức tín dụng với VAMC?

– Ban đầu chúng tôi lo phải đi mời gọi, chủ động tiếp cận các tổ chức tín dụng nhưng giờ thì họ đã tìm đến. Họ đã đọc kỹ các quy định và có thắc mắc gọi đến hỏi ngay. Chúng tôi không có người làm xuể nên các tổ chức liên hệ và tự mang hồ sơ tới tận nơi. Thái độ các ngân hàng đã thay đổi tích cực hơn rất nhiều, cởi mở hơn và hợp tác. Tôi nghĩ đây là khởi đầu tốt với VAMC dù biết còn nhiều khó khăn.

Đến giờ phút này chúng tôi thấy khá yên tâm về tiến độ tiếp nhận, rà soát và phân loại các khoản nợ. Hiện VAMC đã nhận được vài trăm hồ sơ đề nghị mua nợ từ tổ chức tín dụng với tổng số khoảng 500 đến 700 khoản nợ. Khả năng và tiến độ xử lý nợ tuy rất vất vả nhưng đang thuận lợi. Tôi tương đối yên tâm về mục tiêu mua tối thiểu 30.000 ngàn tỉ đồng nợ xấu trên sổ sách trong năm nay.

Mừng hơn, đến giờ này còn có 4 tổ chức tín dụng đặt vấn đề bán nợ xấu cho VAMC dù nợ xấu của họ dưới 3%. Trong đó có một tổ chức gốc quốc doanh và 3 ngân hàng cổ phần. Chúng tôi đang tiếp nhận nhiều hồ sơ đến nỗi cả tuần vừa rồi chúng tôi làm việc cả ngoài giờ, cả ngày nghỉ. Có hôm ăn tối ở cơ quan. Sau khi các khoản đầu tiên trôi tôi mong các ngân hàng tìm đến nhiều hơn nữa.

Thưa ông, nợ về nhiều nhưng vấn đề thị trường quan tâm và thể hiện hiệu quả của cỗ máy VAMC chính là khả năng thu hồi của các tài sản này? Ông có lạc quan về tính thanh khoản của nợ VAMC ôm về?

– Chúng tôi vẫn phối hợp với Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước theo dõi và cảnh báo các tổ chức về việc xử lý nợ xấu. Việc ký hợp đồng mua nợ chỉ là bước đầu. Thời gian tới việc quan trọng hơn là chúng tôi phân loại nợ, sàng lọc và đưa ra biện pháp xử lý. Các khoản nợ đã mua về sẽ được tái cơ cấu thế nào, danh mục phục hồi tài sản ra sao. Đó mới là việc quan trọng và khó nhất.

Các tổ chức quốc tế thời gian qua tới VAMC tương đối nhiều. Họ rất quan tâm đến nợ xấu. Tuy vậy tôi cho rằng VAMC không nên bán rẻ hết các khoản nợ mà nên giữ lại để tìm cách phục hồi nó. Điều đó mới giúp cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Nếu bán rẻ các khoản nợ thiếu cân nhắc có thể gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp và ngân hàng. Đây là điều khó và cần cân nhắc rất kỹ.

Tôi cho rằng việc ngân hàng hiện có nợ xấu trên hay dưới 3% không quan trọng mà điều chúng tôi mong là các ngân hàng không cần bán nợ cho VAMC cũng có thể tự xử lý nợ của mình, đó là cách tốt nhất. Còn nếu không cơ cấu được mới phải chuyển cho chúng tôi.

Hãy hình dung VAMC chỉ là một bệnh viện xử lý nợ xấu. Nếu anh có bệnh mà không tới thì để lâu sẽ thành bệnh nặng, nguy hiểm tính mạng. Nhưng nếu bệnh viện không có bác sĩ có đủ tài, đức thì người ta sẽ tới thầy lang. Nếu khoản nợ xấu đó vẫn nằm tại VAMC là vẫn chưa hồi phục. Cái cần làm là để khoản nợ tốt lên và xuất viện.

Để các khoản nợ tốt lên, cần được cơ cấu lại, nghiên cứu, tư vấn cho doanh nghiệp, ngân hàng để giúp các khoản nợ hồi sinh chứ không phải ký hợp đồng mua xong đã là thành công hay bán thốc bán tháo và phát mại nợ. Khó khăn vẫn còn nhiều. Điều tôi lo nhất là kinh nghiệm xử lý công việc và sự đáp ứng yêu cầu xử lý nợ của anh em còn mới nên vẫn phải vừa học vừa làm. Chúng tôi cũng vừa tuyển thêm 12 người, trong đó 10 người cho hai ban xử lý nợ chủ chốt.

Về vấn đề tính phí với các khoản nợ giữa VAMC và các tổ chức tín dụng sẽ thế nào, thưa ông?

– Phí với các khoản nợ đang được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính trình Thủ tướng phê duyệt. Song đối với chúng tôi hoạt động của công ty mang tính phi lợi nhuận nên mức phí sẽ phù hợp và các tổ chức tín dụng sẽ đồng ý.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới