Vẫn cần phải thận trọng
Hồ Hùng
(TBKTSG) - Phát biểu tại buổi họp mặt các doanh nghiệp ĐBSCL do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức hồi tuần rồi, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng năm 2010 vẫn còn nhiều thách thức đối với nền kinh tế.
Chưa hy vọng nhiều từ ngoại lực!
Chỉ tiêu xuất khẩu tăng 6% vào năm 2010, nhìn tổng thể, là có cơ sở bởi nhu cầu nhập khẩu từ các nước sẽ khá hơn, khi kinh tế bắt đầu phục hồi. Tuy nhiên, theo ông Doanh, mọi chuyện sẽ khó như mong muốn vì chắc chắn các nước nhập khẩu sẽ tạo ra những rào cản để bảo hộ hàng sản xuất nội địa.
“Bằng chứng là Liên hiệp châu Âu (EU) đã tiếp tục gia hạn thuế chống phá giá đối với giày da của Việt Nam dù trước đó, chính đại diện một số nước nhập khẩu cũng phản đối quyết định này. Vì sao? Ý, Tây Ban Nha... cũng sản xuất giày”, ông nói và cho biết thêm việc tăng bảo hộ mậu dịch dù bất công nhưng là vấn đề sống còn của nhiều nước.
Mới đây nhất, việc EU áp dụng luật IUU từ ngày 1-1-2010, buộc các lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam phải có giấy chứng nhận về nguồn gốc và tính hợp pháp của sản phẩm, xét về góc độ nào đó, cũng chính là một rào cản.
Cơ sở của nhận định này là, như tại Mỹ hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 10%, thiếu việc làm là 10%. Kinh tế nước Anh vẫn tăng trưởng âm, còn kinh tế Đức sau khi tăng trưởng mạnh trong quí 2-2009 đã sụt giảm trở lại...
Dĩ nhiên, việc kích thích tiêu dùng nội địa, bảo vệ nền sản xuất trong nước để giảm tỷ lệ thất nghiệp là ưu tiên hàng đầu mà nhiều nước sẽ thực hiện.
Cũng theo ông Doanh, các nhà xuất khẩu của Việt Nam sẽ vất vả hơn và không loại trừ khả năng sẽ phải đối phó với một số vụ kiện phá giá mới. Do đó chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu cho năm 2010 không dễ thực hiện. Nhất là trong bối cảnh hiện nay Trung Quốc đang “gắn” tỷ giá đồng nhân dân tệ với đô la Mỹ!
Trong khi đó, đô la Mỹ mất giá, nhưng giá dầu thô và giá vàng còn tiếp tục biến động. Điều bắt buộc phải xảy ra là đồng nhân dân tệ cũng mất giá, khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc “ngẫu nhiên” được lợi thế cạnh tranh về giá, ảnh hưởng xấu đến nền sản xuất của nhiều nước trên thế giới. “Đây là dấu hỏi lớn cho chúng ta”, ông Doanh nói.
Còn về thu hút đầu tư nước ngoài, liệu có tăng sau khi đã tụt giảm trong năm 2009? Có khả năng tăng, nhưng ông Doanh cho rằng, trước tiên cần xem lại tiến trình cải cách. “Năm 2006, về chỉ số năng lực cạnh tranh, Trung Quốc đứng vị trí thứ 54, còn Việt Nam là 77. Nhưng đến giai đoạn 2008-2009, vị trí lần lượt lại là 30 và 70, còn hiện tại là 29 và 75”, ông Doanh dẫn chứng.
Vẫn phải thận trọng với mục tiêu tăng trưởng
Nhận định về chỉ tiêu lạm phát dưới 7% trong năm 2010, ông Doanh cho rằng, trước tiên phải lưu ý đến quy luật tăng tín dụng và tăng giá thường có độ trễ từ 3-5 tháng. Từ tháng 2-2009, doanh số cho vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất liên tục tăng vọt và chỉ siết lại kể từ tháng 8-2009. “Chúng ta đã “bơm” tín dụng rất nhiều, và điều lo lắng là vào tháng 1 và tháng 2-2010, giá cả sẽ tăng lên, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh tỷ giá”, ông lo lắng.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), giá dầu thô trong năm 2010 có thể tăng, đạt mức bình quân 73,3 đô la Mỹ/thùng. Nhiều mặt hàng công nghiệp, các mặt hàng phi dầu cũng sẽ tăng giá... Do đó theo ông Doanh, vẫn phải rất thận trọng với mục tiêu tăng trưởng bởi nhiệm vụ hàng đầu vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát. Ông đề xuất: “Chỉ đầu tư những gì thực sự cần thiết cho nền kinh tế”.
WB cũng đã thay đổi chính sách, từ năm 2009 các khoản cho vay đã có lãi suất gần tương đương lãi suất thương mại, thời gian ân hạn giảm, thời hạn trả cũng ngắn hơn trước đây. “Do đó, phải chú ý đến việc giải ngân và phải cân nhắc xem có nên nhận vốn hay không”, ông Doanh lưu ý thêm.
Để giúp ổn định sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, ông Doanh cho rằng, phải đưa ra chính sách tỷ giá, lãi suất sao cho doanh nghiệp có thể dự báo được ít nhất trong sáu tháng. Ông kể, mới đây một doanh nghiệp cho biết đã thua lỗ khá nặng, chỉ vì tỷ giá thay đổi ngay sau khi doanh nghiệp nhập phôi thép về!
Điều đáng lo nữa chính là các chỉ tiêu như nhập siêu trong năm 2010 là 13,6 tỉ đô la Mỹ, tương đương 22,7% xuất khẩu, đồng thời cán cân tài khoản vãng lai thâm hụt 9,4 tỉ đô la Mỹ. “Điều này sẽ tạo sức ép rất lớn lên sự ổn định của đồng tiền Việt Nam”, ông Doanh nói.
Năm 2009, cán cân thanh toán quốc tế chung đã âm khoảng 6,6 tỉ đô la Mỹ, trong đó cán cân tài khoản vãng lai âm khoảng 7,4 tỉ đô la Mỹ. “Đây là những con số không thể xem thường! Nó sẽ tác động đến tỷ giá trong năm 2010. Về dài hạn, phải thay đổi cơ cấu kinh tế, giữ nhập khẩu ở mức ổn định và không cho tăng. Bởi nếu cán cân thanh toán âm mạnh thì rất khó kiểm soát”, ông Doanh nói.