Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vẫn còn đó những mối lo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vẫn còn đó những mối lo

Tư Hoàng

Vẫn còn đó những mối lo
Năng suất lao động vẫn là một trong những hạn chế của Việt Nam. Trong ảnh: Học viên tham gia chương trình đào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp của một doanh nghiệp nước ngoài triển khai tại Việt Nam. Ảnh: MINH KHUÊ

(TBKTSG) – Không còn những phản ứng gay gắt từ đại diện cộng đồng doanh nghiệp về những bất ổn kinh tế vĩ mô tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2014 (VBF 2014), phiên đối thoại hàng năm với Chính phủ diễn ra vào đầu tuần này. Thậm chí, không ít doanh nghiệp còn ca ngợi những thành quả đạt được. Nhưng không ít mối lo vẫn còn đó.

Các công ty và nhà đầu tư đều hài lòng

Với sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã dự tới ba phiên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong năm nay, Chủ tịch AmCham Gaurav Gupta hết lời ca ngợi: “Năm 2014 sắp kết thúc, các công ty và nhà đầu tư đều có rất nhiều điều để hài lòng. Trong những năm qua, thành công của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài đa phần dựa trên sự mong đợi về ổn định kinh tế và chính trị”.

Nhắc lại Nghị quyết 11 về ổn định kinh tế vĩ mô vào tháng 2-2011, ông nói: “AmCham và nhiều cơ quan khác ủng hộ mạnh mẽ chủ trương này của Chính phủ. Đến nay, chúng tôi vẫn giữ vững quan điểm đó”. “Chúng tôi vui mừng nhận thấy tỷ lệ lạm phát được khống chế không chỉ giúp giảm áp lực lên các hộ gia đình tại Việt Nam, mà còn kiềm chế “lạm phát” mức lương – yếu tố đã từng liên tiếp cản trở các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp”.

Đáp lời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết: “Việt Nam sẽ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, vững chắc hơn”. Thủ tướng nói, tỷ giá, lãi suất sẽ được kiểm soát ổn định. Lạm phát sẽ ở mức 5% trong năm tới để tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, bội chi ngân sách nhà nước sẽ giảm từ mức 5,3% GDP năm 2014 xuống 5%, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 6,2% trong năm 2015. Thủ tướng cam kết: “Nợ công sẽ bảo đảm không vượt trần cho phép, trả nợ đúng hạn, đầy đủ theo kế hoạch”.

Lo lắng về lao động

Vấn đề lao động một lần nữa lại được các nhà đầu tư nước ngoài đặt ra gay gắt nhất trong số các kiến nghị. Ông Colin Blackwell, Trưởng tiểu nhóm công tác nguồn nhân lực, tiết lộ một khảo sát hơn 400 nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, mối quan tâm lớn nhất của giới đầu tư là về mức tăng lương tối thiểu, pháp luật lao động chưa rõ ràng, giấy phép lao động dành cho người nước ngoài và giới hạn giờ làm thêm.

Ông cho biết, các nhà đầu tư lo ngại rằng nếu mức lương tối thiểu tăng cao hơn lạm phát thì các chi phí lao động khác sẽ tăng. Có tới 47% cho rằng lợi nhuận của họ có thể bị ảnh hưởng; 27% cho rằng đã có tác động lớn đến việc kinh doanh của họ và 8% đã cân nhắc đến việc chuyển hoạt động đầu tư sang một quốc gia khác. Chỉ 18% cho rằng vấn đề này không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ tại Việt Nam.

Ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Ủy ban Diễn đàn kinh doanh thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), hoàn toàn chia sẻ lo lắng này. Ông cho biết, việc hạn chế về làm thêm giờ trong Bộ luật Lao động đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

“So với các nước trong khu vực châu Á, việc hạn chế làm thêm giờ trong Bộ luật Lao động hiện hành của Việt Nam là tương đối khắt khe đồng thời là gánh nặng cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Shimon Tokuyama nói. Ông đề nghị bổ sung quy định cho phép tăng thời gian làm thêm giờ thông qua việc ký “Thỏa ước lao động” giữa người sử dụng lao động và người lao động. Nếu như vậy thì có thể nhanh chóng giải quyết được vấn đề mà không cần sửa Bộ luật Lao động. Đây là vấn đề JBAV đã kiến nghị tới Thủ tướng hồi tháng 4 năm nay.

Năng suất lao động thấp

Ông Gaurav Gupta, Chủ tịch AmCham, nhận xét hiện tại có khoảng hai phần ba khối lượng xuất khẩu và một nửa sản lượng công nghiệp của Việt Nam là từ các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài hoặc sản xuất cho các thương hiệu nước ngoài. Chi phí trung bình cho lao động trong các nhà máy ở đây chỉ bằng khoảng một phần tư chi phí ở Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi thế của chi phí lao động thấp bị giảm đi bởi sản lượng bình quân đầu người còn thấp.

Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng năng suất lao động bình quân ở khu vực sản xuất của Việt Nam chỉ bằng xấp xỉ 7% năng suất bình quân ở Trung Quốc. Cụ thể, sản lượng sản xuất hàng năm bình quân đầu người của Việt Nam, ông trích dẫn từ nguồn McKinsey Global Institute, là 3.800 đô la Mỹ/năm, thấp hơn nhiều so với 14.200 đô la của Indonesia, 16.500 đô la của Philippines, 21.200 đô la của Thái Lan, 33.200 đô la của Malaysia và 57.100 đô la Mỹ của Trung Quốc.

Ông nói: “Thách thức về năng suất lao động này, cùng với sự phát triển chậm chạp của lực lượng lao động lành nghề, có thể đe dọa đến sự tăng trưởng liên tục của Việt Nam”.

Thủ tục hành chính vẫn vô cùng  rối rắm

Bà Virginia Foote, đồng Chủ tịch VBF, nói: “Việt Nam mất thời gian gấp 3-4 lần nhiều hơn các quốc gia khác trong Asean để doanh nghiệp có được giấy phép kinh doanh”.

Ông Trần Anh Đức, đại diện Nhóm công tác đầu tư và thương mại, lo lắng đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và thương mại.  “Trở ngại đầu tiên làm nản lòng nhà đầu tư nước ngoài là yêu cầu phải có giấy chứng nhận đầu tư khi doanh nghiệp Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi đề nghị chỉ yêu cầu giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện hoặc trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua từ 51% cổ phần”, ông nói. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài còn e ngại với thời hạn của giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại, chỉ từ 5-10 năm. Trong trường hợp này nhà đầu tư phải đối mặt với rủi ro phải thanh lý khoản đầu tư nếu như giấy chứng nhận đầu tư không được gia hạn.

Bên cạnh đó, ông Đức nói, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư khi có nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn vẫn còn quá phức tạp, mất nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ và giải trình bổ sung những thông tin không cần thiết. Ví dụ như yêu cầu nhà đầu tư phải giải trình về nguồn vốn, phương án kinh doanh, kinh nghiệm kinh doanh, thời điểm thanh toán tiền mua cổ phần, hợp đồng thuê đất. Chúng tôi đề nghị các cơ quan cấp giấy phép rà soát lại quy trình cấp phép, giới hạn các giấy tờ phải nộp, hạn chế yêu cầu giải trình bổ sung không cần thiết và không can thiệp vào các thỏa thuận tư giữa các cổ đông.

Ông Đức nói thêm, thời gian cấp phép còn bị kéo dài vì những quy trình xin ý kiến lòng vòng giữa sở kế hoạch và đầu tư và văn phòng ủy ban nhân dân hoặc giữa sở kế hoạch và đầu tư với các bộ ngành. Có những trường hợp sở kế hoạch và đầu tư không xử lý hồ sơ tới 2-3 tháng vì chưa nhận được ý kiến phản hồi từ các bộ liên quan. “Chúng tôi đề nghị giới hạn các vấn đề phải xin ý kiến từ các bộ ngành”, ông kiến nghị.

Khó lấy giấy chứng nhận đầu tư bất động sản

Ông David Lim, Trưởng nhóm công tác đất đai, cho biết thêm theo quy định của Luật Đầu tư, nhà đầu tư muốn thực hiện dự án bất động sản phải có giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề kinh doanh là phát triển/đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, trước khi được cấp giấy chứng nhận, nhà đầu tư còn phải có các văn bản như quyết định chỉ định nhà đầu tư; thiết kế cơ sở; phê duyệt quy hoạch tổng thể tỷ lệ 1/500; chấp thuận đầu tư.

Điều bất hợp lý là trong khi nhà đầu tư chưa biết mình có được phép thực hiện dự án bất động sản hay không thì đã phải có các giấy tờ nêu trên và thời gian để có được những tài liệu này, không kể thời gian chuẩn bị, có thể lên đến 160 ngày. Ông than phiền: “Những yêu cầu này gây khó khăn và sự chậm trễ cho nhà đầu tư muốn thực hiện dự án phát triển bất động sản. Đó là chưa kể trường hợp sau khi bỏ công sức, thời gian để có các tài liệu trên, nhà đầu tư lại không được thực hiện dự án”.

Lo ngại thanh tra

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Kim Jung In, phàn nàn từ quí 4-2013, Ban Thanh tra chống chuyển giá của Tổng cục Thuế và từng cục thuế đã bắt đầu triển khai công tác thanh tra, kiểm tra quy mô lớn, chủ yếu đối với các doanh nghiệp ngành dệt, giày dép và may mặc tại các tỉnh và thành phố lớn. Nhiều doanh nghiệp dệt may hàng đầu Hàn Quốc là đối tượng tiềm năng trong đợt rà soát này. Kết quả, một số doanh nghiệp bị ấn định thuế truy thu và xử phạt mà không có cơ hội giải trình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới