(KTSG) - Khi Chính phủ Anh công bố kế hoạch đường về bình thường sau phong tỏa (Roadmap out of lockdown), tôi vừa mừng vừa lo.
Ánh sáng cuối đường hầm, nhưng ai biết bên kia đường hầm là cái gì?
Tôi mừng vì nhiều đêm trước tôi thường đi ngủ trong trạng thái lo sợ, không biết có một buổi sáng nào thức dậy một sinh viên của chương trình thạc sĩ mà tôi phụ trách, hay một sinh viên mà tôi làm người tư vấn trực tiếp vì bị trầm cảm mà làm hại bản thân mình hay không.
Bị nhiễm virus thì còn có chăm sóc y tế, nhưng bị trầm cảm tới mức tự làm hại bản thân thì không biết phải làm sao mà cứu vì có khi chả ai hay. Những câu chuyện về sinh viên tự tử vì trầm cảm trong quá trình phong tỏa trên báo chí càng làm mọi người lo ngại.
Các đại học tăng mạnh đầu tư cho hoạt động tư vấn tâm lý cho sinh viên và chúng tôi tích cực gửi e-mail hỏi thăm sinh viên trong dịp phong tỏa. Nhưng không ai trong chúng tôi dám đảm bảo những gì mình làm là đủ. Cái áp lực bức bí của việc bị giới hạn hoạt động khiến nhiều người lớn đầy kinh nghiệm cuộc sống còn thấy bế tắc, huống gì là các thiếu niên trẻ bị cách ly ra khỏi cộng đồng bạn bè của chúng.
Mặc dù nước Anh vẫn cho phép đi tập thể dục, hoạt động nhà hàng qua việc mua đem về và nhiều dịch vụ khác dựa trên nền tảng shipper, nhận hàng ở siêu thị hoặc bưu điện hoạt động bình thường, nhiều người trẻ phản ánh trên truyền thông là họ thấy “ngộp thở” và như “không được sống”.

Vì vậy, khi giãn cách dần mở ra từ đầu tháng 3, người người vui mừng vì những chuyện đơn giản như được đi cắt tóc, được gặp lại bạn bè dù phải giữ khoảng cách, người nhà được đến thăm người thân ở các viện dưỡng lão.
Và quan trọng hơn với nhiều gia đình là học sinh được đi học trở lại. Trường học mở cửa lại, buộc phải thực hiện xét nghiệm một tuần hai lần, ai dương tính thì ở nhà, còn lại ai âm tính thì tiếp tục như bình thường.
Các đại học tiếp tục hoạt động dạy qua mạng là chủ yếu và sinh viên được tiếp cận các chương trình cho vay mượn máy tính xách tay nếu khó khăn. Tuy nhiên một số kế hoạch mở lại hoạt động mặt đối mặt ở trường đã được đưa ra, tất nhiên là với những quy trình giãn cách xã hội chặt chẽ, cụ thể và khả thi.
Canh bạc lớn của Chính phủ Anh là dỡ bỏ hầu như 100% các biện pháp hạn chế vào ngày 19-7. Ở thời điểm mà số ca trong tuần vẫn hơn 46.000/ngày, đây là một quyết định gây tranh cãi và không được hậu thuẫn bởi ngay cả các dữ liệu được công bố trong báo cáo của nhóm cố vấn chính phủ.
Hơi thở cuộc sống dần trở lại sau nhiều tháng đóng cửa, rồi mở he hé ra cho người dân thở, rồi lại đóng lại. Người ta mừng vì cuối cùng cũng có vẻ là thấy cầu vồng sau mưa. Một số người đã vội đi đặt các chuyến nghỉ vào dịp nghỉ lễ phục sinh và nghỉ hè.
Thế nhưng nỗi lo cũng còn đó. Tỷ lệ tiêm vaccine khi mở cửa lại của Anh là khá thấp so với hiện nay ở Việt Nam. Vào cuối tháng 2-2021, chỉ hơn 20 triệu người đã được tiêm được một mũi vaccine và chỉ hơn 700.000 người đã tiêm hai mũi vaccine.
So với hơn 66 triệu dân Anh, mở cửa lúc này là đặt cược và chính bản thân nhóm cố vấn y tế của Thủ tướng Anh cũng cảnh báo rủi ro trong báo cáo công khai trên trang web chính phủ của họ. Nhưng rồi Thủ tướng Anh, bất chấp nhiều lần “quay xe 180 độ” sau các nỗ lực mở cửa bất thành, vẫn tiếp tục mạo hiểm vì số ca nhập viện giảm nhưng số ca bệnh vẫn duy trì ở mức vài chục ngàn ca/ngày.
Nếu số ca bệnh tăng cao hơn rồi sao? Nhiều người chết hơn thì thế nào?
Mọi người như đang đi ra từ một đường hầm tối mịt, thấy lờ mờ ánh sáng cuối đường hầm nhưng không ai biết bên kia là cái gì giữa một làn sương mờ dày đặc, không ai biết dưới chân mình ở phía bên kia có phải vực thẳm không.
Thế nhưng đa số mọi người tôi biết đều đồng lòng nghĩ là “chúng ta phải đi qua bên kia”. Bởi vì nếu tiếp tục ở trong cái đường hầm tối đen đó, chúng ta sẽ bị trầm cảm, bị đói mà chết.
Canh bạc lớn của ông Boris Johnson
Mở cửa từng bước trở lại từ tháng 3, cuộc sống đã có chút sinh khí, nhưng để trở lại bình thường thì còn rất xa. Nhà hàng, tiệm ăn chưa thể đón khách, lượng bán hàng mang đi chỉ là để cầm cự. Người ta cần được trở lại bình thường thật sự.
Nhưng có vẻ như lần này ông đúng. Cuối tháng 7-2021, tờ Economist đăng bài “Ván cược của Boris Johnson có vẻ như đã mang lại kể quả tốt”.
Canh bạc lớn của Chính phủ Anh là dỡ bỏ hầu như 100% các biện pháp hạn chế vào ngày 19-7. Ở thời điểm mà số ca trong tuần vẫn hơn 46.000/ngày, đây là một quyết định gây tranh cãi và không được hậu thuẫn bởi ngay cả các dữ liệu được công bố trong báo cáo của nhóm cố vấn chính phủ.
Do không có tính chắc chắn, sự khác biệt giữa trường hợp xấu nhất và tốt nhất là gần 10 lần về số ca bệnh và tử vong. Ông Boris Johnson đã đặt cược vào cửa tốt nhất. Nó đơn thuần là một ván cược vì không có nhà khoa học nào có thể khẳng định là ông ta không đặt cược vào “cửa tử”.
Áp lực với hành động này của Thủ tướng Anh rất lớn. 1.200 nhà khoa học quốc tế đã ủng hộ bức thư của tạp chí y khoa danh tiếng Lancet cho rằng bước đi này của Chính phủ Anh là một phép thử nguy hiểm với thế giới và cho phép các biến thể kháng vaccine ra đời. Bức thư của tạp chí Lancet nhấn mạnh “Chúng tôi tin rằng chính phủ đang bắt tay vào một thử nghiệm nguy hiểm và phi đạo đức và chúng tôi kêu gọi chính phủ tạm dừng kế hoạch từ bỏ các biện pháp giảm nhẹ vào ngày 19-7-2021”.
Bất chấp những phản đối trong xã hội cũng như nhà khoa học, thậm chí là đội ngũ tư vấn khoa học của mình, gạt bỏ các đề xuất trung dung hơn của các ngôi sao mới trong đảng của mình, ông Boris Johnson tiếp tục với ván cược của mình. Cần nhớ rằng trong năm 2020, ông đã hơn 10 lần thất bại với những ván cược chống dịch và phải “quay xe hình chữ U” (U-turn). Tờ CNN đã chốt hạ vấn đề khi đăng bài ngay ngày thử nghiệm gỡ bỏ tất cả biện pháp hạn chế “Ngày Độc Lập: Boris Johnson lại đang đặt cược lớn”.
Nhưng có vẻ như lần này ông đúng. Cuối tháng 7-2021, tờ Economist đăng bài “Ván cược của Boris Johnson có vẻ như đã mang lại kể quả tốt”, trích dẫn số liệu cho thấy số ca bệnh đang giảm về khu vực 30.000 ca/ngày thay vì nỗi lo vượt hơn 60.000 ca hay thậm chí 100.000. Quan trọng hơn, số ca tử vong giảm mạnh và hệ thống y tế chưa có dấu hiệu bị quá tải mặc dù có giai đoạn số ca nhập viện tăng mạnh.
Canh bạc này của ông Boris Johnson đã cho người dân thấy: vaccine không làm giảm số ca bệnh nhiều, nhưng giúp giảm số nhập viện, trở nặng và đặc biệt là số tử vong. Vào những ngày này của tháng 9, khi mà số ca bệnh vẫn trên 30.000 ca/ngày, số tử vong chỉ còn dưới 100 ca/ngày và có những ngày chỉ hơn 50 ca tử vong.
So với đỉnh dịch hơn 1.200 ca tử vong một ngày vào mùa đông vừa qua, nó là một điều khiến mọi người yên tâm. Một số liệu khác cũng khiến người ta an tâm là tỷ lệ tử vong bất thường (tính cả tử vong vì Covid-19 và những bệnh khác) có lúc đã giảm về âm.
Quan trọng hơn các số liệu, là trực giác của người dân. Họ cảm thấy an toàn và yên tâm hơn, đặc biệt là sau những trận đấu bóng đá đỉnh cao của Premier League với khán đài đầy khán giả và những sự kiện âm nhạc mấy ngàn người không áp dụng giãn cách xã hội. Bản thân tôi khi đi nghỉ hè vào tháng 7 cũng lắc đầu nhìn một con tàu chở cả trăm người không ai đeo khẩu trang, ngồi sát với nhau chạy trên biển ở Torquay. Và với sự kiện cả ngàn sinh viên quay lại trường đại học của tôi trong tuần này, nó là một sự bảo chứng cho thấy vaccine hiệu quả, dù chỉ một mũi (rất nhiều sinh viên chưa kịp tiêm hai mũi).
Trên hết, là niềm hy vọng được gặp nhau và sống bình thường
Một trong những yếu tố tôi cảm nhận được là sự trở lại vui tươi và sinh khí của nước Anh trong một tháng gần đây. Đồng nghiệp của tôi sau khi trở về từ Hàn Quốc nhận xét nước Anh đang “sống” trở lại trong bữa ăn trưa gần trường mà một năm qua chúng tôi không có được.
Ngồi trong quán ăn quen thuộc mà trước dịch thì gần như mỗi tuần tôi và anh đều ngồi ăn với nhau, đó là một sự may mắn. Một số người quen của chúng tôi đã không còn, trong đó có đồng nghiệp. Anh cũng vừa về từ Hàn Quốc vì người nhà mất. Nhưng sau tất cả, cuộc sống vẫn tiếp tục.
Những thứ đó sẽ không thể đạt được nếu nước Anh đã quá thận trọng và không dám bước ra bước đầu tiên trong tháng 3, không dám thử nghiệm một lễ hội 5.000 người hồi tháng 4 khi tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp.
Tất nhiên có những thay đổi lớn. Gần trường tôi, quán cà phê Boston Tea Party mới mở trên địa điểm một quán ăn rất nổi tiếng cũ. Trong dịch, bất chấp hỗ trợ của chính phủ để trả lương nhân viên và cho phép bán mang về, những tiệm ăn sang trọng đó không thể tồn tại vì không có khách đến ăn trực tiếp. Thay vào đó, mô hình tầm trung và giá rẻ lên ngôi.
Trong một buổi sáng Chủ nhật ngồi với một cặp vợ chồng luật sư đã về hưu tại đó, tôi nghe người chồng tiếc nuối một chút về quán ăn cũ, nhưng cũng rất hào hứng nói về món trứng bị nguội của mình. Không có dịch vụ tốt nhất, không sao cả. Quan trọng là cuộc sống tiếp diễn và chúng tôi vẫn còn may mắn ngồi với nhau sau dịch.
Những thứ đó sẽ không thể đạt được nếu nước Anh đã quá thận trọng và không dám bước ra bước đầu tiên trong tháng 3, không dám thử nghiệm một lễ hội 5.000 người hồi tháng 4 khi tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp, và không dám mạnh dạn mở cửa hoàn toàn vào tháng 7. Sai rồi “U-turn” là chuyện bình thường. Nhưng quan trọng chúng ta học được bài học gì, để không lặp lại sai lầm của chính mình hay hàng xóm.
Có hai điều tôi học được trong quá trình sống chung với dịch hơn gần hai năm qua ở Anh. Thứ nhất, mỗi một biện pháp chống dịch phải khả thi, cụ thể và đơn giản. Nếu không thì gần như chắc chắn kế hoạch phá sản.
Nước Anh từ sớm nhận ra là phải duy trì hệ thống giao hàng trực tuyến, cho phép shipper hoạt động ngay cả trong điều kiện không có vaccine và phải tiếp tục cho phép hoạt động sản xuất được tiếp tục. Nếu không Amazon sẽ giao hàng cho mọi người như thế nào, và người ta sẽ sống ra sao trong dịch? Nhà máy không sản xuất, cảng đóng cửa thì xã hội sẽ lấy hàng tiêu dùng ở đâu?
Ai dương tính ở nhà, người cần cách ly thì cách ly, còn lại mọi thứ phải tiếp tục. Nếu không, sẽ không có hàng hóa mà cung cấp cho xã hội, và không còn tiền mà chống dịch. Điều này thì Chính phủ Anh đã quán triệt rất rõ từ đầu phong tỏa.
Thứ hai, đó là hỗ trợ doanh nghiệp và người dân càng nhiều càng tốt. Hàng chục chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm chương trình hỗ trợ doanh nghiệp được vay tiền lãi suất thấp và đơn giản cũng như trả tiền cho nhân viên bị nghỉ giãn việc do ảnh hưởng của Covid-19 (furlough scheme, bắt đầu từ đợt phong tỏa giữa năm ngoái tới vừa kết thúc tháng 9 này) là hai trong số nhiều giải pháp xương sống của Chính phủ Anh để duy trì sinh kế cho người dân và giữ lại nguyên khí cho doanh nghiệp, để họ yên tâm ở nhà giãn cách xã hội.
Chính phủ Anh chấp nhận hy sinh kế hoạch đầu tư công mạnh nhất nhiều thập kỷ với tham vọng chính trị rõ ràng của thủ tướng Anh để đổi lại một kế hoạch chi tiêu giải cứu kinh tế, bởi vì họ hiểu được khi doanh nghiệp đổ vỡ nhiều, thì khi khôi phục lại, sẽ tốn kém gấp nhiều lần, vì các mắt xích kinh tế đã đứt gãy hết. Chuỗi cung ứng sẽ đổ vỡ luôn chứ không chỉ là đứt gãy.
Thế mà nay nước Anh vẫn loay hoay trong vòng xoáy thiếu lao động, thiếu hàng cực kỳ nghiêm trọng trong nhiều thập kỷ khi mở cửa trở lại, mà theo dự đoán còn phải kéo dài cả năm nữa. Tôi không dám tưởng tượng nếu không có những chính sách hỗ trợ kia từ năm ngoái, điều gì đang diễn ra ở Anh hiện tại nữa.
Ở Việt Nam, đặc biệt là ở những thành phố dịch vụ với hệ thống kinh tế phi chính thức, kinh tế vỉa hè lớn, điều này đặc biệt quan trọng. Như ở Anh, đa số các dịch vụ này sẽ không thể mở cửa ngay trở lại được, mà sẽ phải tuần tự, đi sau việc mở sản xuất và những hoạt động ít tiếp xúc.
Nhưng sinh kế của người dân sẽ ra sao khi họ vẫn phải ở nhà, đặc biệt là khi thấy một số người khác đã có thể tham gia sản xuất? Vấn đề này sẽ sớm trở thành một trở ngại về kinh tế-xã hội nếu không có giải pháp kịp thời.
Có người ví mở cửa trở lại sau giãn cách xã hội chặt chẽ như cầu vồng sau mưa. Nhưng họ hay quên rằng cái rực rỡ của cầu vồng cũng biến mất rất nhanh. Và đằng sau đó, có thể không phải là một ngày nắng đẹp ngay lập tức.
Ví dụ như ở Anh, sau những ngày tươi đẹp vừa qua là một mùa đông đầy bất định với dịch cúm, dịch Covid và sự thiếu hụt mọi thứ từ chất đốt cho đến thực phẩm do nhu cầu tăng mạnh còn nguồn cung thì đứt gãy. Còn ở Việt Nam, đó là những cơn bão lũ đang vào mùa.
Dù như vậy, tôi chỉ biết một điều, chúng ta không thể đối mặt với những thử thách đó bằng cách núp trong nhà.
(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh