Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ván cược tỉ đô của Nhật Bản nhằm hồi sinh ngành bán dẫn

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tokyo đang đổ hàng tỉ đô la vào ván cược dài hạn nhằm hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn từng một thời rất hùng mạnh.

Các nhà sản xuất chip đổ dồn tới Nhật Bản

Hôm 24-2, TSMC, nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Đài Loan, đã khai trương nhà máy chip đầu tiên tại Nhật Bản. Với tổng vốn đầu tư 8,6 tỉ đô la, trong đó có 3,2 tỉ là vốn hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, nhà máy JASM đặt tại tỉnh Kumamoto sẽ sản xuất hàng loạt bán dẫn, bao gồm cả chip 12 nanomet được sử dụng trong ô tô và thiết bị công nghiệp.

Chưa dừng lại ở đó, TSMC hồi đầu tháng này, đã công bố dự án nhà máy thứ hai tại Nhật Bản, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất trong vòng ba năm tới. Tổng vốn đầu tư của khu vực tư nhân cho cả hai nhà máy lên tới 20 tỉ đô la. Trong tương lai, hai nhà máy sẽ có tổng công suất hàng tháng hơn 100.000 tấm wafer 12 inch, tăng cường khả năng tiếp cận chip cho công nghiệp điện tử, ô tô và quốc phòng Nhật Bản.

Ngoài TSMC, nhiều doanh nghiệp bán dẫn khác của Đài Loan cũng đang đổ xô tới Nhật Bản. Theo báo cáo của Reuters, ít nhất chín công ty bán dẫn của Đài Loan đã thành lập cơ sở kinh doanh, hoặc mở rộng hoạt động tại thị trường Nhật Bản trong hai năm qua.

Nhà sản xuất chip Fabless Alchip Technologies, chuyên về chip tùy chỉnh, còn được gọi là chip tích hợp dành riêng cho ứng dụng (ASIC), là một trong những doanh nghiệp đang đẩy mạnh xu hướng dịch chuyển tới Nhật Bản. Một nguồn tin thân cận cho hay, hồi năm 2022, hầu hết các kỹ sư nghiên cứu và phát triển của Alchip vẫn đang hoạt động tại Trung Quốc, nhưng sau đó công ty đã bắt đầu dịch chuyển hoạt động ra nước ngoài, trong đó có nhiều người đến Nhật Bản.

Ngoài các công ty của Đài Loan, nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác trong ngành bán dẫn như Micron Technology Inc., ASML Holding NV và Samsung cũng đang đầu tư vào cơ sở sản xuất hoặc nghiên cứu tại Nhật Bản, đồng thời cố gắng tìm kiếm những thỏa thuận tốt nhất để củng cố sản lượng trong tương lai.

Nỗ lực đầy tham vọng của Tokyo

Việc các công ty bán dẫn ngày càng mở rộng hoạt động tại Nhật Bản cho thấy, những nỗ lực của chính phủ nước này nhằm tìm lại một thời vàng son trong lĩnh vực bán dẫn đang bước đầu gặt hái được những kết quả đáng khích lệ.

Trước đó, vào thập niên 1980, Nhật Bản với những tên tuổi lớn như Toshiba hay NEC từng nắm giữ hơn 50% thị phần bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, sau đó, Nhật Bản đã dần mất đi khả năng cạnh tranh sau những xung đột gay gắt với Mỹ về thương mại. Hệ quả là Nhật Bản hiện chỉ còn chiếm chưa đầy 10% thị phần bán dẫn toàn cầu, tụt lại phía sau so với Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan.

Để thay đổi tình hình này, Nhật Bản đang nỗ lực cung cấp các khoản trợ cấp hấp dẫn nhằm thu hút các nhà sản xuất chip toàn cầu. Theo thống kê của Bloomberg, chỉ trong chưa đầy ba năm, Chính phủ Nhật Bản đã chi 4.000 tỉ yen (26,7 tỉ đô la) để khôi phục sức mạnh sản xuất bán dẫn nội địa. Chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida đặt mục tiêu hỗ trợ tài chính cho ngành này đến 10.000 tỉ yen (66,75 tỉ đô la). Đồng thời, Nhật Bản cũng đặt mục tiêu là tăng gấp ba lần doanh số chip sản xuất nội địa lên hơn 15.000 tỉ yen (hơn 100 tỉ đô la) vào năm 2030.

Ngoài việc thu hút vốn đầu tư FDI trong lĩnh vực bán dẫn, Nhật Bản còn hướng tới kế hoạch đầy tham vọng: xây dựng một doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu mới, thông qua liên doanh Rapidus. Liên doanh này đang tìm cách sản xuất hàng loạt chip logic 2 nanomet tiên tiến vào năm 2027, từ điểm xuất phát ban đầu là con số 0.

Những cơ hội kinh tế tiềm tàng

Các khoản trợ cấp khổng lồ và được triển khai nhanh chóng cho thấy quyết tâm của Chính phủ Nhật Bản trong việc tận dụng cơ hội để giành lại một phần sức mạnh chip của quốc gia.

Ông Luc Van den Hove, CEO trung tâm nghiên cứu vi điện tử Imec (Bỉ), nhận xét lần này Nhật Bản đã thực hiện cách tiếp cận táo bạo, ra quyết định nhanh chóng hơn nhiều so với giai đoạn 15-20 năm trước.

Tốc độ hỗ trợ khẩn trương của Nhật Bản trái ngược với sự bế tắc chính sách của Mỹ. Đạo luật Khoa học và Chip năm 2022 của Washington đã dành 39 tỉ đô la trợ cấp trực tiếp để tăng cường năng lực sản xuất trong nước, nhưng danh mục đầu tiên trị giá 1,5 tỉ đô la chỉ vừa mới được công bố trong tuần trước. Những khó khăn về vấn đề lao động và chi phí cũng đã cản trở hoạt động sản xuất tại cơ sở mới của TSMC ở bang Arizona. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại châu Âu, khi những bất ổn ngân sách ở Đức đã làm dấy lên những lo ngại về các khoản trợ cấp dành cho TSMC và Intel.

Theo chuyên gia phân tích bán dẫn Arisa Liu, những động thái nhanh gọn, dứt khoát của Chính phủ Nhật Bản đang giúp nước này trở thành điểm đến ưa thích của các nhà sản xuất chip Đài Loan muốn tìm cách mở rộng hoạt động sản xuất ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng là một địa điểm hấp dẫn cho các công ty bán dẫn nhờ những lợi thế khác, như lực lượng lao động có kinh nghiệm và kỷ luật, ngành dịch vụ đáng tin cậy, đồng yen Nhật sụt giảm khiến giá cả phải chăng hơn. Nhật Bản cũng là nhà cung cấp toàn cầu quan trọng của một số hóa chất và thiết bị được sử dụng trong sản xuất chip.

Ngành bán dẫn Nhật Bản đối mặt nhiều thách thức

Tuy nhiên, tham vọng phát triển ngành bán dẫn của Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là tình trạng khan hiếm nhân lực. Theo AFP, bên cạnh vấn đề già hóa dân số, có một thực tế là sinh viên địa phương tại Kyushu thường có xu hướng rời đi, hoặc lựa chọn những ngành không liên quan đến chip.

Nhà nghiên cứu Soei Kawamura cũng đánh giá điểm nghẽn lớn nhất của các dự án bán dẫn là tình trạng thiếu lao động. “Các công ty lớn như TSMC và Sony có thể tìm đủ nhân sự cần thiết, nhưng sự phát triển kinh tế của vùng Kyushu sẽ tùy thuộc vào số lượng người có thể được tuyển dụng trong các ngành công nghiệp liên quan đến bán dẫn và các ngành khác ở địa phương”, ông nói.

Tính trên phạm vi toàn quốc, số lượng công nhân trong các doanh nghiệp liên quan đến chip của Nhật Bản đã giảm khoảng 20% trong khoảng hai thập kỷ qua. Theo ước tính từ Hiệp hội Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Điện tử Nhật Bản (JEITA), các hãng chip hàng đầu trong nước sẽ cần tuyển dụng 40.000 lao động trong vòng 10 năm tới - một nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Ngoài ra, giới chuyên gia cũng tỏ ra nghi ngờ về khả năng thành công của dự án Rapidus đầy tham vọng. Mục tiêu sản xuất hàng loạt chip tiên tiến kể từ năm 2027 của Rapidus đòi hỏi một bước nhảy vọt công nghệ, với chi phí rất lớn.

Chính phủ Nhật Bản hiện vẫn đang cung cấp sự hỗ trợ mạnh mẽ cho Rapidus. Tuy nhiên, đây không thể coi là sự bảo đảm cho thành công trong ngành công nghiệp bán dẫn. Vụ phá sản năm 2012 của Elpida Memory, một nhà sản xuất chip nhớ DRAM được chính phủ hậu thuẫn là một minh chứng cho điều đó.

Nguồn: Bloomberg, Reuters, CNBC, AP, AFP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới