(KTSG Online) – Bất chấp những thách thức từ đại dịch Covid-19, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn duy trì ổn định trên thị trường Việt Nam vào năm ngoái, trong đó nhiều doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư.
Chẳng hạn, tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng nhanh Hayat (Thổ Nhĩ Kỳ) với sản phẩm đầu tiên là dòng tã trẻ em Molfix đã ra mắt từ tháng 10 năm ngoái, sau khi đầu tư hơn 250 triệu đô la vào Khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex – Bình Phước.
Còn tập đoàn Sanofi (Pháp), cuối tháng 11 năm ngoái đã lên kế hoạch đầu tư thêm 5 triệu euro nhằm mở rộng nhà máy sản xuất cùng việc nội địa hóa sản phẩm thông qua chuyển giao công nghệ cho Sanofi Việt Nam, cũng như đẩy mạnh tài trợ 1,2 triệu euro cho dự án chuyển đổi năng lượng sinh khối thông qua sử dụng trấu làm nguồn năng lượng tái tạo thay thế dầu diesel.
Một thương vụ lớn khác trong lĩnh vực tài chính là việc tập đoàn Manulife châu Á mua lại 100% vốn của Công ty bảo hiểm Aviva Việt Nam. Thương vụ này được công bố từ cuối năm 2020, nhưng đến giữa tháng 1-2022 vừa qua, Manulife mới chính thức công bố bắt tay độc quyền 16 năm với ngân hàng Vietinbank, thay thế cho Aviva trước đây.
Đi cùng sự mở rộng đầu tư là những dự định lạc quan về tương lai thị trường. Nhân dịp đầu năm mới, Kinh tế Sài Gòn Online có cuộc trò chuyện với đại diện các tập đoàn về tầm nhìn và hoạt động trong một số lĩnh vực được cho là vẫn thuận lợi trong bối cảnh dịch Covid-19.
KTSG Online: Theo các ông, đâu là điểm nhấn của thị trường và dịch bệnh Covid-19 đã tác động như thế nào đến lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn trong năm qua?
- Ông Cetin Murat, Tổng giám đốc Hayat Việt Nam: Trong năm ngoái, vượt qua những thách thức từ các đợt giãn cách do Covid-19, nhà máy của chúng tôi bước sang giai đoạn 2, chính thức đi vào sản xuất và bắt kịp tiến độ để ra mắt sản phẩm vào tháng 10 cùng năm. Trên thực tế thì trước khi chính thức ra mắt tại Việt Nam, từ hơn 4 năm trước, chúng tôi đã tiến hành các cuộc nghiên cứu và phỏng vấn sâu để thấu hiểu tâm tư của người tiêu dùng địa phương.
Có thể nói sau tác động của Covid-19, nhu cầu về các sản phẩm chứa thành phần có nguồn gốc từ thiên nhiên cũng tăng mạnh. Sức mua của thị trường ngày một dồi dào hơn khi động lực tăng trưởng dân số toàn cầu trong nửa thập kỷ tới sẽ đến từ châu Á, mở ra cơ hội phát triển lớn cho các thương hiệu tã bỉm tại đây.
Tuy nhiên, muốn phát huy trọn vẹn tiềm năng đó, thị trường cần các doanh nghiệp có năng lực toàn cầu dẫn dắt để phát triển đúng hướng, đáp ứng đúng nhu cầu người tiêu dùng với những giải pháp sáng tạo, hiệu quả đi kèm mức chi phí phù hợp.
- Ông Emin Turan, Tổng giám đốc Sanofi Việt Nam: Cuộc khủng hoảng y tế trên toàn thế giới này thật không may là còn lâu mới kết thúc hoàn toàn, chúng ta đã và sẽ phải đối mặt với những hậu quả kinh tế - xã hội của đại dịch này lâu hơn chúng ta tưởng.
Khi đó, việc điều trị và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là với mục tiêu kép của Việt Nam là chống đại dịch đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
- Ông Sang Lee, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam: Năm 2021 có thể nói rằng là một năm rất thành công đối với lĩnh vực bancassurance. Dù là thị trường còn non trẻ ở khu vực châu Á, nhưng mức tăng trưởng chúng ta đang chứng kiến là rất ấn tượng.
Việc chính thức kích hoạt mối quan hệ đối tác độc quyền với VietinBank là cơ hội thực sự để chúng tôi có thể dẫn đầu ngành trong việc thu hẹp nhu cầu bảo vệ chưa được đáp ứng, cải thiện tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ và xây dựng một ý thức lâu dài trong cộng đồng.
Có thể thấy rằng đại dịch toàn cầu đang khiến người dân đánh giá cao giá trị của bảo hiểm, cũng như tầm quan trọng của việc thiết lập kế hoạch tài chính cho việc nghỉ hưu. Cùng với việc bảo vệ sức khỏe, bảo vệ tài chính cũng được người Việt Nam quan tâm hàng đầu. Manulife Việt Nam nhìn thấy những cơ hội lớn để giúp giải quyết các nhu cầu về sức khỏe, bảo vệ, tiết kiệm và đầu tư ngày càng tăng của người dân Việt Nam.
KTSG Online: Vậy các ông có kỳ vọng gì về thị trường Việt Nam trong năm nay?
- Ông Cetin Murat, Tổng giám đốc Hayat Việt Nam: Việt Nam sở hữu vị trí chiến lược về văn hóa và kinh tế tại khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch, cũng như sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại đây. Do đó, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư và hỗ trợ chúng tôi mở rộng thị trường của mình tại khu vực ASEAN.
Nhà máy tại Việt Nam sẽ cung ứng sản phẩm tới các thị trường tiềm năng khác như Campuchia, Philippines, Lào và Indonesia, đồng thời đảm nhiệm vai trò là trung tâm sản xuất tại Đông Nam Á. Dự kiến Hayat sẽ xuất khẩu 40% sản lượng sang Thái Lan và Malaysia với tổng giá trị xuất khẩu ước tính đạt 50 triệu đô la mỗi năm. Lợi nhuận xoay vòng sẽ được đầu tư ngược trở lại Việt Nam để tăng cường hệ thống sản xuất cũng như các hoạt động cam kết bền vững của chúng tôi.
Bên cạnh hạng mục tã trẻ em hiện có, công ty cũng có kế hoạch đầu tư vào nhà máy khăn giấy với sản lượng 60.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất chất tẩy rửa với công suất 250.000 tấn/năm. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ củng cố sự hiện diện của mình tại Việt Nam thông qua các hoạt động CSR.
- Ông Emin Turan, Tổng giám đốc Sanofi Việt Nam: Bước sang năm 2022, ngành công nghiệp dược đóng vai trò rất quan trọng để hỗ trợ Chính phủ nỗ lực ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị Covid-19, đồng thời tăng cường cho hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia đối phó với những thách thức mới trong tương lai.
Song song đó, bệnh nhân cần tiếp tục tiếp cận với các loại thuốc và vaccine cải tiến để điều trị và phòng ngừa các diễn biến sức khỏe có thể diễn ra. Các thách thức đối với chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch cần được giải quyết để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân Việt Nam. Những điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực, cách tiếp cận linh hoạt của các công ty dược phẩm.
- Ông Sang Lee, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam: Năm 2022, chúng tôi kỳ vọng sau chương trình tiêm chủng thành công của Chính phủ ở các thành phố lớn, các trường hợp mắc Covid-19 nghiêm trọng sẽ giảm đi đáng kể, cũng như tất cả sẽ chứng kiến một “bình thường mới” trong cộng đồng.
Chúng tôi rất lạc quan về sự tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Dù mức độ thâm nhập bảo hiểm ở đây là thấp nhất trong khu vực, nhưng tiềm năng dài hạn của thị trường vẫn còn mạnh mẽ, với tầng lớp trung lưu đang phát triển, GDP tăng trưởng nhanh chóng và nhân khẩu học thuận lợi.
Nói rộng hơn, Manulife Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng nguồn lực của chúng tôi bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tốt hơn nữa. Thông qua việc tập trung nâng cao các giải pháp kỹ thuật số, kênh phân phối, sản phẩm và dịch vụ, trải nghiệm khách hàng và văn hóa làm việc của chúng tôi, chúng tôi kỳ vọng sẽ dẫn đầu thị trường vào năm 2022.
Tôi tin rằng tương lai của ngành bảo hiểm nhân thọ sẽ hướng tới việc cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, tập trung nhiều hơn vào cung cấp các giải pháp phục vụ nhu cầu bảo vệ sức khỏe và thể chất. Chúng ta có thể đã chạm đến điểm tới hạn của chuyển đổi số hóa và việc cần làm bây giờ là sẵn sàng đẩy nhanh những chuyển đổi này.
Xin cảm ơn các ông!