Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vấn đề là dòng tiền

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vấn đề là dòng tiền

Vẻ mặt thất vọng của một nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán New York khi chứng kiến thị trường sụt giảm liên tục.

(TBKTSG) – Theo dõi diễn biến cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, người ta thường chú ý đến các sự kiện nổi bật như nỗ lực thông qua gói giải pháp 700 tỉ đô la, sự sụp đổ của ngân hàng này, công ty tài chính kia hay sự lên xuống của các chỉ số chứng khoán chính.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất trong ngắn hạn của nền kinh tế thế giới là sự thiếu hụt tín dụng dẫn đến dòng tiền của nhiều doanh nghiệp bị biến động, đẩy họ vào chỗ phải đối diện nguy cơ phá sản hàng ngày hàng giờ.

Để dễ hình dung chúng ta tưởng tượng một doanh nhân có 10 chiếc xe tải chở hàng cho khách. Tiền thu được đủ để trang trải chi phí chủ yếu là lương tài xế, nhiên liệu, bảo trì, khấu hao và còn lại là lợi nhuận. Nay bỗng có đến tám khách hàng do khó khăn nên không kịp trả tiền chuyên chở đúng hạn.

Trên sổ sách, tình hình tài chính của doanh nhân này vẫn rất lành mạnh nhưng trong két không còn đồng nào để trả lương cho tài xế. Chạy đến ngân hàng không ai cho vay tiền, doanh nhân này chỉ biết than sắp phá sản đến nơi.

Hiện tượng thắt chặt tín dụng xuất phát đầu tiên từ các ngân hàng. Bài học sụp đổ qua đêm của các tên tuổi lớn làm cho mọi ngân hàng giữ chặt hầu bao của họ, không ai dại gì cho vay trong hoàn cảnh này. Ngân hàng nào không ít thì nhiều đều có những khoản dính líu đến những món nợ dưới chuẩn, từ trực tiếp đến gián tiếp do mua chứng khoán liên quan. Nay họ phải nâng mức dự phòng rủi ro và càng làm giảm khả năng cho vay của họ.

Chính vì thế, xu hướng của thị trường tài chính hiện nay là ưu tiên cho tiền mặt hay tương đương tiền mặt. Xu hướng này giải thích cho các thắc mắc khá phổ biến: Vì sao trái phiếu của Chính phủ Mỹ – một nước đang lâm vào khủng hoảng lại bán chạy như tôm tươi; vì sao giá vàng không tăng nhanh đột biến như nhiều người tưởng trong khi giá dầu lại giảm; vì sao chứng khoán vẫn sụt giảm sau khi Hạ viện Mỹ thông qua gói giải cứu thị trường tài chính; vì sao ngân hàng trung ương các nước bơm tiền vào thị trường; vì sao lãi suất qua đêm tăng vọt…

Điều đáng lo là việc thắt chặt tín dụng như thế đang gây khó khăn cho cả những doanh nghiệp rất mạnh, không dính líu gì đến thế giới tài chính nhiều đòn phép. Chi phí sử dụng đồng vốn tăng càng làm nhiều doanh nghiệp thua lỗ và chu kỳ này sẽ tác động vòng quanh chưa thấy lối ra.

Ngay cả ngân sách chính quyền các tiểu bang cũng bị ảnh hưởng. Bang California cho biết đã hết tiền mặt, không vay được tiền nên đang dò hỏi vay khẩn cấp 7 tỉ đô la từ chính quyền liên bang. Các bang khác như Louisiana và New Mexico phải hoãn việc bán trái phiếu vì không ai mua trong hoàn cảnh này. Bang Massachusetts cũng có khả năng theo chân California cầu viện Bộ Tài chính vay tiền để chi cho những khoản lương nhân viên chính quyền tiểu bang.

Ở các nước khác, các báo đã bắt đầu miêu tả hiện tượng thắt chặt tín dụng đang tác động như thế nào đến người dân nước họ: doanh nghiệp nhỏ và vừa tạm xếp lại các kế hoạch đầu tư mở rộng kinh doanh, tinh giản đội ngũ nhân viên, các tiệm ăn báo doanh thu sụt giảm, trong khi các hãng bán thức ăn nhanh, thức ăn đóng hộp lại ăn nên làm ra. Đấy mới là những thông tin đáng lưu ý, hơn cả những tin tức trồi sụt của thị trường chứng khoán khắp nơi.

VÂN CẦM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới