Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Văn hóa giao thông: dân – quân – doanh

Trần Thanh Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Có một cách đơn giản để giải quyết nạn kẹt xe. Đó là hãy để doanh nghiệp làm đường và chính quyền sản xuất xe. (Will Rogers)

Văn hóa giao thông: mạnh ai nấy đi. Ảnh: Thành Hoa

Đầu tháng này, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra tại tỉnh Hòa Bình khi chiếc xe ben chở cát quá tải chạy với tốc độ cao lấn đường, khiến xe lật ngang đè bẹp chiếc xe hơi đang chạy bên làn đường ngược lại. Tai nạn này làm ba người trong xe hơi chết tại chỗ, một người may mắn thoát chết kỳ diệu.

Theo cơ quan chức năng, ngoài chuyện tài xế vượt sai, thùng xe chở đầy cát của chiếc xe ben đã được nối dài hơn gần ba tấc, từ 6,5 mét lên 6,78 mét, trong khi chiều cao thùng xe được tăng hơn hai lần, từ 0,78 mét lên 1,85 mét(1). Tất cả các kích thước cơi nới đó đều trái luật!

Tai nạn nghiêm trọng này một lần nữa khiến người ta không khỏi suy nghĩ về các nguyên nhân dẫn đến một thực tế là Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đứng đầu thế giới.

Thống kê cho thấy từ năm 2009 đến tháng 5-2019 đã ghi nhận hơn 326.000 tai nạn giao thông đường bộ trên toàn quốc làm gần 98.000 người chết và gần 330.000 người bị thương(2). Tính trung bình, hàng năm có gần 10.000 người Việt thiệt mạng khi giao thông trên đường - cũng thuộc loại dẫn đầu thế giới, nghĩa là theo “hệ quy chiếu bóng đá World Cup FIFA”, nếu chúng ta không giữ được vị trí như Brazil, thì cũng tương đương đâu đó với Đức hay Ý.

Trong số các nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, lỗi do người tham gia giao thông chiếm đến 80%, trong đó gần 23% là chạy quá tốc độ, 14% vượt, tránh sai quy định và gần 4% là do ảnh hưởng của rượu bia khi lái xe(3). Về nguyên tắc, tai nạn hoàn toàn có thể tránh được nếu người lái xe tuân thủ đúng Luật Giao thông, và như vậy, ý thức hình thành văn hóa giao thông là hết sức cần thiết. Bài viết sau nhìn vấn đề này dưới ba góc độ - người dân, chính quyền và doanh nghiệp.

Dân

Xin bắt đầu chuyện từ người dân vì văn hóa giao thông gắn liền với các ứng xử khi đi đường của toàn bộ người dân. Và điều gọi là “văn hóa giao thông” chủ yếu hình thành từ sự hành xử của từng thành viên trong xã hội. Không quốc gia nào có thể có được một nền “văn hóa giao thông” tốt nếu mạnh ai nấy chạy trên đường không theo một luật lệ nào cả.

Trong số những ấn tượng khó phai sau chuyến đi Nhật hơn 10 năm trước của người viết liên quan đến cách hành xử của một người tài xế bản địa lái xe chở đoàn du khách người Việt. Số là trên đường về, khi chiếc xe chạy ngang khách sạn nằm ở làn đường phía bên kia, ai cũng tưởng tài xế sẽ rẽ vào. Nhưng không, ông cho xe đi thẳng, chạy một đoạn nữa khá lâu và khá dài cho đến khi gặp một vòng xoay để quay đầu xe, rồi tiếp tục chạy cho đến khi… về đến khách sạn một lần nữa.

Lúc đó, ông mới cho xe ngừng để hành khách xuống, tính ra cũng mất đến hơn 10 phút. Hỏi ra mới biết, tuy khi đó trên đường cũng không có nhiều xe, nhưng chỉ với những làn sơn trên mặt đường là đủ nhắc tài xế phải tuân thủ Luật Giao thông, không tùy tiện rẽ ngang dù đường không có dải phân cách cứng.

Các ứng xử này của người tài xế Nhật khiến người viết nhớ cho đến tận bây giờ vì khi trở về quê nhà chỉ toàn thấy gần như là điều ngược lại. Người xứ mình không chỉ lấn đường ở những nơi không có dải phân cách mà cũng lấn luôn ở chỗ có dải phân cách bằng cách… chạy qua luôn phần đường ngược chiều (thường thấy ở các ngã ba có đèn tín hiệu giao thông). Nói thì buồn, nhưng có lẽ cũng phải công nhận rằng đó cũng là một phần của thực trạng văn hóa giao thông hiện nay ở nước mình.

Một trong nhưng minh họa tốt nhất cho nhận định này là quan sát cách người Việt ứng xử tại các vòng xoay đông xe giờ cao điểm. Khi ấy tất cả các phương tiện giao thông, từ xe gắn máy đến xe hơi, xe tải, cứ thản nhiên chen nhau mà đi, không theo một luật lệ nào cả.

Điều 24 của Luật Giao thông đường bộ quy định việc nhường đường tại nơi đường giao nhau như sau: khi đến gần đường giao nhau, người đi đường nhường đường theo quy định: (i) tại nơi không có báo hiệu đi theo vòng xoay, nhường đường cho xe đi đến từ bên phải; (ii) tại nơi có báo hiệu đi theo vòng xoay, phải nhường đường cho xe bên trái; và (iii) tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường không ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới. Luật rõ ràng là vậy, nhưng trên thực tế, hiếm người Việt chấp nhận và thực hiện khái niệm “nhường đường”, mà trong đầu chỉ có khái niệm “giành đường”.

Từ thực tế trên, không thể hy vọng người Việt sẽ ứng xử trong giao thông như người Nhật chỉ sau một đêm. Điều này chỉ có thể khả thi sau một thời gian dài nếu người lớn ý thức dạy dỗ cho con trẻ thói quen tốt trong giao thông ngay từ nhỏ. Quan trọng không kém là thái độ làm gương của người lớn. Khó có thể dạy cho trẻ không được vượt đèn đỏ hay đèn vàng nếu hàng ngày đến trường buổi sáng đông đúc, cha mẹ chúng thản nhiên làm điều đó vì sợ trễ giờ.

Quân

Như đã nói ở trên, văn hóa giao thông có bản chất từ người dân. Nếu tự thân người dân không ý thức được mình cần hành xử đúng mực trên đường để tuân thủ luật giao thông, góp phần tạo nên trật tự tốt cho xã hội và nhằm ngăn ngừa tai nạn cho chính bản thân mình, thì hy vọng cho một xã hội có văn hóa giao thông tốt chỉ là vô vọng.

Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rõ rằng, hiếm có người dân tự giác mà phải đưa ra các điều kiện để buộc họ phải tuân thủ luật giao thông. Đây chính là chỗ chính quyền phải can thiệp bằng luật lệ rõ ràng và thi hành nghiêm ngặt các quy định đó. Nói khác đi, chính quyền phải “tập” cho người dân thói quen tuân thủ luật giao thông để hình thành văn hóa giao thông tốt trong toàn xã hội.

Lấy ví dụ, gần đây có nhiều bạn đọc than phiền sao nhiều xe buýt chạy ẩu mà chẳng mấy khi thấy cảnh sát giao thông (CSGT) ra tay xử phạt! Nếu đúng như vậy thì khó nói Luật Giao thông được thực thi nghiêm. Trong trường hợp này, sự nghiêm minh của pháp luật giao thông vừa có tác dụng ngăn ngừa vi phạm vừa góp phần giúp người dân hình thành thói quen tốt trong giao thông.

Trước đây, người viết thấy hài lòng khi nghe tiếng còi của các CSGT đang làm nhiệm vụ tại các điểm nóng giao thông trong giờ cao điểm. Khi ấy, tiếng còi của các anh vang lên trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang đỏ nhắc nhở người đi đường phải dừng lại, và thường rất hữu hiệu. Nhưng đã từ khá lâu, không hiểu sao người viết không còn nghe những tiếng còi dứt khoát này nữa. Kết quả là rất nhiều người vẫn vô tư đi tiếp ngay cả khi đèn đã chuyển qua đỏ trước mắt CSGT.

Cũng xin nhắc lại rằng, nếu chính quyền (mà đại diện là CSGT) biết cách tận dụng, kỹ thuật có thể giúp người dân hình thành thói quen tốt trong giao thông. Một ví dụ điển hình là chuyện lắp camera để phạt nguội. CSGT không thể có mặt mọi lúc mọi nơi, nhưng camera quan sát thì có thể.

Mới gần đây, chính quyền TPHCM tính chuyện xử lý hình sự các “ma men” ngay trước khi họ gây tai nạn trên xe. Đây là một nỗ lực đáng hoan nghênh, nhưng cũng cần lưu ý rằng, nỗ lực đó phải được duy trì thường xuyên chứ không phải chỉ có tính chất “chuyên đề” một thời gian rồi thôi.

Doanh

Có người nói, nằm trong số những “hung thần” trên đường phố là “hung thần 2B”. Cả hai vừa được “xướng danh” bên trên, đó là ben và buýt.

Trong đợt CSGT ra quân mới đây xử phạt xe ben quá tải, quá tốc độ, một tài xe vi phạm đã “ngây thơ” nói rằng xe anh ta quá tải vì “máy xúc cát lên bao nhiêu thì chạy đại bấy nhiêu”(4).

Các vi phạm loại này trước hết thuộc trách nhiệm của tài xế. Tuy nhiên, không thể nói doanh nghiệp sở hữu phương tiện giao thông vi phạm là vô can. Dù chỉ một trường hợp vi phạm, doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý, và nếu vi phạm lặp lại, họ phải có biện pháp hạn chế tài xế của mình tiếp tục hành xử xấu khi cầm vô lăng. Các biện pháp chế tài, xử phạt hiện này đối với chủ phương tiện gây tai nạn cần phải được tăng lên nhiều lần để tăng tính răn đe.

Trong chiến dịch sắp đến ở TPHCM nhằm tăng cường xử lý người vi phạm nồng độ cồn, CSGT cũng sẽ có biện pháp tuyên truyền tại các nhà hàng, quán nhậu, trong đó bao gồm cả việc khuyến khích chủ quán có giải pháp đưa khách về nhà an toàn, thay vì tự lái xe. Đây là điều đáng thực hiện.

Cuối cùng, xin mạnh dạn đề nghị CSGT khi cần thiết có thể công bố danh sách các doanh nghiệp vận tải - từ xe taxi, xe buýt đến xe công nghệ - vi phạm giao thông hay gây tai nạn cao nhất để rộng đường dư luận và cũng để nhắc nhở họ phải nghiêm khắc với các tài xế của mình. Xin nhớ rằng đó cũng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

-------------

(1) https://tuoitre.vn/xe-ho-vo-lat-de-chet-3-nguoi-thung-xe-nguyen-ban-hon-10m3-chu-xe-tu-coi-noi-len-gan-29m3-20220605174103688.htm

(2),(3) https://tuoitre.vn/gan-10-000-nguoi-chet-vi-tai-nan-giao-thong-moi-nam-tai-viet-nam-20191008115204856.htm

(4) https://tuoitre.vn/tai-xe-xe-ben-howo-cho-qua-tai-may-xuc-cat-len-bao-nhieu-thi-chay-dai-bay-nhieu-20220610110203555.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Tác giả có vẻ viết có vẻ hơi cực đoan khi đề cao chuyện tài xế ở Nhật chạy xe ở Nhật chạy đến vòng xoay mới quay đầu vì không muốn cán vạch liền, tôi cũng vẫn làm vậy, và tôi nghĩ ngay ở VN vẫn có một số ít % lái xe làm vậy. Tất nhiên ở VN làm điều đó là hiếm nhưng không phải cái gì quá cao siêu. Chuyện phải nhớ điều luật 24 khi qua vòng xoay, tôi không biết tác giả nếu không viết bài có nhớ điều luật này không? Chưa chắc. Tất nhiên tôi không cổ súy giành đường nhưng chỉ cần nhường nhau là tốt hơn nhiều rồi, kể cả có khi nhường sai luật.

    Còn chuyện CSGT không biết tận dụng kỹ thuật để phạt nguội, rồi yêu cầu công bố danh sách các doanh nghiệp vận tải vi phạm, xin lỗi, họ biết hết nhưng họ có lý do để không làm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới