Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Văn hóa – nghệ thuật sẽ là ngành dịch vụ đóng góp cho tăng trưởng của thành phố

N.H

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhu cầu giải trí của đông đảo cư dân vào dịp cuối tuần hay trong các dịp lễ tết, cùng với đặc điểm đón lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế là những yếu tố giúp lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật có nhiều điều kiện để trở thành một ngành kinh tế dịch vụ đóng góp cho tăng trưởng của TPHCM.

Hiện TPHCM có nhiều loại nghệ thuật như đờn ca tài tử, cải lương, kịch... và làm sao để những chương trình này thu hút được người dân, du khách trở thành một mục tiêu mà thành phố đặt ra. Ảnh minh họa các nghệ sĩ biểu diễn trước thềm hội nghị. Ảnh: N.H

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ chính trị (Khoá X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật thời kỳ mới do Thành uỷ TPHCM tổ chức ngày 25-7. Theo các đại biểu, văn hoá, nghệ thuật là một tài sản và không chỉ có ý nghĩa tinh thần mà còn mang lại giá trị kinh tế cho các bên có liên quan, góp phần vào phát triển thành phố trong tương lai.

Phía thành phố cho biết, trong 15 năm, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhu cầu giải trí, thị hiếu của người dân đã có những thay đổi, bên cạnh đó, một số quy định đãi ngộ chưa thay đổi kịp với sự thay đổi nên là văn học, nghệ thuật của thành phố có những hạn chế nhất định.

Vì thế, trong báo cáo chia sẻ tại hội nghị, Thành uỷ thành phố đã đưa ra một số đề xuất để phát triển văn hoá nghệ thuật. Cụ thể, thời gian tới, nghiên cứu tăng mức đầu tư ngân sách cho hoạt động sáng tác, dàn dựng, quảng bá tác phẩm trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật nhằm xây dựng các sản phẩm nghệ thuật có tính giáo dục, giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao và mang hơi thở thời đại. Đi kèm với đó là có chế độ, chính sách phù hợp dành cho văn nghệ sĩ nhằm tạo sức hút, “giữ chân” các tài năng, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ đóng góp, cống hiến… Cùng với đó là phát triển các tài năng trẻ để đưa vào nguồn đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn lực cho thành phố.

Thành phố sẽ từng bước triển khai các nội dung trọng tâm trong chiến lược phát triển ngành công nghệ văn hoá thành phố giai đoạn 2020-2030 đảm bảo phát triển các ngành công nghệ văn hoá Việt Nam trên địa bàn thành phố trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hoá của người dân thành phố, góp phần quảng bá hình ảnh, cùng đó là xác lập các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hoá đặc sắc của thành phố.

Theo kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu phát triển TPHCM và Cục thống kê TPHCM, tỷ lệ đóng góp ngành công nghiệp văn hoá trong tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) trong giai đoạn 2010-2020 giao động ở mức 3-4% mỗi năm. Tuy nhiên, do GRDP của thành phố tăng nên giá trị đóng góp cũng tăng lên. Nếu năm 2010, giá trị đóng góp của ngành văn hoá là hơn 19.000 tỉ đồng thì đến năm 2020 con số này đã tăng hơn 2 lần với gần 39.000 tỉ đồng.

Về vấn đề sở hữu trí tuệ, trong báo cáo của mình, Thành ủy TPHCM cũng chỉ ra những bất cập, đó là hiện nay, quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan đã ban hành nhưng trên thực tế việc bảo hộ quyền tác giả chưa hiệu quả. Vì thế, thành phố đề nghị cần có các quy định chế tài để xử lý các trường hợp vi phạm quyền tác giả đối với các loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Thành phố cũng đưa ra kiến nghị với Chính phủ sớm nghiên cứu xây dựng Luật nghệ thuật biểu diễn nhằm tạo sự thống nhất trong quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới