Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Vẫn lo cho chim trời!

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Vừa bước xuống xe để vào khách sạn ven quảng trường trung tâm thành phố vùng biên Châu Đốc lúc trời sụp tối, tôi nghe âm thanh hơi huyên náo nhưng khác lạ. Anh bảo vệ khách sạn nói đó là tiếng chim sẻ và dường như theo anh thì chim sẻ về đây ngủ vào chiều tối đã có từ nhiều năm trước.

Với tiếng kêu huyên náo như vậy, tôi áng chừng đàn chim sẻ hàng chục, hàng trăm ngàn con chứ không ít, chim đậu kín các cây xanh ở quảng trường. Sáng sớm hôm sau, tôi thả bộ dạo quanh quảng trường thì hỡi ơi, phân chim phủ màu bạc trắng cả trên lá cây và dưới gốc cây xanh. Nhưng, đàn chim sẻ này quá may mắn vì nạn săn bắt chim sẻ bán vào nhà hàng quán nhậu hiện nay rất khủng khiếp ở nhiều địa phương nhưng chưa "mò" tới địa phương này.

Trên báo đài nhiều năm qua liên tục xuất hiện thông tin săn bắt, bẫy chim sẻ, chim mía và nhiều loại chim khác, mà điểm đến là quán nhậu, nhà hàng, điểm bán chim phóng sinh ở chùa chiền...

Mặc dù chim mía, chim sẻ không phải chim hoang dã quý hiếm nhưng việc săn bắt, mua bán chim trời kiểu tận diệt là điều không nên chút nào. Chỉ cần gõ cụm từ “chim mía”, ta có thể cho ra cả triệu kết quả tìm kiếm, nhưng đáng buồn thay, đó là các bài viết nói về chế biến món ăn ngon từ chim mía, thậm chí có bài viết còn khen chim mía là “nhân sâm trên trời”. Rồi hàng trăm, hàng ngàn bài viết nói về tuổi thơ gắn với săn bắt chim mía, hay ca dao tục ngữ nói về món ăn chim mía ngày xưa. Vâng, ngày xưa thì khác, còn bây giờ nạn săn bắt chim hoang dã đã trở nên báo động.

Điều đáng nói là có rất nhiều trang có đuôi “gov.vn” của chính quyền các địa phương đăng bài cổ vũ săn bắt, làm món ăn từ chim mía, chim sẻ. Khi gõ cụm từ "chim sẻ" để tìm kiếm trên Google thì cho ra hàng ngàn kết quả hướng dẫn bẫy bắt chim sẻ, bán file âm thanh làm mồi bẫy chim sẻ...

Giữa năm ngoái, chính quyền một phường ở thành phố Hà Tĩnh đã xử phạt hành chính 5 triệu đồng một người dùng nhựa dính, nhạc nhử để bẫy bắt 200 con chim sẻ. Cuối năm ngoái, hai người đàn ông ở Kiên Giang sau khi nhậu ngà ngà, hết mồi nhậu nên vác sào và bao vào rừng U Minh Thượng bắt chim về nhậu. Cơ quan bảo vệ rừng phát hiện 2 người này bắt 35 con chim, cò, trong đó có nhiều chim quý hiếm. Công an đã khởi tố vụ án và đầu năm này tòa án "tặng" cho một người là 5 năm 6 tháng tù, còn người kia 5 năm tù.

Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng của các đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu. Hiện nay, ở Việt Nam đã ghi nhận được hơn 900 loài chim, trong đó 99 loài cần bảo tồn, 10 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe dọa.

Nhiều loài chim hoang dã, di cư được đưa vào danh mục để quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật, như loài sếu đầu đỏ mà nay chúng ta phải bỏ ra hàng chục, hàng trăm tỉ đồng để bảo vệ. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư vẫn đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương, ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người.

Hai năm trước, tháng 5-2022, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư, trong đó nhấn mạnh, tệ nạn săn bắt tận diệt, hủy hoại môi trường sống tự nhiên dẫn đến việc thay đổi môi trường sống và hệ sinh thái, làm suy giảm số lượng, thành phần các loài chim hoang dã, di cư, một số loài chim di cư đã không còn xuất hiện trong các mùa chim di cư đến Việt Nam.

Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, một tổ chức phi chính phủ gắn với hoạt động truyền thông cho bảo tồn động vật hoang dã, đã thống kê kể từ khi có Chỉ thị 04 đến nay, các cơ quan thực thi luật pháp đã tăng cường xử lý các hành vi vi phạm về chim hoang dã, ghi nhận 179 vụ xử lý liên quan đến chim, thu giữ 8.123 cá thể chim, xử phạt hành chính gần 4,5 tỉ đồng, tức mỗi vụ phạt gần 25 triệu đồng và có trường hợp phải vào tù như ở Kiên Giang đầu năm nay.

Tự dưng tôi bỗng thấy lo lo cho đàn chim sẻ ở quảng trường trung tâm Châu Đốc!

1 BÌNH LUẬN

  1. Chim trời/ Cá nước. Từ khi khai thiên lập địa đến nay, hai loài này, cùng với vật nuôi, vẫn cứ mải miết tự giác làm tốt bổn phận “vật dưỡng nhơn”, nuôi sống loài người. Tiếc thay, sự “hi sinh” của chúng, đã và đang bị đối xử một cách thái quá, thậm chí tàn bạo. Không chỉ là tình trạng “tận diệt”, mà còn là mồi ngon, hấp dẫn để giới lưu linh “tận hưởng” những cuộc vui ngút ngàn. Lòng tham sân si đang vượt quá giới hạn chịu đựng của tự nhiên. Chim, cá, vật nuôi… cũng có cảm xúc và nhu cầu sinh tồn, hợp lý, nhân đạo. Không một ai có quyền, hoặc có thể phủ nhận được điều này. Loài người, vậy nên, cần phải tỉnh thức sớm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới