Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Vận tải biển vẫn khó

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vận tải biển vẫn khó

La Quang Trí (*)

(TBKTSG) - Nhiều doanh nghiệp cổ phần từ các doanh nghiệp nhà nước trong ngành vận tải biển liên tục báo lỗ, có doanh nghiệp còn bị hủy niêm yết do thua lỗ kéo dài và mức lỗ đã vượt quá vốn chủ sở hữu (Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship lỗ hơn 292 tỉ đồng trong khi vốn chủ sở hữu đăng ký là 200 tỉ đồng). Tổng kết quí 3-2017, dù đã đổi tên từ Công ty cổ phần Vận tải biển Bắc (NOSCO) thành Công ty cổ phần Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (OSCO), hoạt động kinh doanh của công ty vẫn tiếp tục lỗ hơn 32,7 tỉ đồng. Cũng trong quí 3 này, danh sách các công ty cổ phần thua lỗ vẫn liên tục kéo dài, như: Công ty Vận tải biển (VOSCO) lỗ thêm 58,8 tỉ đồng, Công ty Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart) lỗ hơn 68,5 tỉ đồng, Công ty hàng hải Đông Đô lỗ gần 19 tỉ đồng, Công ty Dịch vụ vận tải và thương mại (TJC) lỗ 1,6 tỉ đồng, Công ty Vinafco lỗ gần 3,8 tỉ đồng...

Vận tải biển vẫn khó
Vận tải biển gặp khó. Ảnh: Hồng Ngọc

Trong những tháng vừa qua, hoạt động của các doanh nghiệp vận tải biển tư nhân cũng có nhiều điều cần bàn. Đó là số lượng tàu chạy hàng rời nội địa tăng lên, do các tàu chạy quốc tế sau một thời gian kinh doanh đã xuống cấp, không còn đáp ứng được các yêu cầu đi tuyến quốc tế nữa nên đã trở về thị trường nội địa. Đây là thời điểm nhiều nhà máy nhiệt điện lớn bắt đầu khởi động xây dựng hoặc bắt đầu vận hành nên lượng hàng cần vận chuyển khá lớn, vì vậy cũng thúc đẩy các chủ tàu mua, đóng thêm tàu mới để đáp ứng nhu cầu vận chuyển than cho nhiệt điện. Số lượng tàu chạy nội địa tăng còn vì một nguyên nhân khác, đó là chủ trương cho các tàu sông pha biển chạy tuyến Bắc - Nam. Và chính do sự gia tăng mạnh số lượng các loại tàu sông pha biển này mà lượng cung tàu trở nên quá nhiều so với lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, dẫn đến giá cước giảm thấp.

Giá cước giảm khiến lợi nhuận thấp, nên các yêu cầu về chất lượng thuyền viên, bảo dưỡng, bảo trì, nâng cấp ít được chú trọng, các tàu đã bắt đầu xuống cấp và tai nạn bắt đầu xảy ra. Hàng chục tàu bị chìm kể từ đầu năm đến giờ, làm chết nhiều thuyền viên. Xác mỗi con tàu chìm xuống biển trị giá hàng chục tỉ đồng và kéo theo nó là số lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỉ đồng nữa.

Về vận tải biển quốc tế, lâu nay nước ta phát triển đội tàu chở hàng rời là chủ yếu và đa số là tàu nhỏ. Sự suy giảm kinh tế thế giới thời gian qua khiến hoạt động kinh doanh vận tải biển quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiếu hàng để chở, thiếu kinh phí để nâng cấp, bảo dưỡng, thường gặp nhiều đối tác thiếu uy tín, nạn lừa đảo xảy ra liên tục... Vì vậy, đội tàu nói chung không thể phát triển tốt được và số lượng tàu chạy quốc tế ngày càng giảm dần.

Năm qua cũng là năm Việt Nam nhập khẩu một lượng than rất lớn, nhiều nhất là từ Indonesia. Một số doanh nghiệp sắm khá nhiều tàu chạy cho dự án này, song khi bắt đầu tổ chức khai thác kinh doanh thì gặp nhiều trắc trở. Các nhà nhập khẩu Việt Nam chọn lựa những đối tác chưa có nhiều uy tín để mua than nhằm giảm giá thành, bù cho giá trúng thầu vào các nhà máy tương đối thấp. Hậu quả là rất nhiều than lấy về không đủ chất lượng, hoặc các nhà xuất khẩu than bên Indonesia không đủ lượng hàng để xuất khẩu, dẫn đến việc tàu đến cảng xếp hàng phải chờ rất lâu (đã có tàu chờ gần một tháng mới lấy được hàng). Mà mỗi ngày chờ hàng, với các tàu lớn, chi phí tới khoảng 10.000 đô la Mỹ. Đây là mất mát lớn với chủ tàu vì khó lấy lại đủ được tiền phạt tàu từ người thuê tàu.

Trong bức tranh khá xám đó của ngành vận tải biển Việt Nam, cũng có các doanh nghiệp làm ăn khá tốt, như: Công ty cổ phần Gemadept lãi hơn 167 tỉ đồng, Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An lãi gần 40 tỉ đồng, Công ty cổ phần Vận tải và thuê tàu Vietfracht lãi hơn 35,6 tỉ đồng, Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu Vipco lãi gần 15 tỉ đồng, Công ty TNHH Vận tải Duyên Hải lãi 28 tỉ đồng, Công ty cổ phần SAFI lãi hơn 11 tỉ đồng, Công ty cổ phần MHC lãi gần 3,3 tỉ đồng, Công ty Giao nhận kho vận Ngoại thương TPHCM lãi khoảng 2,3 tỉ đồng...

Trong mặt sáng này của bức tranh vận tải biển, có thể dễ dàng nhận thấy là các doanh nghiệp có lãi đa số kinh doanh nhiều ngành nghề khác như cảng biển, giao nhận kho vận, cung ứng các dịch vụ, vận tải container nội địa, xăng dầu... Các doanh nghiệp thuần túy kinh doanh vận tải biển, nhất là mảng vận tải hàng rời, thì hầu hết đang lâm vào khó khăn, thua lỗ trầm trọng. Các doanh nghiệp có tàu vận tải hiện có lãi đa số là tàu loại pha sông biển (có chi phí thấp, lượng hàng đều, nhất là các loại hàng dầu, hàng container, nên đưa đến lợi nhuận).

Tuy có lãi, nhưng đội tàu pha sông biển cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro khi đã có nhiều tai nạn xảy ra mà nguyên nhân chính là do vấn đề nội tại của các loại tàu này. Kết cấu tàu chưa thực sự phù hợp với chạy ven biển, nhất là qua các vùng biển từ Quy Nhơn trở ra Bắc. Điều này đang là dấu hỏi lớn cho các cơ quan đăng kiểm. Ý thức của thuyền viên trong các đội tàu này chưa cao. Chất lượng thuyền viên cũng vậy (bởi tình trạng phát triển ồ ạt, không đủ thuyền viên nên họ đã đưa nhiều thuyền viên chưa đủ trình độ tham gia, công tác đào tạo thuyền viên chưa thực sự nghiêm túc). Sau mấy năm cho phép mở lại tuyến ven biển này, đây là thời điểm các tàu bắt đầu có những trục trặc và nhiều tàu bị tai nạn, chìm trong thời gian qua.

(*) Giám đốc ShipOffer Corp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới