(KTSG Online) - Nhiều lãnh đạo ở các công ty cho thuê máy bay dự báo, thế giới sẽ còn thiếu máy bay thương mại trong nhiều năm tới vì có thể đến cuối thập niên này, các vấn đề trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp hàng không mới được khắc phục đầy đủ.
- Hàng không toàn cầu chật vật vì thiếu máy bay trong mùa hè
- Các hãng hàng không xoay xở ra sao khi thiếu hụt máy bay?
Phát biểu tại hội nghị thường niên về tài chính hàng không toàn cầu Airline Economics ở Dublin (Ireland) hôm 13-1, Steven Udvar-Házy, Chủ tịch điều hành hãng cho thuê máy bay Air Lease (Mỹ) cho biết, cả Airbus lẫn Boeing đều không đạt bất kỳ mục tiêu sản lượng nào vào năm ngoái. Việc trì hoãn giao máy bay của của hai nhà sản xuất máy bay thương mại lớn nhất thế giới này đã gây tác động lan tỏa đến phần còn lại của chuỗi cung ứng hàng không.
Peter Barrett, CEO của hãng cho thuê máy bay lớn thứ hai thế giới SMBC Aviation Capital (Nhật Bản), nhận xét chuỗi cung ứng ngành công nghiệp vẫn không thể đoán trước trong nhiều năm tới. “Tôi không nghĩ rằng các vấn đề của chuỗi cung ứng hàng không sắp được khắc phục” ông nói dù lưu ý rằng tình hình sản xuất của Airbus đã tốt hơn.
James Meyler, CEO của Orix Aviation, hãng cho thuê máy bay có trụ sở ở Dublin, lưu ý đại dịch Covid-19 đã khiến ngành công nghiệp hàng không trì hoãn sản xuất 4.000 máy bay đã được lên kế hoạch.
"Tôi nghĩ trên thực tế, chúng ta sẽ chứng kiến tác động của việc thiếu 4.000 máy bay này cho đến đầu những năm của thập niên 2030”, ông nói.
Các hãng cho thuê máy bay, sở hữu và quản lý hơn 50 % đội máy bay thương mại của thế giới. Các hãng này đang được hưởng lợi từ việc tăng giá thuê khi các hãng hàng không chật vật tìm kiếm máy bay mới để đáp ứng nhu cầu phục hồi của hành khách đi lại bằng đường hàng không.
Tuy nhiên, sự hồi sinh mạnh mẽ của ngành du lịch hàng không sau đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm những thách thức đối với Airbus và Boeing khi họ nỗ lực mở rộng sản lượng bất chấp tình trạng căng thẳng của chuỗi cung ứng, sự chậm trễ trong việc giao động cơ và tình trạng thiếu hụt lao động.
Denis Hogan, CEO hãng tư vấn Alton Aviation Consultancy dự đoán phải đến cuối thập niên này, các vấn đề về chuỗi cung ứng mới được giải quyết. Giá thuê máy bay mới tăng từ 10-20% so với mức năm 2019 và thậm chí còn tăng cao hơn đối với máy bay cũ. Trong thời gian tới, giá thuê sẽ còn tăng nữa.
“Tôi không nghĩ chúng ta đã đạt đến điểm tới hạn vì nhu cầu vẫn đang tăng và nguồn cung vẫn còn hạn chế”, ông nói.
Giới lãnh đạo ở các hãng hàng không cũng bày tỏ sự thất vọng trước những hạn chế về nguồn cung của ngành, đặc biệt là các vấn đề kỹ thuật liên quan đến động cơ đã buộc một số hãng phải ngừng khai thác nhiều máy bay.
Theo József Váradi, CEO của hãng bay Wizz Air, các vấn đề động cơ của hãng Pratt & Whitney của có thể kéo dài 4-5 năm.
Udvar-Házy của Air Lease cho biết, một trong những sai lầm lớn về phán đoán mà Airbus, Boeing và các nhà sản xuất động cơ mắc phải sau đại dịch Covid-19 là bắt đầu tăng tốc độ sản xuất trước khi bắt đầu ổn định năng lực sản xuất.
Airbus đặt mục tiêu sản xuất 75 chiếc máy bay thân hẹp bán chạy nhất của dòng A320, chủ yếu được sử dụng cho chuyến bay chặng ngắn, mỗi tháng vào năm 2027. Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới không đạt được mục tiêu giao khoảng 770 máy bay trrong năm 2024. Tuần trước, Airbus xác nhận đã bàn giao 766 máy bay cho các hãng hàng không và khách hàng cho thuê.
Airbus cho biết, công ty đang đối mặt với một số vấn đề dai dẳng và cụ thể về chuỗi cung ứng và tiết lộ thêm rằng, đang làm việc với các nhà cung cấp để giảm thiểu tác động của tình hình hiện tại đối với khách hàng.
Boeing đang dần phục hồi sau hậu quả của vụ rơi tấm bịt cửa máy bay giữa không trung của một những chiếc máy bay 737 Max của hãng vào tháng 1 năm ngoái. Nhà sản xuất này đang cố gắng tăng dần sản lượng 737 Max lên 38 chiếc mỗi tháng, mức trần mà các cơ quan quản lý đặt ra sau sự cố trên.
Giới lãnh đạo hàng không cũng thận trọng về thuế thương mại mới dưới thời của Tổng thống sắp nhậm chức Donald Trump, có thể gây tổn hại đến chuỗi cung ứng liên kết chặt chẽ của các ngành công nghiệp nói chung.
“Mối lo ngại lớn là tác động từ cuộc chiến thương mại mà ông ấy có thể phát động giữa lúc chúng tôi vận chưa giải quyết được hững vấn đề lớn trong chuỗi cung ứng hàng không”, Denis Hogan của Alton Aviation Consultancy nói.
Andy Cronin, CEO hãng cho thuệ máy bay lớn thứ hai thế giới Avolon, cho biết bất kỳ tác động nào đến chuỗi cung ứng cũng sẽ gây thêm khó khăn vào thời điểm các nhà máy sản xuất máy bay đang vật lộn để đáp ứng nhu cầu.
Avolon, một khách hàng lớn của cả Boeing và Airbus, dự đoán hai nhà sản xuất máy bay này sẽ tiếp tục đối mặt với hạn chế về năng lực trong ít nhất một thập niên. Trong khi đó, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự đoán, lượng hành khách đi máy bay sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2025, với doanh thu dự kiến đạt hơn 1 nghìn tỉ đô la Mỹ.
Theo Financial Times, Reuters