(KTSG) - Khi cơn gió Tết bắt đầu thổi quanh phố phường, là biết lòng mình náo nức thanh âm vấn vương tháng Chạp.
- TPHCM: Sức mua hoa tết giảm, đào Nhật Tân được săn đón
- Chi hàng triệu đồng để thuê ‘khách sạn’ cho thú cưng dịp Tết
Đó là những ngày tíu tít bận rộn, tôi cũng dành thời gian đi qua chợ Bà Hoa ở đường Trần Mai Ninh (quận Tân Bình, TPHCM) để mua vài thứ về tự làm vài mâm bánh in đón Tết. Chợ nhộn nhịp, nhưng chỉ đến vài quán hàng quen mua đường bánh, bột nếp. Loại đường bánh màu vàng sẫm được làm thủ công đưa từ miền Trung vô, nay hiếm thấy ở nơi nào khác. Còn bột nếp xay mịn thì có thể mua bất cứ đâu, song bởi bà bán hàng nói “nếp này ở ngoài quê, không phải nếp miền nào khác”, vậy là ưng.
Đem mấy thứ về, rửa sẵn cái khuôn bánh phơi cho ráo. Bột đổ ra mâm. Lấy dao sắc cạo đường cho mịn rớt xuống mâm. Một ki lô gam bột khoảng ba chén đường, cạo nhanh khoảng hơn một tiếng là xong. Một nồi nhỏ nước gừng nấu sẵn trên bếp. Nhào cả ba thứ: bột, đường và chút nước gừng thật nhuyễn. Xong bỏ bột vào khuôn nhựa, có đục sẵn hình hoa mai hoa hồng, hoặc chữ phúc chữ hỷ… Lèn, miết thật mạnh lên khuôn, rồi lấy dao gạt phần bột thừa xung quanh, lộ ra đáy những chiếc bánh phẳng lì. Công đoạn thích nhất là úp ngược khuôn, gõ nhẹ. Từng chiếc bánh rớt xuống với đủ hình thù sắc nét, nhìn rất vui.
Rồi đem ra phơi sương phơi gió cho đến lúc bánh khô, gói vào giấy bóng kiếng đủ màu sắp lên để đó. Còn mấy chiếc bánh lớn hơn, thì để riêng mai mốt cúng Tất niên, đặt vào đĩa sắp lên bàn thờ. Vậy là có một chút hương vị của ngày xưa. Chợt liên tưởng đến thuở ấu thơ ngồi xem ba đúc bánh in, lâu lâu ba lại cho “dọn dẹp” vệ sinh chiếc khuôn nặng trịch làm bằng gỗ mít hoặc cho vài chiếc bánh vỡ, mừng không kể xiết!
Từ ngày đến ngụ ở Sài Gòn, hầu như Tết năm nào nhà tôi cũng gói một nồi bánh tét. Về chợ Xóm Mới trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TPHCM) chọn mua nếp, đậu, lá chuối, lạt và than tổ ong. Nếp cái hoa vàng đem về ngâm một đêm, lá chuối lau sạch cắt vừa to vừa nhỏ rồi đem ra phơi nửa buổi. Đậu xanh ngâm kỹ, thịt heo cắt theo dong bằng ngón tay cái đoạn dài. Tầm 8 giờ sáng, soạn ra cả nhà người gói, người buộc lạt, vừa nói đủ chuyện năm cũ. Khoảng thời gian trôi qua gần một ngày gói nồi bánh, là lúc ai cũng có thể tỏ bày bao chuyện. Gói buộc xong khoảng hơn 10 ki lô gam nếp, chưa kể các nguyên liệu khác, là bắt đầu nhóm bếp.
Bây giờ ở phố, chỉ nấu bằng than tổ ong, thay than 6-7 lượt, cháy khoảng từ 14-16 tiếng đồng hồ là bánh chín tới, không giống ngày xưa ở quê thường hay nấu bằng gốc sim, cháy đượm nhưng ít nhất cũng phải qua một đêm dài. Mùa đông, gió bấc thổi vi vút, ngồi bên bếp than hồng che chắn tứ bề nghe nồi bánh sôi sùng sục. Vừa canh bánh vừa hẹn nhau năm mới đi xóm đi làng nào chơi.
Nhưng hầu như cận Tết năm nào cũng hỏi nhau nhà đứa nào có cái bàn ủi con gà bằng đồng, nhớ đem sang chuyền tay nhau cho mượn. Than gốc sim hồng rực và nóng đượm, gắp bỏ bàn ủi để là chiếc áo mới mai mốt đi chơi Tết. Kỷ niệm ấy, không dễ gì quên được!
Những vấn vương tháng Chạp ấy, mỗi vùng đều có mỗi thứ, mỗi kiểu tíu tít bận rộn làm ra để mà ăn Tết, chơi Tết. Có thể khác nhau về món thứ, nhưng hương vị của thời gian cận Tết thì có lẽ giống nhau. Đôi khi tôi lẩn thẩn nghĩ đó là hương Tết. Bởi thế, bây giờ ở phố phường đông đúc, nhưng lúc lạc bước vào các gian hàng ở các ngôi chợ truyền thống, nhìn sản vật tứ xứ đưa về bán Tết, lòng ai cũng sẽ thấy có một chút nôn nao ký ức.
Ấy là chút ký ức Tết đọng lại, dù thời gian cứ trôi!