(KTSG Online) - Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng trên toàn cầu đã bị rút ròng 9 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái trong một đợt tháo chạy có thể báo trước sự sụt giảm đáng kể “khẩu vị” của nhà đầu tư đối với kim loại quý này trong năm 2022.
Đây là đợt rút ròng hàng năm lớn nhất từ các quỹ ETF vàng kể từ năm 2013. Giờ đây, giới phân tích cảnh báo thị trường vàng sẽ đối mặt với những khó khăn lớn hơn trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất trong thời gian tới để đối phó với áp lực lạm phát và đồng đô la mạnh hơn dự kiến.
Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại Công ty quản lý tài sản UBS Global, cho biết: “Nhiều động lực có xu hướng tích cực đối với đồng bạc xanh gồm chính phủ Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ và giảm kích thích tài khóa, lãi suất thực tăng. Điều này gây tác động tiêu cực đối với thị trường vàng”. Các nhà phân tích của UBS Global dự đoán giá vàng sẽ giảm xuống 1.650 đô la/ounce vào cuối năm nay.
Tài sản trị giá 209 tỉ đô la đang được giữ trong các quỹ ETF được hỗ trợ bởi vàng vật chất. Các quỹ này được xem là thước đo quan trọng về khẩu vị của giới đầu tư đối với vàng.
Ngân hàng đầu tư JPMorgan cho biết việc các ngân hàng trung ương rút dần các chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng trong năm nay sẽ khiến vàng chuyển sang xu hướng giảm ngay lập tức và sẽ dần đi xuống mức trung bình 1.520 đô la/ounce trong quý cuối năm của năm 2022.
Vàng đạt mức cao nhất trong lịch sử là 2.067 đô la/ounce hồi tháng 8-2020 nhưng thiếu động lực bứt phá trên nền giá 2.000 đô la. Kết thúc năm 2021, giá vàng chốt ở mức 1.806 đô la/ounce, giảm 12,6% so với mức đỉnh.
Mối quan tâm của giới đầu tư giảm sút là lực cản chính đối với giá vàng. Trong khi đó, nhu cầu vàng trang sức, vàng thỏi và vàng xu cũng như nhu cầu vàng sử dụng trong công nghiệp và sức mua của các ngân hàng trung ương đều tăng trong năm ngoái. Làn sóng ồ ạt bán ra của các nhà đầu tư đã dẫn đến dòng chảy ròng 173 tấn vàng trị giá 9,1 tỉ đô la từ các quỹ ETF vàng trong năm 2021, theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC).
Ed Morse, Giám đốc bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Ngân hàng Citi, dự báo vàng sẽ chịu “áp lực bán nhiều hơn”, dẫn đến việc rút thêm 300 tấn vàng từ các quỹ ETF vàng trong năm nay và thêm 100 tấn nữa vào năm 2023. Ngân hàng Citi dự báo giá vàng sẽ giảm xuống mức trung bình 1.685 đô la/ounce trong năm nay trước khi suy yếu hơn nữa, xuống mức trung bình 1.500 đô la vào năm 2023.
Có những lập luận cho rằng mức thâm hụt khổng lồ cũng như nợ công và tư nhân tăng mạnh ở Mỹ sẽ hỗ trợ giá vàng. Nhưng các nhà phân tích của Citi nhận định chỉ có xác suất 30% cho một đợt tăng giá mới đẩy giá vàng lên đỉnh mới trên mức 2.000 đô la/ounce trong năm nay.
Hầu hết áp lực bán vàng trong năm ngoái là ở Mỹ, nơi các quỹ ETF vàng đã chứng kiến mức rút ròng 201,3 tấn, trị giá 10,8 tỉ đô la. Các quỹ ETF vàng ở Anh cũng bị rút ròng 28,5 tấn vàng, trị giá 1,5 tỉ đô la vào năm 2021. Tại các thị trường châu Á kém trưởng thành hơn, giá vàng giảm đã thúc đẩy dòng vốn rót ra khỏi các quỹ ETF vàng ở Trung Quốc, tương đương 14,8 tấn, trị giá 786,5 triệu đô la.
Các quỹ ETF vàng niêm yết tại Ấn Độ cũng chứng kiến nhu cầu tăng lên khi các nhà đầu tư chi 595,3 triệu đô la để mua thêm 9,3 tấn vàng.
Công ty dịch vụ tài chính State Street, nơi quản lý quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, kỳ vọng vàng sẽ nối lại xu hướng tăng trưởng dài hạn trong năm nay, nhờ nhu cầu về đồ trang sức, công nghiệp và công nghệ tăng lên ở Trung Quốc và Ấn Độ.
James Steel, chuyên gia phân tích kim loại quý kỳ cựu của Ngân hàng HSBC, cho biết bất kỳ sự leo thang căng thẳng địa chính trị nào giữa Mỹ và Trung Quốc hoặc xung đột bạo lực gia tăng ở Ukraine hoặc Kazakhstan cũng có thể kích hoạt nhu cầu mua vàng để trú ẩn tài sản. Steel cho biết: “Kazakhstan là nước sản xuất dầu lớn và giá dầu cao hơn là yếu tố hỗ trợ cho vàng”.
Theo Financial Times