Vắng dần tiếng hô lô tô ngày Tết
Thái Ngọc
Ông Huỳnh Quang Đáng, có kinh nghiệp rao lô tô trên 40 năm. Ảnh: Thái Ngọc |
(TBKTSG Online) - Lô tô, bài chòi... những trò chơi dân gian ngày Tết cổ truyền, đồng thời là sinh hoạt văn hóa dân gian của các vùng nông thôn Việt Nam, đang dần dần biến mất trong công cuộc hiện đại hóa, toàn cầu hóa.
“Hai bên cô bác, lẳng lặng mà nghe, tôi rao con cờ ra, cờ ra con mấy, con mấy gì đây, em nhẹ tay quay, cờ ra mà anh bắt, hai bên cô bác, lẳng lặng mà nghe con gì đây”.
Tiếng hô lô tô ngày xưa cứ văng vẳng trong tôi. Khi còn nhỏ cứ trông đến tết để được nghe hô bài chòi, lô tô với những bài ca mộc mạc, lên bổng xuống trầm… nhưng giờ đây cơ hội được nghe tiếng hô đó ngày cứ ít dần.
Ông Huỳnh Quang Đáng, có hơn 40 năm hô lô tô tại xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho biết, khoảng 30 năm trở về trước, mỗi ngày Tết quê ông thường xổ (mở) 40 – 50 chục suất lô tô, nhưng giờ đây tổ chức chơi giỏi lắm cũng vài ba suất. Ngày trước lô tô xổ từ sáng đến tối, nhưng bây giờ chơi được chút buổi tối.
Vì sao vậy? Ông Đáng cho biết, có thể trước đây phương tiện đi lại chủ yếu xe đạp, hoặc đi bộ, khách đã đến nơi chơi xuân có khi chơi cả buổi đến hết ngày, từ lô tô qua bài chòi, hoặc ra hàng bầu cua tôm cá… Nay thì xe máy đã được phổ cập, nhà ít cũng có được một chiếc xe máy, thời gian cho bài chòi, lô tô dường như ít hơn, những trò trước đây cứ trông tết đến để được chơi không còn hấp dẫn bởi các chương trình tên ti vi, máy tính, điện thoại thông minh…
Khách chơi chỉ tạt vào mua tấm vé ủng hộ tinh thần, mua mà không cần xổ, càng ít người chờ phía trước để đến giờ xổ như xưa.
Tôi mua tờ vé lô tô không phải để mong mình được trúng giải thưởng, mà chỉ muốn được nghe các câu rao (câu thai) được đặt tinh tế, lời đậm chất văn học như những bài thơ bốn chữ, sáu chữ, lục bát.
Câu thai có khi như tự khen về tiếng rao của mình “Thương chàng chi lắm chàng ơi, nhớ miệng chàng nói nhớ lời chàng rao, nhớ chàng như nhớ lạng vàng khát khao vì nết, mơ màng vì duyên, nhớ chàng như bút nhớ nghiên, như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông, nhớ chàng như vợ nhớ chồng, như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây”.
Hoặc câu thai khái quát về một vị anh hùng dân tộc, một sự kiện lẫy lừng trong sử sách, có nội dung giáo dục truyền thống cho lớp trẻ: “Ông Đinh Bộ Lĩnh, thưở nhỏ thiếu thời, bày trận ham chơi, đến khi khôn lớn, gan dạ vô vùng, chiêu mộ anh hùng, đánh Nam dẹp Bắc, nước nhà yên giặc, ông lại xưng vương, lấy hiệu Tiên Hoàng, ở động Hoa Lư”.
Có khi câu thai đó là sự am hiểu về kiến thức địa lý, “Yến sào Hòn Nội, vịt lội Ninh Hòa, tôm hùm Bình Ba, nai khô Diên Khánh, cá tràu Võ Cạnh, sò huyết Thủy Triều, đời em cay đắng đã nhiều, bao nhiêu ngọt sớm ngon chiều cùng ai”.
Câu thai còn là chuyện thời sự của địa phương, “Ai về hợp một Tam Thành, nhìn trên đồng ruộng lúa xanh Quảng Bình, chủ nhiệm hợp một tài tình, mở mang mành trúc tốt người mặc may”.
Ông Đáng cho biết, các câu thai là do ông tự đặt ra. Trước đây cả xã có ba người rao được lô tô, nhưng giờ đây chỉ còn ông gắn bó với việc rao lô tô mỗi khi xuân về.
Mấy năm gần đây một số nơi trong xã, trong huyện với các phong trào thôn văn hóa, xã nông thôn mới đã cố gắng tổ chức xổ lô tô, nhưng câu thai, cách gọi số chẳng khác nào mấy đoàn bê đê, hội chợ có thể gặp bất cứ vùng nào ở Việt Nam nghe cứ cụt lủn, hoặc dùng tân nhạc một cách gượng ép.
Mời xem thêm