Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vàng đang tăng giá giữa một thế giới bất ổn

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Vàng là một trong số ít chủ đề gây tranh cãi trong cộng đồng đầu tư. Một số người cho rằng, đây là tài sản nắm giữ cần thiết để phòng thủ lạm phát. Những người khác lại coi vàng chỉ là tài sản mang lại lợi nhuận thấp, kém hơn cổ phiếu xét trong dài hạn.

Giá vàng gần đây liên tiếp tăng leo các mức cao kỷ lục nhưng không phải vì nỗi lo lạm phát. Thực tế cho thấy, thị trường vàng tỏa sáng giữa lúc xung đột Nga-Ukraine kéo dài dai dẳng, căng thẳng Mỹ-Trung dâng cao và Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử tổng thống mà kết quả có thể dẫn đến những tác động khó lường đối với các thị trường tài chính.

Từ năm 1970 đến năm 2023, vàng tăng giá với tốc độ gộp hàng năm 7,5% nhưng trong cùng giai đoạn, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán đạt đạt lợi nhuận gộp hàng năm là 10,6%. Ảnh: Market Watch

Hiệu suất tăng giá của vàng kém hơn cổ phiếu

Tỉ phú Warren Buffett, người nổi tiếng với phong cách đầu tư giá trị, cho rằng mua cổ phiếu của các công ty phát triển tốt hơn là mua vàng. “Bạn có thể vuốt ve một thỏi vàng nhưng nó sẽ không phản hồi. Nếu nắm giữ một ounce vàng thì đến cuối đời, bạn cũng chỉ sở hữu một ounce vàng mà thôi”, ông viết trong một lá thư gửi cho cổ đông của tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway vào năm 2011, với hàm ý vàng không mang lại lợi tức hấp dẫn.

Cuộc tranh cãi về các lý do để đầu tư vàng được nhen nhóm lại khi vàng đạt các mức cao kỷ lục trên 2.100 đô la/ounce trong tháng này. Các nhà phân tích chỉ ra một loạt lý do từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sắp giảm lãi suất cho đến nhu cầu mạnh mẽ của khu vực ngân hàng trung ương.

Lịch sử dài hạn của vàng cũng chứng minh được lập luận nào đúng hoàn toàn. Vàng có hiệu suất tăng giá kém so với cổ phiếu trong hầu hết các khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, vàng cũng trải qua những chu kỳ tăng giá mạnh mẽ, cho thấy kim loại quí này có thể hoạt động như một công cụ phòng thủ rủi ro hiệu quả. Tuy nhiên, chưa có câu trả lời chính xác cho câu hỏi vàng phòng ngừa những rủi ro nào?

Lịch sử cho thấy vàng không chỉ giúp phòng thủ lạm phát. Lịch sử hiện đại của vàng với tư cách là một loại tài sản có thể đầu tư về cơ bản bắt đầu vào năm 1971 khi Mỹ chính thức chấm dứt neo giá vàng với đồng đô la ở mức cố định 35 đô la/ounce. Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), trong suốt thập năm 1970, giá vàng tính bằng đồng đô la đã tăng giá hơn 10 lần. Tốc độ tăng giá đó đánh bại tốc độ giá tiêu dùng, vốn đã tăng gần gấp đôi trong thập niên đó. Vàng cũng tăng trưởng vượt trội so với cổ phiếu trong cùng thời kỳ khi chỉ số S&P 500 đạt tổng lợi nhuận 78%, bao gồm cả cổ tức.

Tuy nhiên vàng đã mất hơn 20% giá trị trong thập niên 1980 và 1990. Điều này diễn ra cùng thời điểm thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến hai chu kỳ tăng giá mạnh mẽ. Diễn biến này gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của vàng.

Tiếp đến, vào thập niên đầu tiên của thế kỷ này, lại có một sự đảo ngược khác. Chỉ số S&P 500 tổn thương do bong bóng dot-com (cổ phiếu của các công ty internet bị bán tháo), sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Chỉ số này mất 9% giá trị trong thập niên đó trong khi vàng tăng giá đến 275%.

Nhìn rộng hơn, từ năm 1970 đến năm 2023, vàng tăng giá với tốc độ gộp hàng năm cao đáng kinh ngạc là 7,5% dù phần lớn mức tăng diễn ra vào thập niên năm 1970. Kể từ sau thập niên này, tốc độ tăng giá của vàng chỉ ngang với mức tăng lạm phát. Trong cùng giai đoạn, chỉ số S&P 500 đạt lợi nhuận gộp hàng năm là 10,6% hoặc 11,7% nếu tính từ năm 1980.

Cổ phiếu cung cấp một mức độ phòng lạm phát vì các công ty sẽ tăng doanh thu cùng với đà tăng của giá cả, cho phép tăng lợi nhuận và cổ tức tương xứng. Trên hết, cổ phiếu được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của nền kinh tế thực, được hỗ trợ bởi tiến bộ công nghệ và các động lực khác.

Các ngân hàng trung ương mua vàng mạnh mẽ trong những năm gần đây để phòng ngừa các rủi ro liên quan đến bất ổn địa chính trị. Ảnh: Reuters

Vàng tăng giá mạnh trong thời kỳ thế giới bất ổn

Tuy nhiên, hiệu suất vượt trội của vàng trong thập niên 1970 và 2000 không phải là sự ngẫu nhiên. Đặc biệt, đà tăng giá của vàng trong thập niên đầu tiên của thế kỷ này đáng được xem xét kỹ hơn.

Những lo ngại về chính sách tiền tệ quá lỏng lẻo ở Mỹ đóng một vai trò lớn cho sự trỗi dậy của thị trường vàng. Trong thập niên đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất xuống 1% sau bong bóng dot-com. Tiếp đó, Fed hạ lãi suất về 0% và tung ra chương trình nới lỏng định lượng khổng lồ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Thực tế, lạm phát vẫn được kiểm soát trong giai đoạn này với chỉ số giá tiêu dùng của tăng với tốc độ gộp hàng năm chỉ 2,6%. Đó là tốc độ tăng chậm hơn so với bất kỳ giai đoạn nào trong ba thập niên trước đó.

Điều này chỉ ra rằng, nỗi lo lạm phát đã thúc đẩy giá vàng, ngay cả khi lạm phát cao không diễn ra nhưưng có lẽ vàng tăng giá vì nỗi lo về các bất ổn nói chung. Bên cạnh việc hệ thống ngân hàng của Mỹ gần như sụp đổ do khủng hoảng nhà đất thì đây còn là thập niên có những bất ổn địa chính trị như chiến tranh, khủng bố và sự phân cực chính trị gia tăng.

James Grant, biên tập viên của tạp chí Interest Rate Observer, lưu ý vàng thực sự đạt đỉnh gần 1.900 đô la/ounce vào tháng 9-2011, sau khi Standard & Poor's hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ do hai đảng Cộng hóa và Dân chủ giằng có đến phút chót để đạt được thỏa thuận trần nợ công, giúp Mỹ tránh vỡ nợ.

Động thái hạ bậc tín dụng không phải là một sự kiện lạm phát nhưng gây tổn hại đến sự an toàn của trái phiếu chính phủ Mỹ, được xem là kho lưu trữ giá trị quan trọng nhất trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Điều này làm nổi bật một khía cạnh khác ít được đánh giá cao về sức hấp dẫn của vàng. Như Grant nói, “ưu điểm hàng đầu của vàng là vật chất này không là nghĩa vụ tài chính của ai cả. Vàng không có hộ chiếu quốc gia và không lệ thuộc đảng phải chính trị nào cả”.

Khi niềm tin vào xã hội và các thể chế chính trị bị xói mòn, sức hấp dẫn của vàng và các mặt hàng quí giá khác như kim cương sẽ tăng lên. Chúng được xem là những phương tiện lưu trữ giá trị thay thế, không phụ thuộc vào các thỏa thuận xã hội.

Căng thẳng địa chính trị đang hỗ trợ thị trường vàng

Hiện tại, bối cảnh thế giới dường như đang hỗ trợ thị trường vàng. Chiến tranh ở Ukraine vẫn tiếp diễn, căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng và không thể loại trừ khả năng xảy ra xung đột về vấn đề Đài Loan trong tương lai gần.

Một trong những cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi nhất trong lịch sử Mỹ đang đến gần, với cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ đều lo ngại hậu quả thảm khốc bất thường nếu thua cuộc vì hai bên có những ưu tiên chính sách rất khác nhau. Cuộc tái đấu giữa Tổng thống Joe Biden và ông Donald Trump có khả năng làm gia tăng bất ổn địa chính trị và các thị trường tài chính.

Lời giải thích thông thường hơn cho đợt tăng giá gần đây của vàng là Fed dự kiến giảm lãi suất trong năm nay. Là một tài sản không có lợi suất, vàng có xu hướng tăng khi lãi suất của các tài sản thay thế giảm. Tuy nhiên, lãi suất hiện tại, bao gồm lãi suất thực đã được điều chỉnh theo lạm phát đang khá cao. Lãi suất sẽ vẫn còn cao ngay cả sau một vài đợt cắt giảm của Fed.

“Trong lịch sử, động lực chính cho giá vàng là lãi suất thực giảm nhưng mối quan hệ đó đã hoàn toàn bị phá vỡ vào hiện tại”, Giovanni Staunovo, nhà chiến lược hàng hóa của UBS Global Wealth Management nói.

Trong một báo cáo gần đây, các nhà quản lý tài sản của UBS cho rằng, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới mua vàng ngày càng tăng. Lực mua từ khu vực này tăng mức cao nhất kể từ thập niên 1960 với hơn 1.000 tấn vàng mỗi năm trong 2 năm qua.

Động thái mua vàng của những ngân hàng này được xem là chiến lược giảm rủi ro của việc phụ thuộc vào đồng đô la như một loại tiền tệ dự trữ hàng đầu. Lực mua vàng của các nước như Trung Quốc đặc biệt mạnh mẽ. Thị trường xem đây là biện pháp phòng ngừa các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong tương lai khi các nước dự báo thế giới sẽ chứng kiến nhiều bất ổn địa chính trị hơn.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới