(KTSG Online) – Thị trường vàng đang trải qua giai đoạn khó khăn với giá giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 3 trong tuần này. Với vai trò là nơi trú ẩn an toàn, vàng đối mặt sự cạnh tranh gay gắt của đô la Mỹ và trái phiếu chính phủ Mỹ vốn đang có lợi suất tăng vọt.
- Cơn khát vàng chưa chấm dứt khi Trung Quốc liên tục mua dự trữ
- Giá vàng được kỳ vọng xác lập mức cao kỷ lục trong năm 2024
Chốt phiên giao dịch 5-10, giá vàng tương lai trên sàn Comex ở New York giảm về mức 1.831,8 đô la/ounce, thấp nhất kể từ tháng 3-2023. Giá kim loại quý này bước vào đà giảm trong những tháng qua và giảm nhanh hơn trong những tuần gần đây khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và giá đô la Mỹ tăng mạnh.
Tuần này, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm lần đầu tiên tăng lên 5% kể từ năm 2007. Đồng thời, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,8%, mức cao mới trong 16 năm.
Các nhà đầu tư có xu hướng thích trái phiếu chính phủ Mỹ hơn vàng khi lợi suất cao vì chúng cung cấp khoản thanh toán lãi coupon định kỳ. Giá trị của đô la Mỹ tăng cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài mua vàng với chi phí đắt đỏ hơn vì vàng được định giá bằng đồng bạc xanh.
Giá vàng tăng vọt lên sát mức cao kỷ lục vào đầu năm nay, khi cú sụp đổ của một số ngân hàng khu vực của Mỹ và tình hình lạm phát căng thẳng đến mức khiến nhà đầu tư phải tìm nơi ẩn náu khỏi tình trạng hỗn loạn trên thị trường. Các nhà đầu tư cũng đặt cược rằng một cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ khiến Cục Dự trữ liên bang (Fed) phải chuyển hướng khỏi chiến dịch tăng lãi suất, một động thái có thể thúc đẩy nhu cầu vàng.
Nhưng kể từ đó, lĩnh vực ngân hàng đã ổn định, thị trường lao động và nền kinh tế Mỹ vẫn kiên cường bất chấp chu kỳ tăng lãi suất lịch sử của Fed. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Fed sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn dự kiến trước đây.
Sau cuộc họp chính sách hồi tháng 9, Fed cho biết có thể sẽ tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay và giữ lãi suất ở mức cao cho đến năm 2024. Thông tin này lập tức đưa lợi suất trái phiếu chính phủ lên mức cao nhất trong hơn một thập niên và thúc đẩy sự phục hồi của đồng đô la.
Diễn biến này dội một gáo nước lạnh vào thị trường và cổ phiếu của các công ty khai thác kim loại quý này. Cổ phiếu của Barrick Gold, nhà khai thác vàng lớn thứ hai thế giới, giảm 11% trong ba tháng qua.
SPDR Gold Shares, quỹ hoán đổi danh mục vàng được bảo đảm bằng vàng vật chất lớn nhất trên thế giới, cũng ghi nhận giá chứng chỉ quỹ giảm 5% trong cùng kỳ
Lợi suất trái phiếu tăng mạnh tạo ra lực cản lớn đối với vàng, tài sản không có lãi suất. Tuy nhiên, thách thức này có thể chỉ là ngắn hạn vì lợi suất cao cũng gây rủi ro cho nền kinh tế Mỹ.
Các nhà phân tích lưu ý rằng đợt bán tháo trên thị trường trái phiếu hiện nay tương tự như những gì đã xảy ra vào năm 1987, ngay trước khi Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái ngắn hạn.
Theo Mike McGlone, nhà chiến lược thị trường cấp cao của Bloomberg Intelligence, dù lợi suất trái phiếu có động lực tăng cao hơn nhưng ông tin rằng đây là chặng cuối của đà tăng.
Ông nói: “Tôi cảm thấy mọi thứ trong quí 4- 2023 giống như những gì đã xảy ra vào năm 1987, với cú sụt giảm giá trái phiếu (khiến lợi suất tăng) xảy ra trước khi thị trường chứng khoán sụp đổ và năm 2008, khi giá dầu thô đạt đỉnh. Năm 2008, giá vàng đã giảm từ khoảng 1.000 đô la xuống còn 700 đô la/ounce, trước khi bắt đầu bật dậy và tăng lên mức cao nhất năm 2011 khoảng 1.900 đô la/ounce.
Matt Dmytryszyn, Giám đốc đầu tư của Telemus, dự đoán giá vàng sẽ giao dịch trong khoảng từ 1.700-1.900 đô la trong 6 tháng tới.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng, ngay cả khi thị trường trái phiếu bị bán tháo, giá vàng vẫn tương đối lành mạnh, thay vì giảm xuống dưới mức 1.800 đô la/ounce nếu căn cứ vào các mô hình lịch sử.
James Robertson, nhà phân tích của Grant's Interest Rate Observer, lưu ý nhu cầu của các ngân hàng trung ương là một lý do quan trọng khiến mối tương quan nghịch đảo giữa vàng với lãi suất trái phiếu bị phá vỡ.
Ông nói: “Mối tương quan yếu của vàng với lợi suất thực tế có thể là dấu hiệu ban đầu cho thấy sức hấp dẫn quốc tế của đồng đô la Mỹ bị suy giảm. Mua vàng là cách duy nhất có thể giúp các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi thoát khỏi tình trạng hỗn loạn tiền tệ do đồng đô la Mỹ gây ra”.
Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương mua ròng 77 tấn vàng trong tháng 8, tăng 38% so với lượng mua vào tháng 7. Họ đã mua ròng tổng cộng 219 tấn vàng trong ba tháng qua.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) là ngân hàng trung ương mua vàng lớn nhất trong tháng 8, bổ sung thêm 28,9 tấn, đánh dấu tháng mua ròng thứ 10 liên tiếp.
Theo CNN, Kitco News