(KTSG Online) - Giá lithium carbonate, vật liệu quan trọng của pin xe điện, đã đạt mức cao kỷ lục mới, 500.500 nhân dân tệ (71.315 đô la)/tấn tại Trung Quốc hôm 16-9, theo dữ liệu của Asian Metal.
- Chi phí pin xe điện đắt hơn khi nhu cầu lithium vượt nguồn cung
- Trung Quốc ráo riết thâu tóm nguồn cung lithium trong bối cảnh bùng nổ xe điện
Giá lithium carbonate tăng hơn gấp ba lần trong năm qua, đang gia tăng áp lực chi phí sản xuất pin xe điện. Đà tăng giá của lithium carbonate gần đây là do nhu cầu mạnh mẽ và sự gián đoạn của một trung tâm sản xuất vật liệu này ở Trung Quốc, nhà chế biến quặng lithium lớn nhất thế giới.
Sự ủng hộ của người tiêu dùng đối với các phương tiện sử dụng năng lượng mới đang tăng lên trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc (PCA) đã nâng dự báo doanh số bán xe điện trong nước lên mức kỷ lục 6 triệu chiếc trong năm nay, gấp đôi tổng số xe điện tiêu thụ vào năm 2021. Trong khi đó, mức sử dụng pin tại quốc gia này cũng dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi, theo Bloomberg Intelligence.
Cuộc khủng hoảng thiếu điện do hạn hán trong tháng 8 ở tỉnh Tứ Xuyên, nơi sản xuất hơn 1/5 sản lượng lithium của Trung Quốc, đã buộc giới chức trách cắt điện cung cấp cho các nhà máy trong hai tuần cắt điện, cản trở nguồn cung trên một thị trường vốn đã bị siết chặt.
Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường năng lượng Rystad Energy, hoạt động sản xuất và bán xe điện ở Trung Quốc đã ổn định trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, báo cáo bày tỏ lo ngại cuộc khủng hoảng điện của Trung Quốc có thể quay trở lại vào mùa đông này khi nhu cầu sưởi ấm tăng lên. “Điều này có thể dẫn đến tình
trạng thiếu điện mới và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lithium”, báo cáo cho biết và dự báo giá lithium sẽ ổn định quanh mức hiện tại cho đến cuối năm.
Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT), giới chức trách đã tổ chức một cuộc họp để xem xét các diễn biến trên thị trường lithium vào hôm 15-9 và yêu cầu các công ty sản xuất lithium hàng đầu giúp ổn định giá cả. Giới chức trách khuyến cáo các nhà sản xuất lithium không nên thông đồng về giá cả và không báo giá
chênh lệch nhiều so với chi phí sản xuất. MIIT cho biết chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp để khuyến khích thăm dò quặng lithium, duy trì nhập khẩu lithium ổn định và thúc đẩy tái chế lithium.
Hôm 15-9, Sociedad Quimica & Minera de Chile (SQM), nhà sản xuất lithium lớn thứ 2 thế giới ở Chile, dự báo thị trường lithium sẽ rất khó khăn trong những năm tới. Trong bài thuyết trình trước các nhà đầu tư ở New York, SQM nhận định giá lithium trong quí 4 sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay.
Nhu cầu kim loại sản xuất pin bùng nổ khi việc sử dụng pin được mở rộng từ thiết bị điện tử tiêu dùng sang xe điện. Trong khi đó, nguồn cung đang phải vật lộn để bắt kịp nhu cầu do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng hậu liên quan đến Covid-19 và tình trạng thiếu đầu tư từ những năm trước.
Các nhà sản xuất pin và ngành công nghiệp ô tô đang chạy đua tìm kiếm nguồn cung cấp lithium ổn định và đáng tin cậy. Tuy nhiên, đà tăng giá quá nhanh của giá kim loại này thể gây ra lo ngại lạm phát và giá tăng áp lực chi phí lên chuỗi cung ứng xe điện.
Hôm 15-9, Công ty điện tử tiêu dùng Xinyu Ganfeng Electronics, đơn vị thành viên của nhà sản xuất lithium hàng đầu Trung Quốc, Ganfeng Lithium, thông báo với khách hàng rằng giá cho các đơn đặt hàng mới sẽ được điều chỉnh trong bối cảnh chi phí tăng đáng kể đối với các vật liệu của pin bao gồm lithium carbonate, cobalt oxide và than
chì. Xinyu Ganfeng Electronics cung cấp pin lithium polymer cỡ nhỏ cho các thiết bị đeo thông minh và pin cho tai nghe Bluetooth của các công ty như Xiaomi.
Hôm 16-9, Reuters dẫn các nguồn tin cho biết công ty khai khoáng và kinh doanh hàng hóa Glencore (Thụy Sĩ), đang tìm cách bổ sung lithium vào nhóm kim loại mà họ kinh doanh vì vật liệu thô đang có nhu cầu cao khi hoạt động sản xuất xe điện tăng tốc. Glencore không sở hữu bất kỳ mỏ lithium nào nhưng đang sản xuất đồng, nickel và cobalt cùng các nguyên vật liệu thô khác mà công ty này gọi là “hàng hóa của tương lai” vì chúng cần thiết để sản xuất xe điện, pin và hạ tầng tái tạo năng lượng tái tạo, hỗ trợ cuộc chuyển đổi xanh của toàn cầu.
Tuy nhiên, Glencore đang thúc đẩy tái chế pin lithium-ion và đã đầu tư 200 triệu đô la vào Li-Cycle (Canada), công ty tái chế pin lithium-ion hàng đầu ở Bắc Mỹ, đồng thời hợp tác với công ty khởi nghiệp Britishvolt để phát triển một nhà máy tái chế pin mới ở Anh.
Khi ngành công nghiệp ô tô bắt đầu chuyển sang chỉ sản xuất xe điện, được thúc đẩy bởi nhiều lệnh cấm xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sẽ được triển khai khoảng một thập niên tới, áp lực sản xuất pin có trách nhiệm với môi trường và xã hội đã tăng lên.
Do đó, giá vật liệu pin xe điện, đặc biệt là lithium tăng vọt nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ lĩnh vực xe điện và các nhà sản xuất pin Trung Quốc. Trung Quốc vẫn là nhà chế biến lithium lớn nhất thế giới, trong khi đó, các dự án cạnh tranh ở Mỹ và châu Âu đã phải đối mặt với một loạt trở ngại.
Trong một báo cáo gần đây, các nhà phân tích ở Công ty tư vấn thị trường kim loại SFA (Anh) và Công ty khai thác kim loại quý Sibanye-Stillwater (Nam Phi) dự báo thị trường lithium sẽ thâm hụt nguồn cung lớn hơn kể từ năm 2023. Dù vậy, nguồn cung từ các dự án có độ rủi ro thấp có thể giúp thị trường cân bằng cho đến năm 2025.
Theo Bloomberg, Reuters
Chẳng riêng lithium mà các kim loại màu khác đều lên giá, quá trình khai thác chế biến đắt đỏ thì nó cũng chẳng còn là xanh nữa, khi số lượng xe thấp thì tài nguyên lẫn năng lượng còn có chút hợp lý, nhưng số lượng xe lớn thì gánh nặng khủng khiếp nhất là điện.