Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vay mượn – từ trường phái nghệ thuật đến cáo buộc đạo nhái!

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nghệ thuật vay mượn (appropriation art) là một trường phái nghệ thuật ra đời tại Mỹ từ cuối những năm 1970, với các tên tuổi như Andy Warhol, Elaine Sturtevant, Roy Lichtenstein, Sherie Levine hay Jeff Koons...

“Những chai Coca-Cola” của Andy Warhol.

Nghệ thuật vay mượn có đặc điểm đặc trưng là việc cố tình sử dụng lại các tác phẩm nghệ thuật đã có - phần lớn là các tác phẩm nổi tiếng mang tính biểu tượng - với chút ít thay đổi, với dụng ý mang một cái nhìn khác vào tác phẩm. Ví dụ, Andy Warhol chép lại các mô típ thiết kế công nghiệp để tạo ra tác phẩm “Những chai Coca-Cola” và “Hộp súp Campbell’s” nổi tiếng, hay như Elaine Sturtevant với tác phẩm “Warhol Flowers” - bản sao từ một tác phẩm của chính Warhol, Richard Prince dùng lại ảnh quảng cáo thuốc lá Malboro để tạo nên tác phẩm “Chàng cao bồi - Không lời”, bán với giá hơn 1 triệu đô la Mỹ trong một buổi bán đấu giá...

Đối với các nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật vay mượn, việc sử dụng lại các tác phẩm đã có không phải là sự “sao chép”, mà là sự “lặp lại”, theo lời nói của Elaine Sturtevant. Có thể nói, trường phái này hướng khán giả tới việc đặt ra câu hỏi về tính sáng tạo, về quyền sở hữu trong nghệ thuật, và tất nhiên, về các quy định của luật bản quyền. Các nghệ sĩ cũng như những người ủng hộ nghệ thuật vay mượn thường nhấn mạnh vào quyền tự do biểu đạt trong nghệ thuật, và coi rằng luật bản quyền đã hạn chế sự tự do này. Sự vay mượn vốn tồn tại từ rất lâu trong nghệ thuật, thậm chí với những tên tuổi lớn như Picasso, Marchel Duchamps. Tuy nhiên, khi không có sự hợp tác, đồng thuận giữa nghệ sĩ vay mượn, và nghệ sĩ tác giả của tác phẩm được “tái sử dụng”, thì các cáo buộc đạo nhái dẫn đến các vụ kiện đình đám trước tòa.

Vụ kiện của Rogers với nghệ sĩ Jeff Koons

Art Rogers là nghệ sĩ nhiếp ảnh, tác giả của một bức ảnh hai người, một phụ nữ và một người đàn ông, ôm 8 chú chó con. Jeff Koons đã tạo ra một bộ tác phẩm điêu khắc tái tạo lại hình ảnh này, và đặc biệt gây tiếng vang. Khi biết rằng tác phẩm nhiếp ảnh của mình bị sao chép lại mà không có sự cho phép, Rogers đã kiện Koons ra tòa án New York vì vi phạm quyền tác giả. Koons lập luận rằng tác phẩm điêu khắc của mình không phải là một sự sao chép, mà là biểu hiện của một cái nhìn đối với xã hội hiện đại. Về khía cạnh pháp lý, Koons viện dẫn quyền sao chép với mục đích “hài hước, chế giễu” (parody), một ngoại lệ của luật bản quyền vốn được công nhận trong luật bản quyền Mỹ.

Năm 1992, tòa án New York bác bỏ quyền hưởng ngoại lệ này, khẳng định rằng các “bản sao” của tác phẩm được tạo ra với mục đích thương mại, đồng thời Koons lại sao chép toàn bộ tác phẩm trong khi ngoại lệ “parody” chỉ cho phép sao phép một phần của tác phẩm. Vụ kiện nổi tiếng này cũng gặp phải phản ứng từ giới phê bình nghệ thuật, cho rằng kết luận của tòa án đã hạn chế quyền tự do sáng tạo của nghệ sĩ, cũng như quyền chọn chủ đề và biện pháp thực hiện tác phẩm. Theo một số chuyên gia, tòa án đã bỏ qua việc xem xét tính sáng tạo trong tác phẩm điêu khắc của Koons - một tác phẩm mới tách biệt so với tác phẩm nhiếp ảnh của Rogers.

Vụ kiện của Naf-Naf với Jeff Koons

Ở Pháp, nghệ sĩ vừa nổi tiếng vừa tai tiếng này cũng bị ra tòa vì sử dụng một bức ảnh quảng cáo của thương hiệu Naf-Naf để tạo ra tác phẩm điêu khắc “Fait d’hiver”. Năm 2021, các thẩm phán Pháp của tòa án Paris cũng không ngần ngại kết luận rằng Jeff Koons đã vi phạm quyền tác giả của Naf-Naf, cho dù hoạt động sao chép này có thuộc về một trường phái nghệ thuật riêng biệt, thì nó vẫn vi phạm quyền của chủ sở hữu tác giả tác phẩm bị sao chép đó.

Vụ kiện Associated Press với Shepard Fairey

Shepard Fairey là một nghệ sĩ đường phố người Mỹ, là tác giả của bức poster nổi tiếng “Obama Hope” được sử dụng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2008, được coi là biểu tượng của chiến dịch tranh cử của Obama.  Tuy nhiên, bức ảnh sử dụng trong poster này thuộc về Associated Press, do nhà báo tự do Mannie Garcia chụp. Chính vì thế Associated Press đã đòi Shepard Fairey bồi thường vì sử dụng ảnh mà không xin phép. Để trả đũa Fairey kiện ngược lại Associated Press, lập luận rằng tác phẩm poster này còn làm tăng giá trị cho bức ảnh Obama gốc. Về sau, hai bên đã tìm được cách dàn xếp riêng, cùng chia sẻ lợi nhuận mà việc khai thác poster đem lại.

Vụ tranh chấp giữa Quỹ tác phẩm nghệ thuật thị giác Andy Warhol và Goldsmith

Hiện nay, vụ tranh chấp này đang gây tiếng vang, thu hút sự chú ý của giới hâm mộ nghệ thuật. Andy Warhol đã sử dụng bức ảnh nổi tiếng chụp ca sĩ Prince với mắt đánh màu tím bạc và môi tô son dưỡng của nhiếp ảnh gia Lynn Goldsmith chụp năm 1981 để tạo ra 16 hình ảnh Prince trên lụa. Bộ hình ảnh này đã được bán và in lại để khai thác, mang lại hàng trăm triệu đô la cho Quỹ tác phẩm nghệ thuật thị giác Andy Warhol, quỹ quản lý và khai thác các tác phẩm của Andy Warhol sau khi ông qua đời. Vì thế, Lynn Goldsmith đã kiện Quỹ tác phẩm nghệ thuật thị giác Andy Warhol vì vi phạm quyền tác giả. Theo quỹ này, thì Andy Warhol đã “chuyển hóa” tác phẩm, và kết quả nghệ thuật mà Warhol tạo ra rất khác so với bức ảnh gốc của Goldsmith.

Tòa án sơ thẩm New York kết luận rằng việc Warhol sử dụng bức ảnh Prince để làm nền tảng sáng tạo bộ tác phẩm in lụa được hưởng quyền ngoại lệ “sử dụng hợp lý” (fair use). Cụ thể, theo tòa án sơ thẩm, tác phẩm của Warhol đã thay đổi nhiều ảnh gốc (như sử dụng màu sắc phi tự nhiên, bỏ đi phần thân Prince trong ảnh...), vì thế việc khai thác tác phẩm của Warhol không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Goldsmith. Đồng thời, tòa án còn nhấn mạnh rằng tác phẩm của Warhol đã “gửi đi một thông điệp khác” so với tác phẩm gốc. Kết luận này, không có gì khó hiểu, là rất hứa hẹn cho trường phái... nghệ thuật vay mượn.

Tuy nhiên, sau đó, tòa án phúc thẩm lại không đồng tình với kết luận này, và cho rằng “vị trí của thẩm phán không phải là... phê bình nghệ thuật”. Hiện nay, vụ tranh chấp này đang chờ phán quyết của Tòa án Tối cao của Mỹ, một phán quyết sẽ quyết định tương lai của nghệ thuật vay mượn.

Trước đó, Tòa án Tối cao Pháp (Cour de Cassation) trong phán quyết Klasen năm 2015 đã nhấn mạnh rằng cần phải tìm ra một sự “cân bằng” giữa quyền tác giả và quyền tự do biểu đạt nghệ thuật. Điều này cho thấy các thẩm phán không hoàn toàn mong muốn “đóng cửa” với nghệ thuật vay mượn.

Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng việc xem xét sự “cân bằng” này chẳng khác gì việc “mở chiếc hộp Pandora”, dẫn đến việc xem xét ngoại lệ “sử dụng hợp lý” trong từng hoàn cảnh, và các vụ tranh chấp sẽ càng phổ biến hơn.

Cũng xin bổ sung rằng, vay mượn nghệ thuật hiện nay ngày càng trở nên dễ dàng hơn nhờ vào công nghệ tiên tiến. Thuật toán “DeepArt” của Đại học Polytechnique Lausanne cho phép “nhái” phong cách của nghệ sĩ và dễ dàng tạo ra các “tác phẩm” theo phong cách nhái.

1 BÌNH LUẬN

  1. Kế thừa, vay mượn, sao chép công khai… là vấn đề mang tính quy luật trong tiến bộ tri thức, văn minh của nhân loại. Ranh giới giữa những hành vi này với sự sao chép bất minh là rất mong manh. Tuy nhiên, bất kể vì lý do gì, thì đó vẫn là cuộc sống thực tế, là bức tranh sinh động của tiến trình tiến hóa, phát sinh và hóa giải mâu thuẫn để tiếp tục phát triển. Sẽ không thể nào chấm dứt sự đạo văn, sao chép… vì những động cơ phi đạo đức. Trừ khi con người quay lại từ đầu thời nguyên thủy, khi đó nhân loại không sống vì lợi ích cá nhân mà cho cả cộng đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới