Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vay tiền không trả, smartphone sẽ bị khóa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vay tiền không trả, smartphone sẽ bị khóa

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Sở hữu công nghệ khóa điện thoại thông minh (smartphone) độc quyền, công ty khởi nghiệp PayJoy ở San Francisco (Mỹ) muốn mở cánh cửa các ngân hàng và các công ty tài chính đối với 1,7 tỉ người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng và hồ sơ tín dụng trên toàn cầu.

Vay tiền không trả, smartphone sẽ bị khóa
Một khách hàng mua điện thoại bằng cách tiếp cận dịch vay trả góp sử dụng công nghệ khóa smartphone của PayJoy. Ảnh: PayJoy

Mark Heynen vẫn còn nhớ cảm giác sốc khi chứng kiến nhiều gia đình sống trên các đường phố ở New Delhi, Ấn Độ vào thời gian ông khởi nghiệp lần đầu tiên ở thành phố này đây 20 năm.

“Những chuyến đi đầu tiên của tôi đến Ấn Độ thực sự tác động mạnh đến tâm trí tôi vì tôi chứng kiến có sự cách biệt quá lớn giữa sự tiếp cận của mọi người đến những nhu cầu cơ bản mà chúng ta thường xem là điều hiển nhiên”, vị doanh nhân 42 tuổi nói.

Trải nghiệm của ông ở New Delhi cuối cùng đã khiến ông cùng một người bạn sáng lập công ty khởi nghiệp PayJoy với mong muốn giúp những người không có tài khoản ngân hàng hoặc hồ sơ tín dụng tiếp cận các khoản vay trả góp để mua smarphone và quan trọng hơn là các dịch vụ vay tiền mặt về sau này.

Heynen, hiện nay là giám đốc kinh doanh PayJoy, cho biết các smartphone và các khoản vay trả góp này được cung cấp bởi các bên thứ ba. Những gì PayJoy cung cấp một một phần mềm độc quyền có thể khóa smartphone của người vay tiền trả góp nếu họ không trả góp đúng hạn. Một khi khoản trả góp được trả, PayJoy sẽ mở khóa để smartphone của họ trở lại hoạt động bình thường.

Phần mềm của PayJoy đóng vai trò như một động lực thúc ép người vay trả góp mua smartphone phải trả các khoản vay theo định kỳ. Ngược lại, điều này khuyến khích các ngân hàng và các công ty tài chính mở rộng cho vay đối với những người không có tài khoản ngân hàng và không có lịch sử tín dụng cũng như các tài sản thế chấp khác.

Theo PayJoy, công nghệ của công ty có thể làm nhiều điều hơn chỉ là mang đến những chiếc smartphone cho khách hàng. Lịch sử thanh toán trả góp tiền vay mua smartphone của khách hàng sẽ được báo cáo về cho các cơ quan quản lý tín dụng địa phương để giúp xây dựng các hồ sơ tín dụng có thể giúp khách hàng tiếp cận thêm các khoản vay khác trong tương lai.

Hơn nữa, một khi thanh toán xong khoản vay trả góp mua smartphone, khách hàng có thể sử dụng ngay chính smartphone đó để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay nhỏ.
Heynen cho biết tại các nước Mỹ Latin như Mexico, các khách hàng của PayJoy thường vay để mua smartphone có giá từ 200-300 đô la Mỹ và con số này giảm một nửa ở các khách hàng ở châu Phi và hầu hết các nước châu Á.

Ông nói: “Tôi cho rằng khoản vay tiền mặt cơ bản mà mọi người có thể nhận được là khoảng 100-200 đô la Mỹ nếu như họ sử dụng smartphone để làm tài sản thế chấp”.
Dù đó chỉ là những khoản vay nhỏ nhưng đối với những người không có tài khoản ngân hàng hoặc không tiếp cận đầy đủ các dịch vụ ngân hàng, chúng có thể là bước đầu tiên giúp họ hướng đến việc tiếp cận tín dụng và các dịch vụ tài chính khác.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vào năm 2017, hơn 1,7 tỉ người trưởng thành trên thế giới không có tài khoản ngân hàng. Và ở Đông Nam Á, 73% dân số không có tài khoản ngân hàng, theo công ty kiểm toàn toàn cầu KPMG.

“Tín dụng, giống như điện, nước, là một thành phần không thể thiếu của hạ tầng”, Josh Mcfarland, đối tác ở Greylock, công ty đầu tư vốn mạo hiểm ở Thung lũng Silicon đã dẫn đầu vòng gọi vốn 20 triệu đô la Mỹ của PayJoy trong tháng 5-2019, cho biết.

PayJoy xem tỷ lệ thâm nhập ngân hàng còn thấp ở nhiều nơi trên thế giới là một cơ hội kinh doanh lớn. Công ty cho biết sẽ sử dụng nguồn vốn mới huy động để mở rộng kinh doanh ở các thị trường mới nổi như châu Á và đặc biệt là ở Ấn Độ và Indonesia.

Vì PayJoy không trực tiếp bán điện thoại hay cho vay tiền nên công ty cho rằng mô hình kinh doanh này có rủi ro thấp và tiềm năng biên lợi nhuận cao.

Heynen cho rằng PayJoy vấp phải một cản trở khác là thiếu… đối thủ cạnh tranh. PayJoy đang muốn các đối thủ tiềm năng khác ra mắt các công nghệ cạnh tranh để thúc đẩy thị trường và thúc đẩy PayJoy phát triển hơn nữa.

Tại hầu hết các thị trường, PayJoy hợp tác với các hãng sản xuất smartphone, nhà phân phối smartphone và các tổ chức cho vay. PayJoy sẽ thu một phần phí hoa hồng từ mọi khoản vay sử dụng công nghệ khóa smartphone của công ty này. Đây là một mô hình kinh doanh giúp giảm chi phí cũng như rủi ro cho PayJoy.

“Chúng tôi tiết kiệm vốn đầu tư rất nhiều”, Heynen nói. Song ông thừa nhận công ty vẫn chưa có lợi nhuận vì đang đầu tư mạnh mẽ cho phần mềm và mở rộng thị trường kinh doanh.

Chẳng hạn, tại Indonesia, một công ty tài chính địa phương thuộc tập đoàn thương mại đa ngành Itochu (Nhật Bản) đã hợp tác với PayJoy với vai trò vừa là công ty cho vay vừa là đối tác phân phối smartphone. Hiên tại. PayJoy đang hoạt động ở hơn 10 nước như Mexico, India, Indonesia, Nigeria, Kenya, Guatemala… với các đối tác bao gồm các hãng viễn thông lớn như Vodacom, Telefonica và Orange…

Đối với PayJoy, rủi ro lớn nhất là không bảo đảm tính an ninh tuyệt đối của phần mềm khóa smartphone.

Theo Heynen, PayJoy đã thực hiện hàng trăm biện pháp an ninh để bảo đảm phần mềm của công ty không thể bị bẻ gãy. Chẳng hạn, khi phát hiện một số khách hàng bán lại smartphone trước khi trả đầy đủ khoản vay trả góp, PayJoy đã bổ sung một tính năng giúp tự động kích hoạt khóa smartphone một khi simcard bị tháo ra.

Phần mềm của PayJoy đóng vai trò như một động lực thúc ép người vay trả góp mua smartphone phải trả các khoản vay theo định kỳ. Ảnh: Techinafrica

Heynen cho rằng PayJoy vấp phải một cản trở khác là thiếu… đối thủ cạnh tranh. PayJoy đang muốn các đối thủ tiềm năng khác ra mắt các công nghệ cạnh tranh để thúc đẩy thị trường và thúc đẩy PayJoy phát triển hơn nữa.

Ông nói: “Chúng tôi đã tạo ra một hạng mục kinh doanh chưa tồn tại trước đây và chúng tôi thực sự cần mọi người khác bước vào và chứng thực thêm cho hạng mục mới”.

Heynen nói công ty không lo ngại về việc công nghệ khóa smartphone sẽ làm tăng tỷ lệ “bùng” nợ vì giúp mọi người dễ dàng vay tiền trả góp để mua smartphone.

Heynen nói: “Những khách hàng có ý định “bùng” nợ sẽ không vay để mua smartphone ngay từ đầu vì họ biết rằng họ sẽ bị khóa điện thoại nếu làm như vậy”.

Những khách hàng, nếu cảm thấy họ không có khả năng trả nợ nữa, có thể mang trả smartphone và chấm dứt hợp đồng vay nợ.

Theo Heynen, công nghệ độc quyền của PayJoy giúp các đối tác cho vay cắt giảm một nửa tỷ lệ không trả nợ đúng hạn và cải thiện tỷ lệ cho vay. Ông nói: “Giờ đây, họ có thể cho vay với nhiều khách hàng hơn với khả năng kiếm lợi nhuận cao hơn”.

Với mục tiêu nhắm đến 1,7 tỉ người dân trên toàn cầu không có tài khoản ngân hàng, PayJoy có thể thực hiện sứ mệnh mà các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon theo đuổi, đó là: “Công nghệ có thể thực sự tạo ra một thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống của mọi người, chứ không chỉ giúp mọi thứ trở nên tiện lợi hơn một chút cho tôi và cho bạn”, Heynen nói.

Theo Nikkei Asian Review

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới