Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Về Bạc Liêu thăm nhà công tử

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Về Bạc Liêu thăm nhà công tử

Cát Lộc

Về Bạc Liêu thăm nhà công tử
Ngôi biệt thự của công tử Bạc Liêu. Ảnh: Cát Lộc

(TBKTSG Online) - Từ thời xa xưa, Bạc Liêu là mảnh đất hoang vu, nơi quần cư của chuột bọ, rắn rít, chồn cáo… Theo một truyền thuyết, có lẽ đúng, chính người Tiều Châu từ Triều Châu (cách gọi khác là Tiều Châu), Quảng Đông, Trung Hoa xa xôi lìa bỏ quê hương nơi bị người Mãn Thanh cai trị, vượt biển tới đây dựng làng mở ấp lập nghiệp bằng nghề hạ bạc. Họ gọi quê mới theo tiếng Tiều của mình là “Pò Léo”, nghĩa là chài lưới.

Bạc Liêu có đến 21 ngôi nhà cổ, xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp từ hàng trăm năm trước. Trong đó có ngôi nhà của ông Cao Triều Phát (trụ sở cũ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh), nhà ông Trần Văn Chương, thân sinh bà Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu), nay là thư viện Tỉnh Bạc Liêu... Nhưng những ngôi nhà nầy ít người biết, người ta chỉ biết mỗi ngôi nhà của một người nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh thuở xưa: Công tử Bạc Liêu.

Khách sạn Công tử Bạc Liêu. Ảnh: Cát Lộc

Trước cách mạng tháng Tám, Bạc Liêu vốn là xứ sở của những đại điền chủ xứ Nam kỳ, cũng là quê hương của những công tử con nhà giàu ăn chơi khét tiếng với nhiều giai thoại lý thú, lạ đời còn lưu truyền cho tới hôm nay, trong đó có công tử Bạc Liêu. Theo một tư liệu, tên thật của công tử Bạc Liêu là Trần Trinh Huy (tên thường gọi là Ba Huy), con ông Trần Trinh Trạch, còn gọi là hội đồng Trạch.

Họ Trần gốc người Tiều. Với bất động sản sở hữu hơn 110.000 hecta ruộng lúa và hơn 100.000 hecta ruộng muối, hội đồng Trạch là người giàu nhất Bạc Liêu và giàu đứng hàng thứ tư trong xứ Nam kỳ. Ba Huy được cha cho sang Pháp du học. Nhưng có lẽ thích vui chơi hơn học hành nên khi Ba Huy trở về nước chẳng có mảnh bằng nào lận lưng. Là công tử, Ba Huy “xài tiền như nước”, nổi tiếng với nhiều giai thoại đến khó tin. Ba Huy có cả thảy bốn người vợ, còn nhân tình thì... vô số. Trần Trinh Huy mất năm 1973 tại Sài Gòn.

Cũng như những ngôi nhà cổ khác ở Bạc Liêu, ngôi nhà của công tử Bạc Liêu là quần thể nhiều hạng mục được xây dựng từ trước cách mạng tháng Tám với kiến trúc riêng của những năm đầu thế kỷ XX, không Âu hóa như Đà Lạt, không hoành tráng như Sài Gòn, Hà Nội. Trái lại quần thể nhà này ở Bạc Liêu, nhìn tổng thể thì rất Tây nhưng quan sát kỹ thì nó lại hài hòa một cách lạ kỳ với những dòng sông con rạch của xứ này. Nhà công tử Bạc Liêu là một trong quần thể “nhà Tây” đó.

Tập truyện tranh du lịch Công tử Bạc Liêu do Công ty TNHH Thông tin lữ hành Mekong (Metinfo) kết hợp cùng NXB Trẻ xuất bản, vừa được phát hành.

Vì vậy, theo một bài báo viết về Bạc Liêu: “Số một là nhà hàng khách sạn Công Tử Bạc Liêu. Đoàn khách nào cũng vậy, dù khuya khoắt đến đâu cũng đòi về ngủ đúng cái phòng công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy từng ngủ cho bằng được. Hiện tượng có một không hai của Nam bộ và có thể nói là của cả nước quả có một sức hút mãnh liệt”. Phòng của công tử Bạc Liêu có một ban công rộng. Từ đó có thể nhìn thấu qua sông Bạc Liêu. Phía sau khách sạn là một khu vườn khá rộng với nhà hàng và các “chòi” cà phê nho nhỏ, yên tĩnh trong không gian thoáng đãng.

Tiến sĩ Trang Quang Sen, hiện làm việc tại CHLB Đức, trong lần “hành phương Nam” tháng 7-2007, đã tò mò tìm đến ngôi nhà này. Ông kể: “Nơi công tử Bạc Liêu sống là một biệt thự khang trang được xây dựng vào năm 1919 do một kỹ sư người Pháp thiết kế. Để đảm bảo chất lượng của ngôi nhà, vật liệu xây dựng được đặt mua và chuyên chở từ Pháp sang. Dân Bạc Liêu gọi biệt thự này là Nhà Lớn. Hiện nay nó được sửa sang và xây dựng lại thành khách sạn mang tên “Khách sạn Công Tử Bạc Liêu. Khách sạn có tất cả 6 phòng và giá tiền phòng cho mỗi đêm 250 ngàn đồng (tương đương khoảng 12 Euro), ngoại trừ một phòng đặc biệt, nơi công tử Bạc Liêu ở, giá gấp đôi. Phòng này rất được du khách ưa chuộng, nhất là du khách nước ngoài, vì vậy ai muốn ngủ trong phòng của công tử Bạc Liêu thường phải đặt trước cả tháng. Chúng tôi quyết định đến đây nghỉ đêm để tìm hiểu thêm nơi trú ngụ của tay ăn chơi có tiếng này” để “về Bạc Liêu danh tiếng ôn lại giấc ngủ vàng son. Một thời để nhớ thời đó xa rồi” (lời ca khúc “Bạc Liêu hoài cổ” của nhạc sĩ Thanh Sơn).

Ngày nay, đến Bạc Liêu là ai cũng muốn đến thăm khách sạn Công tử Bạc Liêu để thăm ngôi nhà được xây dựng bằng toàn bộ vật liệu như thép đúc, cửa, cẩm thạch lót nền, gạch, khung sắt trang trí... đều được nua từ Pháp chở về. Đáng chú ý là những con bù loong, ốc vít cùng các chi tiết xây dựng khác đều được đóng dấu chữ “P” hoa mỹ, cho thấy chúng được sản xuất tại Paris, thủ đô nước Pháp. Trong ngôi nhà cổ nầy, khách còn có dịp tận mắt chứng kiến những bình, lọ gốm sứ, bàn ghế cẩn ốc xa cừ, đặc biệt là chiếc điện thoại cổ công tử Bạc Liêu dùng lúc sinh thời...

Đến thăm nhà công tử Bạc Liêu, ngoài việc được cô hướng dẫn xinh đẹp thuyết minh từng chi tiết một, mới đây, khách còn thích thú khi có quyển truyện tranh “Công tử Bạc Liêu”, để về nhà cùng cả gia đình vừa thưởng lãm những nét vẽ tài hoa của họa sĩ Hữu Tâm, vừa có trong tay một tư liệu quý vì nó được tập hợp, chọn lọc từ nhiều tài liệu đáng tin cậy ghi chép về cuộc đời Trần Trinh Huy.

Hơn thế nữa, quyển truyện tranh nầy còn có bản đồ chi tiết đường đến nhà công tử Bạc Liêu tại thành phố Bạc Liêu. Quyển truyện tranh du lịch về công tử Bạc Liêu tuy mỏng nhưng khá đầy đủ thông tin về vị công tử nổi tiếng nầy, do Công ty TNHH Thông tin lữ hành Mekong (Metinfo) kết hợp cùng NXB Trẻ xuất bản, vừa được phát hành.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới