Về đâu, Thái Lan?
![]() |
Những người biểu tình chống chính phủ phong tỏa sân bay quốc tế tại Bangkok |
(TBKTSG) - Từ thời còn mang tên Vương quốc Xiêm, Thái Lan đã mở cửa với thế giới, phát triển nhờ thương mại và du lịch. Nhưng từ ngày 25-11 vừa qua, Thái Lan đã mất tính hiếu khách khi những người biểu tình chống chính phủ phong tỏa sân bay quốc tế Bangkok và cô lập Thái Lan với thế giới.
Sự kiện người biểu tình chiếm các sân bay chính của thủ đô Bangkok đánh dấu một bước ngoặt đáng lo ngại của cuộc đấu tranh chính trị kéo dài nhiều tháng nay: chuyển từ biểu dương lực lượng sang đối đầu bạo động và ảnh hưởng ra toàn khu vực.
Giáo sư Panitan Wattanayagorn của Đại học Chulalongkorn ở Bangkok nhận định: “Khi họ đóng cửa đất nước thì quốc gia rơi vào khủng hoảng. Vì chuyện này tác động đến mối liên hệ giữa Thái Lan với thế giới, nó đã trở thành một cuộc khủng hoảng quốc tế”.
Nhà báo nữ Barbara Crossette, nguyên phóng viên của báo New York Times tại Bangkok và nay làm cho báo The Nation, còn bi quan hơn: “Bên dưới tấn bi kịch này đang âm ỉ một cuộc chiến tranh giai cấp có sức hủy diệt giữa người giàu và người nghèo, nông thôn và đô thị, phe đối lập áo vàng và phe ủng hộ chính phủ áo đỏ”.
Nghịch lý của áo vàng
Theo nhà báo nữ Hannah Beech của tuần báo Time, “Những người chống đối tự gọi mình là Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) nhưng thực tế họ không đại diện cho đa số nhân dân Thái cũng không tiêu biểu cho những giá trị phổ quát của nền dân chủ mà mục tiêu của họ là xóa khỏi chính phủ những ảnh hưởng của cựu thủ tướng tỉ phú Thaksin Shinawatra, người đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006”.
Từ tháng 8-2008, PAD đã phong tỏa văn phòng chính phủ, buộc Thủ tướng Somchai phải tạm thời dời chính phủ tới một sân bay cũ. Ngày 24-11, PAD đóng cửa quốc hội và phong tỏa luôn sân bay, buộc chính phủ Thái phải tiếp tục làm việc tại “một địa điểm bí mật”.
Nhưng một chính phủ “đang bôn tẩu” thì không thể làm việc hiệu quả. Chính vì vậy, một phần thủ đô Bangkok đã rơi vào tình trạng hỗn loạn và người ta lo ngại xung đột có thể lan tới các địa phương khác trong nước, nhất là sau khi ông Somchai dời chính phủ về Chiang Mai, thành phố lớn thứ hai nằm ở vùng Đông Bắc Thái Lan, giữa căn cứ của lực lượng áo đỏ ủng hộ chính phủ.
Tình trạng hỗn loạn chính là cái mà liên minh đối lập PAD muốn tạo ra. Họ hy vọng, sự rối loạn sẽ khiến quân đội - từng tiến hành 18 cuộc đảo chính từ năm 1947 đến nay - sẽ can thiệp để lập ra một chính phủ mới không có ảnh hưởng của Thaksin.
Điều nghịch lý là phe đối lập - bao gồm giới tinh hoa đô thị, giới doanh nhân, những người lao động chuyên nghiệp - năm trước từng dũng cảm đứng lên chống lại sự cai trị của quân đội để đòi phục hồi dân chủ ở Thái Lan, lại trông chờ quân đội làm một cuộc đảo chính khác để lật đổ một chính phủ “mị dân” mà họ không có khả năng đánh bại bằng lá phiếu. Thế nhưng quân đội Thái đã nhanh chóng bác bỏ tin đồn về khả năng đảo chính Thái Lan quay trở lại với tình hình hai năm về trước: phân hóa và mất phương hướng.
Tuy nhiên những hành động khiêu khích quá đáng của PAD cũng làm nhiều người Thái thay đổi quan điểm. Những trí thức trước đây ủng hộ phe đối lập bây giờ đâm ra lo sợ rằng cuộc khủng hoảng sẽ làm chệch hướng nền kinh tế; tệ hơn nữa, nhiều người giật mình phân vân không biết giới tinh hoa đô thị sẽ dẫn đất nước đến đâu.
Vụ phong tỏa sân bay quốc tế Suvarnabhumi diễn ra ngay giữa mùa cao điểm du lịch và Thái Lan đang có những bước tiến tốt trong việc chống đỡ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây hoài nghi về mục tiêu và khả năng của phe đối lập. Khi những du khách ngoại quốc - những người mang đến Thái Lan 16 tỉ đô la Mỹ mỗi năm - ồ ạt tìm cách thoát thân, giá trị đồng tiền và thị trường chứng khoán tụt dốc thê thảm thì phe đối lập cũng dần mất hết khả năng chứng minh cho những đồng bào nông thôn áo đỏ của họ hiểu rằng dân chủ là điều tốt. Để vớt vát phần nào, phe đối lập đã đồng ý cho nối lại các chuyến bay chở hàng từ trưa ngày thứ Ba (2-12).
Các nhà lãnh đạo phe đối lập hứa hẹn sẽ mang lại cái gọi là “nền chính trị mới” không còn bị những người thân cận của cựu Thủ tướng Thaksin lũng đoạn; nhưng nền chính trị mới ấy có mặt mũi ra sao vẫn chưa rõ, người dân chỉ thấy họ cố phá vỡ cái vấn nạn mua phiếu tràn lan bằng cách thay thế chế độ đầu phiếu phổ thông mỗi cử tri một lá phiếu bằng một quốc hội đa số được chỉ định. Làm như vậy có thể ngăn ngừa phe cánh ông Thaksin quay lại cầm quyền, nhưng danh tiếng của Thái Lan như một nền dân chủ hàng đầu ở Đông Nam Á sẽ tan thành mây khói.
Cái bóng của cựu Thủ tướng Thaksin
Về phần mình, ông Thaksin vẫn chưa chịu ngồi yên. Cho dù ông tuyên bố công khai chỉ dành thời gian để chơi golf, mua sắm mà không tham gia chính trị, ông cựu thủ tướng này vẫn thỉnh thoảng gọi điện thoại từ nước ngoài về chỉ đạo những người ủng hộ.
Mới đầu tháng 11, ông ta khai trương một tổ chức tư vấn của mình, gọi là “Quỹ Xây dựng Tương lai tốt đẹp hơn”. Trong một mẩu quảng cáo lớn nửa trang trên báo chí quốc tế, ông Thaksin hô hào: “Có phải bạn là một tài năng châu Á? Hãy tham gia cùng tôi”. Chưa rõ ông ta sẽ làm gì với một “tập hợp những ngôi sao” như vậy nhưng trong nước phe ủng hộ ông đang bị loại khỏi nền chính trị Thái Lan.
Trong một diễn biến bất ngờ, thứ Ba vừa qua, đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) thân Thaksin lớn nhất trong liên minh cầm quyền đã bị Tòa Hiến pháp giải tán vì tội gian lận bầu cử. Thủ tướng đương nhiệm Somchai và 36 quan chức hàng đầu khác của đảng bị cấm tham gia chính trị trong năm năm. Phán quyết của tòa được liên minh đối lập PAD hoan nghênh.
Nhưng rồi Thái Lan sẽ về đâu trong những ngày tới? Giới quan sát đồn đoán, những người ủng hộ ông Thaksin ở cấp cơ sở một lần nữa sẽ phải lập một đảng “biến tướng” mới, như họ đã từng thay đảng “Người Thái Yêu Người Thái - TRT” bị cấm hoạt động bằng đảng Quyền lực Nhân dân - PPP hiện nay. Và một lần nữa, sự chán ghét của cử tri nông thôn đối với phe đối lập PAD lại có thể dẫn tới một thắng lợi khác cho phe thân Thaksin.
Vì thế, nhiều nhà bình luận cho rằng, lật đổ Thủ tướng Somchai và tổ chức tổng tuyển cử chưa phải là lời giải cho tình hình Thái Lan hiện nay. Theo họ, cho dù vụ đối đầu chính trị hiện nay được tháo gỡ thì những căng thẳng chính trị và xã hội tiềm ẩn ở Thái Lan vẫn tiếp tục sôi sục.
* * *
Trong quá khứ, mỗi khi khủng hoảng leo thang tới chỗ bạo lực, nhà vua Bhumibol Adulyadej rất được tôn kính lại ra tay để ổn định tình hình. Dù nhà vua không có vai trò chính trị trực tiếp nhưng sức mạnh đạo đức của ông đủ khuất phục những người lãnh đạo phe đối lập và cả các tướng lĩnh quân đội. “Nếu con cái không ngừng cãi nhau thì cha mẹ phải can gián”, bà Charupa Suthikorn, 40 tuổi, bán đồ chơi ở Bangkok, nói như vậy về kỳ vọng đức vua sẽ can thiệp để vãn hồi hòa bình cho đất nước.
Theo kế hoạch, vua Bhumibol Adulyadej sẽ có bài phát biểu thường niên rất quan trọng trước quốc dân vào ngày 4-12. Hy vọng bằng uy tín của mình, nhà vua có thể hóa giải những bất đồng, hòa giải dân tộc và đưa đất nước Thái Lan trở về với sự bình an và ổn định vốn có.
HUỲNH HOA (Theo TIME, Nation và IHT)