Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vé máy bay – ở hai đầu nỗi… giá

TS. Lữ Lâm Uyên (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Câu chuyện giá dịch vụ hàng không nội địa những ngày này đang làm xôn xao chốn nghị trường. Giữ hay bỏ quy định về giá trần hay đặt thêm giá sàn vé máy bay hiện đang là vấn đề được quan tâm bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá vé đi lại bằng đường hàng không.

Có vẻ khó tìm ra giải thích hợp lý xuyên suốt cho đề xuất ở cả hai đầu giá, ngoại trừ mối bận tâm nhất quán, đó là mong muốn tăng doanh thu, tăng lợi nhuận của các hãng hàng không. Ảnh: H.T

Trong khi đề nghị bỏ giá trần có thể được giải thích từ nỗi lo ngại và mong muốn thay đổi thói quen quản lý nhà nước bằng mệnh lệnh hành chính, việc đặt ra khả năng ấn định giá sàn lại khiến lý do duy nhất khả dĩ chấp nhận được này hoàn toàn bị phá sản. Có vẻ khó tìm ra giải thích hợp lý xuyên suốt cho đề xuất ở cả hai đầu giá, ngoại trừ mối bận tâm nhất quán, đó là mong muốn tăng doanh thu, tăng lợi nhuận của các hãng hàng không.

Quản lý giá vé máy bay: mệnh lệnh hành chính hay luật pháp?

Cần khẳng định ngay rằng nhu cầu tối đa hóa lợi nhuận là nhu cầu bình thường, chính đáng của mọi doanh nghiệp. Bị cầm chân bởi chiếc vòng kim cô giá trần giữa lúc thị trường khó khăn sau cơn đại dịch, các hãng hàng không sốt ruột là điều dễ hiểu.

Những ý kiến ủng hộ bỏ giá trần đang xoay quanh một vài lý do, trong đó cho rằng thị trường hàng không không còn độc quyền mà hiện có đến sáu hãng bay khai thác. Tuy nhiên, không còn nằm trong danh mục lĩnh vực độc quyền nhà nước không có nghĩa là thị trường hàng không giống các thị trường thông thường.

Một trong những yếu tố đặc thù của thị trường hàng không nội địa nước ta là tính tập trung rất cao, tỷ lệ thị phần kết hợp của ba doanh nghiệp lớn nhất trong ngành bao gồm Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways chiếm đến 91%, trong khi theo Luật Cạnh tranh chỉ cần 65% là đã đủ tạo nên thị trường độc quyền nhóm.

Một khi thị trường xám xuất hiện, mọi động thái về giá của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường sẽ phải đặt trong vùng điều chỉnh của Luật Cạnh tranh.

Nên chăng câu hỏi không phải bỏ hay giữ giá trần, càng không phải thiết lập giá sàn, mà là nếu bỏ giá trần và không đặt giá sàn thì liệu Luật Cạnh tranh có đủ sức đảm đương sứ mệnh giúp nhà nước quản lý giá hiệu quả bằng luật pháp?

Có điều, theo Luật Giá, cơ sở pháp lý để dịch vụ hàng không là sản phẩm được Nhà nước điều tiết thông qua định giá không phải là quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước mà tài nguyên hàng không là tài nguyên quan trọng.

Sẽ có thắc mắc nếu vậy thì tại sao hầu như không nước nào, kể cả các nước láng giềng với Việt Nam, áp giá trần cho dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không?

Câu trả lời giản dị là không phải những nước này không điều chỉnh hành vi ấn định giá vé mà ở họ, sứ mệnh quan trọng duy trì thị trường tự do cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng được giao phó cho Luật Cạnh tranh thay vì thực hiện thông qua công cụ điều tiết giá bằng mệnh lệnh hành chính.

Như vậy, nên chăng câu hỏi không phải bỏ hay giữ giá trần, càng không phải thiết lập giá sàn, mà là nếu bỏ giá trần và không đặt giá sàn thì liệu Luật Cạnh tranh có đủ sức đảm đương sứ mệnh giúp Nhà nước quản lý giá hiệu quả bằng luật pháp?

Có thể khẳng định rằng quy định cấm bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh (định giá hủy diệt – predatory pricing) tại điều 27.1.a Luật Cạnh tranh được xây dựng như một tấm chắn “giá sàn” hữu hiệu.

Nỗi lo ngại, nếu có, về việc hàng không giá rẻ áp dụng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn dẫn đến hàng không chuyên nghiệp bị giá rẻ đánh bại là không cần đặt ra bởi Luật Cạnh tranh có thể can thiệp, xử phạt rất nặng một khi doanh nghiệp thống lĩnh thị trường bán dưới giá thành toàn bộ.

Do vậy, việc ấn định mức giá tối thiểu cho dịch vụ vận chuyển hành khách đường hàng không là không nên và cũng không cần thiết. Ngược lại, câu chuyện bỏ hay giữ giá trần phức tạp hơn nhiều bởi khả năng điều chỉnh hành vi này trong Luật Cạnh tranh là khá vô vọng.

Ấn định giá bán bất hợp lý hay tăng giá bất hợp lý?

Hành vi ấn định giá bán bất hợp lý của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường (định giá quá đáng – excessive pricing) đã được quy định trong Luật Cạnh tranh Việt Nam từ lần đầu ban hành vào năm 2004 và cả trong Luật Cạnh tranh hiện tại năm 2018.

Áp dụng cách hiểu thông thường từ tên của hành vi này như nó xuất hiện trong Luật Cạnh tranh vào trường hợp quản lý giá trần vé máy bay, hoàn toàn có cơ sở tin rằng quy định cấm ấn định giá bán bất hợp lý sẽ điều chỉnh những trường hợp định giá quá cao gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, nội dung hướng dẫn chi tiết hành vi này trong Nghị định 116/2005/NĐ-CP lại rẽ sang hướng hoàn toàn khác với tinh thần của Luật Cạnh tranh 2004. Thay vì đưa ra tiêu chuẩn xác định mức giá bán cao bất hợp lý làm cơ sở cấm áp đặt giá quá đáng, nghị định lại diễn giải hành vi áp đặt giá bán bất hợp lý bằng một loạt các yếu tố cấu thành vi phạm bao gồm hành vi tăng giá, mức tăng giá, điều kiện thị trường, cung và cầu trước khi tăng giá; cuối cùng đã biến quy định về đặt giá bán bất hợp lý thành tăng giá bán bất hợp lý.

Quy định như vậy không chỉ khiến việc quản lý giá vé máy bay bằng Luật Cạnh tranh trở nên bất lực, mà còn đặt mức giá của nhiều hàng hóa, dịch vụ quan trọng khác ấn định bởi nhóm doanh nghiệp thống lĩnh trên từng thị trường liên quan tại Việt Nam ra ngoài tầm kiểm soát của một trong những đạo luật quan trọng nhất của nền kinh tế suốt 14 năm qua.

Hiện tại, Luật Cạnh tranh 2018 đang chờ nghị định quy định chi tiết hướng dẫn luật, nỗi lo về tình trạng tương tự lại tiếp diễn nếu Chính phủ không thay đổi cách tiếp cận điều luật này không phải là vô cớ.

Việc ấn định mức giá tối thiểu cho dịch vụ vận chuyển hành khách đường hàng không là không nên và cũng không cần thiết. Ngược lại, câu chuyện bỏ hay giữ giá trần phức tạp hơn nhiều bởi khả năng điều chỉnh hành vi này trong Luật Cạnh tranh là khá vô vọng.

Nhìn ra các nước công nghiệp xa mà không lạ như Liên minh châu Âu, gần gũi láng giềng với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Singpore hay mãi tận lục địa đen như Cộng hòa Nam Phi và nhiều nước khác, định giá quá đáng đều được quy định cụ thể trong pháp luật cạnh tranh ở những nước này. Để xác định tiêu chuẩn mức giá cao bất hợp lý, tòa án Tư pháp Liên minh châu Âu thường phối hợp so sánh giá – chi phí, so sánh giá của doanh nghiệp thống lĩnh thị trường với giá của đối thủ cạnh tranh, so sánh giá của doanh nghiệp thống lĩnh thị trường với giá của chính nó ở nhiều thị trường địa lý khác nhau, và so sánh giá của doanh nghiệp thống lĩnh thị trường ở các thời điểm khác nhau. Cũng như kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh khác, xử lý định giá quá đáng ở Liên minh châu Âu và các nước thường rất phức tạp, đòi hỏi thận trọng và chỉ kết luận vi phạm khi tất cả các phép so sánh đều dẫn đến cùng một kết quả. Tuy nhiên, khoan nói đến khó khăn trong thực thi, hiện tại hy vọng con đường từ Luật Cạnh tranh vào đến nghị định hướng dẫn luật không biến ảo đến mức hạn chế hiệu quả điều chỉnh của chính điều luật vẫn chỉ đang là hy vọng. Và dĩ nhiên cho đến lúc ấy, giá trần vé máy bay là không thể bỏ bởi tính thiết yếu, quan trọng của dịch vụ trong đời sống người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh trên một thị trường quá đỗi đặc thù.

(*) Khoa Luật CELG, Đại học Kinh tế TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới