Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Về nơi khởi đầu nền văn minh sông nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Về nơi khởi đầu nền văn minh sông nước

Hoàng Xuân Phương

Một góc chợ nổi Phụng Hiệp ở thị xã Ngã Bảy. Ảnh: Hoàng Xuân Phương.

(TBKTSG) – Chúng ta sẽ không hình dung được một miền Nam cổ xưa, một nền văn hóa Óc Eo đúng nghĩa, thậm chí sự hiện hữu của những thương cảng quốc tế thuở xa xưa giữa lòng đồng bằng Nam bộ nếu không am hiểu về nền văn minh sông nước đã tồn tại từ xa xưa trên châu thổ sông Cửu Long.

Cũng như ở Cái Bè hay Cái Răng, khi chiếc vỏ lãi đưa chúng tôi từ thành phố Cần Thơ đến gần thị xã Ngã Bảy thì từ xa khoảng năm bảy cây số đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của một chợ nổi.

Những chiếc xuồng con chở nặng trái cây lách mình ra khỏi các con rạch nhỏ, những chiếc tam bản hối hả chất đầy nông sản nơi bến nước trước nhà, và các chiếc thuyền to từ bến Ninh Kiều đổ xuống mang theo đủ thứ hàng hóa của Sài Gòn, Chợ Lớn. Tất cả, có đến hàng ngàn chiếc vỏ lãi tụ tập về chợ nổi Phụng Hiệp nổi tiếng lâu đời ở đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất với những dấu ấn sâu đậm của một nền văn minh sông nước vốn đã manh nha từ hơn hai ngàn năm trước.

Chợ nổi Phụng Hiệp trên bến dưới thuyền nhưng du khách lần đầu đến đây không dễ gì phân biệt được đâu là bến, đâu là thuyền, đâu là tên gọi của một trong bảy dòng kinh tỏa về tứ phía như những mạch máu của đồng bằng. Một vùng sông nước dài mấy ngàn mét như thể đặc kín, như thể đong đầy bởi các thuyền lớn thuyền bé, nhấp nhô len lỏi, mỗi lúc một hiện rõ, rạng rỡ dưới ánh bình minh.

Ở đây sông nước là ngôn ngữ. Người ta chỉ chào hỏi nhau những câu ngắn gọn, và rồi hàng được mua, tiền được trả, không ồn ào, không kỳ kèo trả giá như thể tôn trọng cái tĩnh lặng hiền hòa của sông nước phương Nam.

Ở đây có những thói quen, những nền nếp lâu đời. Thuyền to là người mua, thuyền nhỏ là kẻ bán. Những chiếc xuồng con mua bán hàng hóa hay cung cấp dịch vụ ăn uống lượn quanh các con tàu lớn, tạo thành các dòng thuyền lưu chuyển sống động nhưng rất trật tự.

Phải đến giữa trưa, khi vãn dòng thuyền con thì các tàu lớn mới bắt đầu nổ máy nhổ neo, mang theo đủ thứ vật phẩm đồng bằng đến các miền chợ xa, ở Nam Vang, Đồng Tháp, Biên Hòa, Sài Gòn, đến các tỉnh duyên hải miền Trung hay ra các thành phố phía Bắc.

Lịch sử nền văn minh sông nước ở đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu từ rất sớm, từ thiên niên kỷ thứ I trước Công nguyên. Lúc bấy giờ, tiền thân những người Óc Eo từ vùng cao Tây Nguyên thiên di xuống châu thổ kiếm nguồn thức ăn và thịt cá nơi các đồng lúa nổi. Người ta gọi dòng lúa nổi ở châu thổ sông Cửu Long là lúa trời vì cư dân lúc bấy giờ không phải gieo cấy. Những hạt lúa chín rơi rụng và bị kết cứng trong bùn khô vào đầu mỗi mùa nắng sẽ nảy mầm khi mùa mưa đến làm cho đất mềm. Cây lúa lớn mạnh theo từng con lũ trong khi các cây cỏ khác bị chết ngộp không theo kịp nước, và về cuối mỗi mùa lụt thì chúng đơm bông, kết hạt cứng chắc, nặng trĩu, sẵn sàng cho vụ thu hoạch.

Việc thu hoạch lúa trời diễn ra vào cuối mỗi mùa nước lụt nên cư dân phải kết gỗ làm thành xuồng, bè để di chuyển theo những dòng nước nhất định tạo thành luồng lạch, khởi đầu cho việc hình thành hệ thống đường nước mà trong mùa khô chúng là con đường, sang mùa nước lại trở thành dòng kinh. Sau này khi nhiều trung tâm cư trú đông hơn được thành lập thì người ta nối thẳng các đường nước thành sông đào, kinh đào, và tạo ra các bến nước làm nơi thuyền bè tụ họp thành thứ chợ nổi trao đổi hàng hóa sản vật.

Các luồng lạch cứ thế mỗi năm một lấn sâu vào cánh đồng lúa nổi mênh mông giữa vùng ngập nước. Cư dân bắt đầu kết cây tạo thành những nơi cất trữ hạt lúa ở ngay giữa vùng thu hái, lâu dần tạo ra kiểu nhà sàn vừa để cư trú vừa làm kho lẫm tích trữ lương thực cho đến vụ sau. Nhà sàn được dựng ở nơi thế đất cao bên cạnh đường nước nên trong các mùa lụt thú rừng tụ tập làm nơi tránh lũ, lâu dần chúng trở nên quen người. Bằng việc cho ở, cho ăn, con người bắt đầu khả năng thuần hóa nhiều loài hoang dã, trong đó con heo đã trở thành vật nuôi lấy thịt từ rất sớm.

Nền văn minh sông nước ở Nam bộ đạt đến đỉnh cao trong giai đoạn Óc Eo – Phù Nam (thế kỷ I-VII) với việc hình thành một dãy những thương điếm mà nay lưu lại dưới dạng chợ nổi như Phụng Hiệp, Cái Răng, Châu Đốc, Cái Bè và đặc biệt thiết lập hai thương cảng quốc tế nằm trên con đường hương liệu, một ở phía Đông gọi là Rịa Nai (Rinai) và một ở phía Tây gọi là Óc Eo (Oud) nằm nơi mặt Đông ngọn núi Ba Thê. Lộ trình giao thương đường biển lúc bấy giờ đi thẳng từ vịnh Rạch Giá vào cảng Óc Eo đến cảng Rịa Nai ra vịnh Cần Giờ, không vòng qua bán đảo Cà Mau như hiện nay.

Thương cảng Óc Eo là một quần thể gồm cả cảng sông và cảng biển, cũng là nơi hội tụ của hơn 30 dòng sông đào nối với các đô thị. Cảng sông nằm ở phía Đông ngọn núi Ba Thê là nơi tụ họp của các bến nước tạo thành một dãy chợ nổi. Nơi đây các ghe thuyền lui tới trao đổi hàng hóa với cư dân tại chỗ, cũng là nơi cung cấp lương thực cho nội thành mà theo thư tịch cổ thì gồm vua chúa, đạo sĩ, quan lại, binh lính, công nhân và thương nhân bản địa hay đến từ các tàu buôn. Các kho hàng và xưởng luyện vàng, nấu thủy tinh, chế tác đá quý tập trung phía sau một hào nước dài và sâu vốn là cửa ngõ kinh đô Phù Nam lúc đó, nay dấu tích tìm thấy ở ấp Trung Sơn kéo dài từ dưới chân chùa Linh Sơn đến giồng Cây Trôm.

Cách phía Nam ngọn núi Ba Thê từ 1,5-3 ki lô mét là một bến cảng tạo nên bởi các rãnh nước sâu nằm giữa những mỏm đá ngầm của khu Núi Nổi. Đây là nơi các tàu viễn dương neo đậu để tiếp nhận sản vật từ các tàu chợ trong vùng, cũng là nơi trao đổi hàng hóa giữa các tàu đến từ phương Đông như Trung Hoa, Nhật Bản với các tàu đến từ Ấn Độ, Ba Tư và từ biển Đỏ, nơi cửa ngõ đế quốc La Mã. Trầm hương có tên là “ud”, các loại gia vị để bảo quản thực phẩm, đường thốt nốt, ngọc trai các loài hàu biển, thủy tinh và đá quý cùng sừng tê giác, ngà voi và nanh heo rừng từ thương cảng Óc Eo nay được tìm thấy nơi nhiều thương điếm trên con đường hương liệu.

Nhiều thư tịch cổ đề cập đến hoạt động nhộn nhịp của thương cảng Óc Eo suốt nhiều thế kỷ đầu Công nguyên, biến nó thành nơi đô hội phồn vinh mà các thương nhân đóng thuế bằng bạc! Tập ký sự “Chuyện lạ ở phương Nam” của hai sứ thần Trung Hoa, Chu Ứng và Khang Thái, mô tả các con tàu Phù Nam gồm bốn cột buồm với những cánh buồm nằm nghiêng, đủ lớn để chở hàng trăm người với 40-50 tay chèo.

Hoạt động thương thuyền Óc Eo thời đó rất có quy củ, các chủ tàu Phù Nam chỉ lấy tiền công khi thuyền của họ đến nơi đúng hẹn. Từ thế kỷ thứ IV, các đoàn tàu Ba Tư cũng băng qua thủy lộ này để ghé thăm các cộng đồng người Iran tại Óc Eo trước khi đi vào biển Đông, lộ trình này vẫn được giữ nguyên cho tới thế kỷ thứ VIII.

Óc Eo ngày xưa hay Phụng Hiệp ngày nay, hay Châu Đốc, Cái Bè, Cái Răng và hàng chục nơi khác, những hình ảnh tưởng chừng khác xa nhưng thực ra cũng chỉ là một. Cũng những dòng kinh nối nhau như những mạch máu đổ về tim, cũng những bến nước ngày xưa tức chợ nổi ngày nay tạo nên sự trù phú của một thương cảng, cũng các ngôi nhà sàn cho dù bị chen lấn bởi quá trình đô thị hóa mạnh mẽ gần đây. Ở đó, nơi đã khởi đầu nền văn minh sông nước, cũng là những con người hiền hòa, trọng nghĩa khí, yêu thiên nhiên, giàu lòng hào hiệp, và luôn lưu tồn trong máu huyết của mình tình yêu sông nước và những kỹ năng sáng tạo tuyệt vời.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới