Về vấn đề “làng cổ Đường Lâm”
Nguyễn Tùng (Paris)
LTS: Sau khi cuốn Làng mạc ở châu thổ sông Hồng của hai tác giả Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski được phát hành, báo Thanh Niên ngày 23-7-2020 có bài viết tựa đề Phải chăng không có “Làng cổ Đường Lâm”?, nêu một vài ý kiến của các giáo sư trong ngành lịch sử và Việt Nam học về cuốn sách này. Sau đó, tác giả Nguyễn Tùng đã có bài viết gửi tới TBKTSG, nhằm nói rõ góc nhìn của ông và Nelly Krowolski về “làng cổ Đường Lâm”. TBKTSG xin giới thiệu đến những bạn đọc quan tâm.
![]() |
Cổng làng Đường Lâm. Ảnh: TTXVN |
Trong bài báo trên Thanh niên ngày 23-7-2020 có liên quan đến cuốn Làng mạc ở châu thổ sông Hồng, nhà báo Ngọc An đã chủ yếu tóm lược vài ý kiến của GS. Nguyễn Văn Khánh (khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) và GS. Nguyễn Quang Ngọc (nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển), được trình bày trong buổi tọa đàm xung quanh cuốn sách nói trên vừa diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội). Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là, theo nhà báo Ngọc An, GS. Nguyễn Quang Ngọc đã khẳng định rằng “tác giả Nguyễn Tùng đã phủ định tuyệt đối làng cổ Đường Lâm”, dù trong cuốn sách tôi đã giới thiệu khá chi li làng cổ Mông Phụ ở xã Đường Lâm (Hà Nội). Vì nghĩ là đã có sự ngộ nhận, tôi xin mạn phép trình bày ngắn gọn cách nhìn của tôi về mấy điểm sau đây:
1. Không thể dùng từ “làng” để gọi xã Đường Lâm hiện nay
Như ta biết, xưa kia đơn vị hành chính cơ sở của nước ta thường được gọi là xã, thôn, hoặc, ít hơn rất nhiều, giáp, phường, trang, trại... Trong thời Pháp thuộc, khoảng từ đầu thế kỷ 20 trở đi, tất cả các đơn vị hành chính cơ sở đều chính thức được gọi là “xã”. Thế nhưng, trong cuộc sống hàng ngày, người Việt thường dùng từ làng để chỉ xã, vì nó có thêm một chút gì thân thương, tình cảm, hay nói như nhà dân tộc học quá cố Nguyễn Từ Chi là “cảm xúc” (émotionnel)(1). Cũng xin nói thêm rằng từ làng cũng được dùng cho các thôn thuộc vào một xã khi chúng có một bản sắc riêng (chẳng hạn có đình, chùa và một số tập tục riêng như hai thôn của xã Mông Phụ thời xưa là Mông Phụ và Phụ Khang).
Sau năm 1945, chắc vì thấy rất nhiều xã thường quá nhỏ (lắm khi chỉ có mươi hộ!), chính quyền cách mạng đã lập ra xã (mới) gồm nhiều xã (cũ), tức tương đương với tổng thời xưa: chẳng hạn xã (mới) Ðường Lâm hiện nay gồm cả thảy 9 thôn và là hóa thân của tổng Cam Thịnh. Cũng như thời xưa, hiện nay mọi người đều gọi một cách thân thương chín thôn ấy là chín làng. Do đó ta không thể dùng từ làng để gọi xã (mới) Đường Lâm; nếu không sẽ có sự lẫn lộn giữa “làng = xã (mới) = tổng thời xưa” với “làng = xã (cũ) = thôn hiện nay”.
Tưởng cũng nên nói thêm rằng, do việc chính quyền cách mạng lập ra xã mới, khi gặp từ xã, lắm khi ta không biết đó là xã (cũ) trước 1945 (thành phần của tổng) hay là xã hiện nay (tương đương với tổng gồm nhiều thôn hay làng)! Để tránh lẫn lộn, phải chăng nên gọi xã mới là tổng như trước Cách mạng tháng Tám?
2. Xã Đường Lâm hiện nay không phải là một “làng cổ”
Trước hết là vì, như vừa trình bày trên đây, ta không thể dùng từ “làng” để gọi xã (mới) Đường Lâm.
Lý do thứ hai: trong số chín thôn thuộc xã Đường Lâm hiện nay có năm thôn thực sự là những làng cổ (trên 500 năm, có nhiều kiến trúc xưa...), đó là Cam Thịnh, Cam Lâm, Ðoài Giáp, Ðông Sàng và nhất là Mông Phụ. Bốn thôn kia thì đều tương đối mới, chẳng hạn thôn Văn Miếu được tách ra từ Mông Phụ cách đây chỉ hơn mươi năm!
Phải chăng để dùng từ “làng” cho thực chính xác, ta nên dùng các cụm từ như “quần thể làng cổ Đường Lâm”, “(các) làng cổ ở Đường Lâm”...?
3. Về tên Đường Lâm
Hiện nay, dường như hầu hết các sử gia ở Việt Nam đều theo quan điểm của một số sử gia thuộc triều Nguyễn - như Nguyễn Văn Siêu (1795-1872) trong Đại Việt địa dư toàn biên - cho rằng địa danh Đường Lâm, quê hương của hai vị anh hùng dân tộc Phùng Hưng và Ngô Quyền là tên của làng Cam Lâm (甘霖 = mưa dầm dịu) hiện nay (vốn có tên là Cam Tuyền (甘泉 tức suối ngọt) được đổi tên vào năm Thiệu Trị thứ hai (1842) vì “tuyền” (泉) là một trong ba chữ húy thời Thiệu Trị(2)), chứ không phải là tên huyện như đã được ghi trong nhiều sử liệu của Việt Nam và Trung Quốc.
Cũng xin nói thêm rằng tổng Cam Giá Hạ (-> tổng Cam Giá Thịnh -> tổng Cam Thịnh -> xã Đường Lâm), cùng với tổng Cam Giá Thượng (-> tổng Cam Thượng -> xã Cam Thượng) láng giềng, chắc là hai hóa thân của giáp Cam Giá vào đời Lý. Thật vậy, theo Đại Việt sử ký toàn thư (I: tr. 247), năm 1117 “người giáp Cam Giá dâng hươu đen” cho vua Lý Nhân Tông (xã Đường Lâm thuộc vùng “bán sơn địa”, khá gần núi Ba Vì). Như ta biết, từ Hán-Việt cam giá 甘蔗 có nghĩa là “cây mía” xưa kia vốn được trồng rất nhiều ở vùng này, nên “mía” trở thành tên nôm của nó trong nhiều thành ngữ như “phố Mía” (tức phố Tân Hội nay không còn nữa), “chùa Mía” (tức chùa Sùng Nghiêm ở Đông Sàng), “chợ Mía” (chợ Đông Sàng), “gà Mía”, “bà chúa Mía”...
Tóm lại, ít ra là từ thế kỷ XII cho mãi đến ngày 21-11-1964 (khi xã Phùng Hưng được chính thức đổi tên thành xã Đường Lâm), tất cả các làng thuộc xã Đường Lâm hiện nay (kể cả làng Cam Lâm) dường như chưa bao giờ có tên được tạo với hai từ tố đường 唐 và lâm 林.
(1) Le village traditionnel au Vietnam, HàNội, NXB.ThếGiới, 1993
(2) Xem Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Hà Nội, NXB. Vănhóa, 1997, tr. 141-142.