Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Về vụ bắt tạm giam người mẫu Ngọc Trinh

Lê Minh Tiến(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Câu chuyện người mẫu Ngọc Trinh bị bắt vì tội gây rối trật tự công cộng đã thu hút sự chú ý rất lớn từ dư luận trong những ngày qua. Dĩ nhiên là dư luận có những ý kiến trái chiều, trong đó có những ý kiến bênh vực cô người mẫu này chẳng hạn như “tuy cô thực hiện hành vi biểu diễn xe mô tô có vi phạm nhưng chưa gây hậu quả trực tiếp gì nên không đáng bị khởi tố và bắt giam”.

Thật ra, nếu cô người mẫu này biểu diễn, lái xe mô tô vi phạm thì có lẽ cô chỉ bị phạt hành chính, nhưng cái lỗi lớn nhất của cô là đã ghi hình lại hành vi sai phạm của mình và phát tán trên mạng xã hội. Đây là một vấn đề nghiêm trọng và chính vì thế, cơ quan chức năng tiến hành khởi tố và bắt giam là hoàn toàn có lý.

Có một nhận thức mà có lẽ đã được công nhận rộng rãi, đó là mạng xã hội là một phương tiện truyền thông đại chúng có sức thu hút lớn nhất hiện nay, nhất là giới trẻ và tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội ở nước ta ngày càng tăng. Và trong nghiên cứu về tội phạm, một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng tỷ lệ tội phạm và những hành vi lệch lạc trong xã hội là do những nội dung về tội phạm và lệch lạc được truyền tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội.

Các nhà nghiên cứu đã nói đến môi trường sản sinh tội phạm (criminogenic) của các phương tiện truyền thông đại chúng vì những lý do sau. Thứ nhất, khi hành vi lệch lạc và tội phạm được phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội thì nó sẽ thúc đẩy cho những hành vi phạm tội và lệch lạc trong tương lai (chứ không gây ra tức thời, trực tiếp) bởi như nhà xã hội học tội phạm người Mỹ Edwin Hardin Sutherland (1883-1950) đã từng chứng minh “tội phạm là hành vi được học hỏi” (crime is learning).

Rõ ràng những thước phim ghi lại hành vi biểu diễn xe mô tô vi phạm luật lệ và nguy hiểm của Ngọc Trinh có thể là “hình mẫu bắt chước” trong tương lai, nhất là đối với giới trẻ, và như thế, việc sai phạm của cô có thể thúc đẩy cho sự sai phạm trong tương lai.

Dĩ nhiên, không phải ai xem các hình ảnh sai lệch, tội phạm trên truyền thông hay mạng xã hội đều sẽ bắt chước làm theo. Tuy nhiên, trong công trình nghiên cứu về thiên hướng tội phạm của nhà xã hội học người Bỉ Adolphe Quételet thì mỗi người chúng ta đều có thiên hướng tội phạm ở những mức độ cao thấp khác nhau và tùy theo độ tuổi, và độ tuổi thanh thiếu niên là độ tuổi có thiên hướng tội phạm cao nhất.

Chính vì muốn kiềm chế cái thiên hướng tội phạm nơi con người nên nhà nước mới đẩy mạnh việc giáo dục, đề ra các quy tắc, chuẩn mực xã hội, phổ biến cái tốt, cái hợp chuẩn để không “khơi gợi” thiên hướng tội phạm và lệch lạc nơi con người.

Video của người mẫu Ngọc Trinh, thật đáng buồn, đã đi ngược lại những nỗ lực đó của xã hội. Do đó, việc cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý những hành vi lệch chuẩn trên các trang mạng truyền thông xã hội là điều cần thiết và phải làm thường xuyên hơn, nhất là đối với những người nhiều có ảnh hưởng đến giới trẻ.

(*) Giảng viên trường Đại học Mở TPHCM

14 BÌNH LUẬN

  1. Vậy theo bài báo đây là suy đoán có tội chăng. Những người rèn mua bán dao trên mạng có phạm tội không nếu có người mua dao gây án.

    • Bạn đã nhầm lẫn. Rèn mua bán dao trên mạng ko phải hành vi vi phạm. Còn hành vi của Ngọc Trinh đã là vi phạm. Hành vi đã sai lại còn tuyên truyền phát tán rộng rãi càng sai.

  2. Ủng hộ. Đã sai, nhưng không nhận thức rõ còn phát tán, nhất là người có nhiều fan hâm mộ, chỉ cần tỉ lệ 1% học hỏi theo thì cũng rất nhiều người vi phạm rồi. Mà sai còn không khoá, xoá để thách thức nữa thì ở tù mới nhận thức được thôi.

  3. Bắt là đúng người, đúng tội rồi, không oan! Đáng lẽ việc xử lý hình sự các hành vi làm mất trật tự an toàn xã hội trên mạng Internet, xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của người khác phải được cơ quan Công an xử lý sớm hơn, triệt để hơn, kiên quyết hơn! Mỗi công dân, nhất là trẻ em có quyền được hưởng 1 không gian mạng sạch sẽ, bổ ích, văn minh và tiến bộ, có lợi cho sự hình thành, phát triển của nhân cách, kỹ năng, đạo đức và kiến thức. Những kẻ tội phạm như Ngọc Trinh đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp đó của xã hội và phải bị trừng trị!

    • Mình đồng ý với bạn, chuyện này chỉ là quay clip quảng cáo, nó rất nhỏ, chỉ cần phạt hành chính là được. Truy tố hình sự là cố làm to chuyện và ép tội rồi.

  4. Ngọc Trinh ảnh hưởng rất lớn đến xã hội,mà ảnh hưởng xấu còn nhanh hơn,học theo nhiều hơn,nên việc cơ quan chức năng xử lý Ngọc Trinh cũng răn đe được nhiều hơn và tiếng vang răn đe lan tỏa rộng hơn và có ảnh hưởng tích cực đến xã hội

  5. Tôi hoàn toàn đồng tình với cách xử lý của công an trong vụ này. Không thể cứ “đẹp, nổi tiếng” thì muốn làm gì cũng được vì nghĩ rằng nhà nước sẽ “du di, bỏ qua”. Hệ quả, như tác giả bài báo phân tích, là điều có thể xảy ra đối với các fan hâm mộ trẻ thích làm theo idol của mình.

  6. Sai phạm của Ngọc Trinh ( ? )tuy chỉ đáng phạt hành chính nhưng phát tán trên mạng kích thích “giới trẻ” đua đòi thành phong trào thì nguy hiểm khôn lường . Là các phụ huynh tôi thấy phải sử hình sự là đúng . Ai bênh “Ngọc Trinh ” có con cái hoặc có con cái nên bình tâm mà suy nghĩ .

    • Ngọc Trinh đáng phê phán, không nên bênh, bênh là bênh pháp quyền, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không thể nổi tiếng thì bị bắt, dân thường thì không, hậu quả phải được xác định, suy diễn thì phải theo nguyên tắc suy đoán vô tội, trật tự công cộng là gì, có đúng quy định của luật pháp chưa, xử lý đúng pháp luật sẽ được đồng thuận. Ngọc Trinh có lỗi sai trong vụ này, cần phải nghiêm trị theo đúng hành vi.

  7. Vậy còn việc khám nhà? Vậy một cậu phóng xe trên đường, bị ai đó quay hình ảnh lại đăng lên mạng thì ông nào bị khám nhà? ông đăng hình ảnh hay ông phóng xe và lý do tại sao?

  8. Bắt xử lý hình sự vì quay clip biểu diễn? Ngọc Trinh nhiều nhất chỉ nên xử lý hành chính thôi. Có vô số những clip ca nhạc, quảng cáo như nằm đường ray xe lửa, đập phá, vác dao, súng các kiểu, không lẽ chúng ta cũng phạt? Mặc dù muốn chấn chỉnh văn hóa xã hội nhưng cần tìm vụ hợp lý mang tính răn đe, vụ này có không ít ý kiến trái chiều. Răn đe cần tìm các vụ được mọi người đa phần đồng thuận, không phải dùng các vụ ý kiến ngược xuôi thế này rồi mặc kệ làm tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới