(KTSG) - Từ một làng quê ít người biết đến, xóm Rộc thuộc thôn Vinh Ba, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên giờ đây trở thành một địa chỉ du lịch sinh thái được nhiều người yêu thích với những cánh đồng sen thơm ngát, trong lành. Du khách đến đây không chỉ được ngắm sen, đắm mình trong hương sen mà còn được thưởng thức vị trà sen độc đáo làm từ giống sen truyền thống của địa phương.
- Những làn gió mới cho nghề thủ công truyền thống
- Đầu năm, ghé thăm ngôi nhà 3 đời giữ lửa nghề làm bánh tét truyền thống
Xóm Rộc trước đây là cánh đồng ruộng rộc - tức ruộng trũng thấp, diện tích nhỏ và thường nằm giữa chòm xóm. Từ khi làng xóm đông đúc, việc tiêu úng nơi các cánh đồng trũng thấp này thành khó khăn hơn, khiến việc trồng lúa không còn thích hợp nữa. Khi ấy, chính quyền xã vận động người dân chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng sen nhưng chưa ai mạnh dạn hưởng ứng.
Năm 2018, nông dân Lê Văn Nho đã mạnh dạn nhận trồng giống sen được chính quyền mua về từ xã Hòa Xuân Đông trên thửa ruộng 2.000 mét vuông của gia đình. Ông làm tạm cái trại giữa ruộng, có cầu khỉ ra vào để giữ sen. Tình cờ, vào các dịp hè và Tết, sinh viên về quê chụp ảnh làng sen và truyền nhau trên mạng xã hội. Hình ảnh lan rộng đã kéo nhiều nhóm thanh niên các làng lân cận đến chụp ảnh, họ cũng đăng lên mạng xã hội và khách đến chơi ngày càng đông. Rồi nhờ chính quyền động viên, ông Lê Văn Nho gia cố thêm cho trại, bán thêm thức uống cho các bạn trẻ… và quán Trại sen Gia Bảo - điểm dừng chân của du khách - đã ra đời như thế. Không dừng lại ở đó, ông Nho tận dụng sen để làm trà sen đãi khách.
Theo ông Nho, trà sen Gia Bảo có sự khác biệt với trà sen Tây Hồ, Hà Nội vì hương sen không át hương trà, vị sen không làm mất hậu vị của trà Bắc. Ông Nho giải thích sự khác biệt này chính là nhờ thổ nhưỡng đặc biệt của Phú Yên vừa có nắng gắt, lại vừa có sương đậm vào mùa sen nở. Để có được những búp trà sen đậm đà hương vị trà Bắc, thoang thoảng hương sen, chiều xuống, ông cùng vợ và các con ra ruộng sen, dùng dây có màu trắng buộc đánh dấu những đóa sen hàm tiếu có thể nở vào tối. Chừng 11-12 giờ đêm, cả nhà đội đèn pin trên đầu, lại lội xuống ruộng sen để cho trà Bắc vào những đóa sen vừa nở, rồi cột túm hoa lại để trà không rơi ra và sen ngậm được khi sương xuống. Chừng 4-5 giờ sáng là cả nhà ra ruộng sen một lần nữa để cắt hoa, kết thúc trước khi mặt trời lên để giữ độ tươi của cánh hoa. Cứ thế, mùa sen nở là mùa cả gia đình cùng vào việc…
Ông Nho cho biết khi còn nhỏ đã thường xuyên lui tới chùa Hương Tích nơi cách làng Vinh Ba của ông không xa. Mỗi khi vào chùa, ông đều được dịp chứng kiến cách các nhà sư pha trà, dùng trà, lớn hơn ông còn may mắn được các sư mời trà và trò chuyện về trà. Các nhà sư còn chỉ cho ông biết chỗ nào ở Phú Yên có nguồn nước để pha trà ngon nhất.
Trại trà sen Gia Bảo của ông Nho giờ là một điểm đến của những người thích trà sen và những đoàn khách quý của UBND xã. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng cùng với giống sen truyền thống nơi đây, cộng với hương vị của trà Bắc, đã làm nên chất lượng, hậu vị rất riêng của trà sen Gia Bảo. Ông Nho cho hay vì số lượng trà sen Gia Bảo chưa được sản xuất nhiều, không đủ cung cấp cho người muốn mua. Hiện ông Nho chỉ mới làm trà để chia sẻ cho người quen thích loại trà này. Vậy nên, chuyện đăng ký nhãn hiệu trà sen trước mắt vẫn chưa được ông tính đến.
Thiết nghĩ, nếu chính quyền địa phương có kế hoạch vận động thêm nhiều gia đình trồng sen cùng làm, tạo ra sản lượng lớn và ổn định, Phú Yên chắc sẽ có thêm một sản phẩm OCOP từ sen được nhiều người ưa thích.
(*) Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Yên