Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

VEA lưu ý năng lực nhà thầu của các dự án điện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

VEA lưu ý năng lực nhà thầu của các dự án điện

Văn Nam

VEA lưu ý năng lực nhà thầu của các dự án điện
Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho rằng nguồn nguyên liệu sản xuất điện như khí, than đang dần cạn kiệt – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đã kiến nghị cần thực hiện đúng qui chế đấu thầu, lưu ý đến năng lực và kinh nghiệm của các nhà thầu trong quá trình triển khai các dự án điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 (Quy hoạch điện VII).

>>> VEA đề nghị bỏ thủy điện tích năng, giảm nhiệt điện than

Theo văn bản kiến nghị lên các bộ ngành liên quan vào cuối tuần qua, VEA cho rằng đối với chất lượng thiết bị của các dự án điện trong thời gian tới, cần sử dụng thiết bị phải nhập như lò hơi, tua bin, máy phát, trung tâm điều khiển thì nên nhập từ các nước G7 và các nước phát triển, còn lại các cấu kiện thiết bị trong nước sản xuất được thì giao cho trong nước cung cấp.

VEA cho rằng trong thời gian qua, nhiều dự án không thực hiện đúng cơ chế đấu thầu của nhà nước đề ra mà chủ yếu là đưa ra đấu giá, dẫn tới lựa chọn một số nhà thầu (kể cả nhà thầu cho vay vốn) không đủ năng lực, kinh nghiệm, chất lượng thiết bị và chuyên gia kém, dẫn tới một số dự án bị kéo dài tiến độ và chất lượng dự án không tốt sẽ gây hậu quả xấu sau này.   

Theo chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi, thời gian tới các nhà thầu nước ngoài trúng thầu chỉ được đưa chuyên gia sang hướng dẫn chỉ đạo, giám sát… còn công việc xây dựng và lắp đặt thiết bị nhất thiết phải giao cho công nhân và kỹ sư Việt Nam thực hiện.

Tránh tình trạng nhiều dự án nhiệt điện than vừa qua nhà thầu Trung Quốc làm hết tất cả mọi việc kể cả việc bảo vệ, quét rác… trong lúc đó hàng ngàn kỹ sư, công nhân Việt Nam rất thành thạo trong việc xây dựng và lắp đặt thiết bị của các nhà máy này thì không có việc làm.

Theo Quy hoạch điện VII, đến năm 2020 tổng công suất phát điện cả nước đạt 75.000 MW (hiện nay đạt khoảng 26.000 MW), trong đó thuỷ điện 19.125 MW, nhiệt điện than 36.000 MW, nhiệt điện khí 12.375 MW, năng lượng tái tạo 4200 MW, điện hạt nhân 975 MW và nhập khẩu điện 2.325 MW.

VEA cho rằng một số dự án đáng lẽ phải đưa vào vận hành thương mại năm 2011 song đến nay vẫn đang trong tình trạng xử lý sự cố như nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng tổ máy 2. Còn nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I, An Khánh I phải hoàn thành trong năm 2012 nếu thuận lợi cũng phải năm 2013 mới có thể đưa vào vận hành được.

Hầu hết các dự án nằm trong danh mục nguồn điện xây dựng trong giai đoạn 2011-2020 theo Quy hoạch điện VII được bố trí từ miền Bắc vào các tỉnh miền Trung và miền Nam, đến nay có một số chưa xác định chủ đầu tư, số còn lại các chủ đầu tư triển khai rất chậm, trong đó có yếu tố thiếu nguồn vốn, khó khăn trong giải phóng mặt bằng…

Chẳng hạn như Quy hoạch điện VII phê duyệt 36 dự án nhà máy nhiệt điện than triển khai từ năm 2011-2020 với tổng công suất 31.940 MW, đến nay mới chỉ có 1 dự án (Cẩm Phả 2) đưa vào vận hành, 1 dự án đang nghiệm thu (Uông Bí mở rộng 2), 1 dự án đang đấu thầu chọn nhà đầu tư BOT (Nghi Sơn 2), còn lại 33 dự án chỉ đang chuẩn bị đầu tư hoặc chưa xác định được chủ đầu tư. 

VEA đánh giá hầu hết các dự án nhiệt điện chạy than, do nhiều nguyên nhân đều có khả năng bị chậm nhiều so với tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII. “Thời gian chỉ còn khoảng trên 8 năm để đạt được mục tiêu 75.000MW, việc này khó trở thành hiện thực”, ông Trần Viết Ngãi nhận định trong văn bản kiến nghị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới