VFF, AVG và VPF đang tranh chấp gì?
Nguyên Tấn
![]() |
Một trận đấu tại giải Super League. Ảnh Trần Huy |
(TBKTSG Online)- Khi đề cập đến sự kiện xung đột nóng bỏng đang diễn ra mấy tuần gần đây giữa VFF, AVG và VPF, nhiều tờ báo trong đó có TBKTSG Online gọi đó là vụ việc tranh chấp (hay cuộc chiến, đại chiến…) về “bản quyền truyền hình bóng đá”. Nếu ngẫm kỹ, dường như đã có sự ngộ nhận trong cách gọi trên?
>>> Kịch bản nào cho cuộc chiến giữa VFG, VFF và VPF?
Không liên quan
Cách nói trên ngay các bên tranh chấp cũng thường xuyên được sử dụng trong các văn kiện pháp lý của mình. Ví dụ, tại Công văn số 1102/CV-LĐBĐVN ngày 30-12-2011 của VFF ghi VFF “…đã ký kết hợp đồng độc quyền khai thác bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp với AVG từ năm 2011-2030”. Hoặc VPF: “quyền sở hữu bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp thuộc về VFF và các CLB bóng đá chuyên nghiệp” (CV số 26/CV/VPF/2012 ngày 4-1-2012 của VPF) v.v…
Bản quyền không phải là một thuật ngữ pháp lý mà chỉ là một cách nói nôm na để chỉ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).
SHTT là những sản phẩm, thành quả mang tính sáng tạo đạt được thông qua hoạt động trí tuệ của con người. Ví dụ, một bài thơ, cuốn tiểu thuyết, chương trình máy tính, bản nhạc, bài hát, điệu múa, bức ảnh, nhãn hiệu hàng hóa v.v…
Quyền SHTT là quyền được nhà nước bảo hộ đối với những sản phẩm, thành quả sáng tạo nói trên. Theo Luật SHTT, quyền SHTT bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả ; quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Như vậy, khi nói đến bản quyền truyền hình bóng đá hay quyền SHTT đối với truyền hình bóng đá tức là nói đến quyền tác giả hoặc quyền liên quan đến quyền tác giả đối với một sản phẩm, thành quả mang tính sáng tạo nào đó trong lĩnh vực truyền hình bóng đá. Ví dụ, tác phẩm tường thuật, ghi lại trận đấu bóng ; chương trình truyền hình về trận đấu bóng v.v...
Nghĩa là, phải có một tác phẩm nào đó và từ đấy phát sinh quyền (quyền tác giả hoặc quyền liên quan) đối với tác phẩm đó. Đối chiếu với vụ việc vừa nêu, trong tranh chấp này hầu như không có bóng dáng tác phẩm nào cả và những vấn đề tranh chấp giữa VFF, AVG và VPF hầu như không hề “ăn nhập” hoặc liên quan bất cứ điều gì với những quyền trên.
Do vậy, sử dụng khái niệm “bản quyền truyền hình bóng đá” trong trường hợp trên có lẽ là không ổn xét trên phương diện pháp lý.
Vậy, là tranh chấp gì?
Theo LS Nguyễn Thành Long, Trưởng Chi nhánh Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh tại TPHCM, tranh chấp trong vụ việc giữa VFF, AVG và VPF có thể xem là tranh chấp về quyền tài sản của người biểu diễn - một khái niệm pháp lý được quy định bởi Luật SHTT. Cuộc biểu diễn ở đây chính là trận bóng đá và thông thường các câu lạc bộ, người đầu tư cho trận đấu là người có quyền tài sản đối với trận đấu đó.
Tuy nhiên, cách hiểu như trên có vẻ như vượt ra khỏi giới hạn của Luật SHTT vì luật này quy định đối tượng của cuộc biểu diễn phải là tác phẩm văn học, nghệ thuật và hơn nữa, quyền của người biểu diễn là một trong những hình thức của quyền liên quan. Chính LS Long cũng thừa nhận có một sự “vênh” nhất định với luật nếu coi tranh chấp giữa VFF, AVG và VPF như một tranh chấp về quyền tài sản của người biểu diễn.
Để nhìn đúng đối tượng tranh chấp, có lẽ nên bắt đầu từ sự kiện VPF cho phép hệ thống VTV được phép truyền hình trực tiếp và phát lại các trận bóng đá thuộc các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Chính hành động này đã châm ngòi cho cuộc tranh chấp và lập tức, ngay sau đó VFF và AVG đã phản ứng dữ dội, cho rằng VPF đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Như vậy, có thể thấy rằng đối tượng tranh chấp ở đây chính là quyền khai thác đối với các giải bóng đá nêu trên. Người có quyền khai thác có thể có các quyền cụ thể như: cho phép thu hình, phát lại trận đấu cho công chúng xem; cho phép quảng cáo tại nơi diễn ra sự kiện v.v...
Đồng tình với ý kiến trên, TS Nguyễn Vân Nam, Giám đốc Công ty luật Nam Hùng cho rằng đây là một quyền dân sự bình thường do pháp luật về dân sự điều chỉnh. Quyền này hoàn toàn không liên quan đến quyền SHTT.
Nếu đúng như trên, phải chăng Điều 53 Luật Thể dục Thể thao quy định “việc bảo hộ quyền sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp được thực hiện theo... pháp luật về sở hữu trí tuệ” cũng có sự nhầm lẫn?