(KTSG Online) - Thông thường, cá tra nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất sang thị trường Mỹ, châu Âu sẽ có giá bán tốt hơn so với cá “quá lứa”. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cá “quá lứa” lại tiêu thụ tốt và có giá bán cao hơn. Đâu là lý do dẫn đến hiện tượng này?
Cá tra nguyên liệu “quá lứa” được biết đến là cá lớn, có trọng lượng từ 1,2 kg/con trở lên, trong khi loại đạt tiêu chuẩn bán cho thị trường Mỹ, châu Âu là cá nhỏ, có trọng lượng từ 0,85-1 kg/con.
Những năm trước đây, khi thị trường tiêu thụ khó khăn, giá bán xuống thấp nông dân mới “neo lại chờ giá”, dẫn đến cá bị “quá lứa”. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, cá “quá lứa” lại được tiêu thụ tốt hơn so với cá nhỏ…
Cá “quá lứa” hút hàng!
Trao đổi với KTSG Online, ông Trần Tuấn Nhiêu, hộ nuôi và kinh doanh cá tra quy mô lớn, có liên kết sản xuất với nông dân ở Vĩnh Long và Đồng Tháp xác nhận, cá lớn đang được doanh nghiệp tiêu thụ tốt và có giá bán cao hơn so với cá nhỏ.
Cụ thể, cá tra nguyên liệu loại 1,2-1,4 kg/con (cá lớn) dù đã giảm 300-400 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 5-2024, nhưng đang được bán tiền mặt với giá 28.000 đồng/kg. Trong khi đó, cá nhỏ từ 0,85-1 kg/con có giá chỉ 26.000 đồng/kg, tức cá lớn đang có giá cao hơn 2.000 đồng/kg.
Nhiều người đặt ra vấn đề, vì sao giá cá tra nguyên liệu “quá lứa” lại hấp dẫn hơn so với loại đạt tiêu chuẩn bán vào những thị trường cao cấp như: Mỹ, châu Âu?
Theo ông Nhiêu giải thích, từ tháng 7 đến 10 năm nay là thời điểm cá nhỏ từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) cung cấp ra thị trường nhiều, khiến phân khúc sản phẩm này từ Việt Nam bán sang bị hạn chế, trong khi cá lớn bán vẫn tốt. Nếu Trung Quốc tiếp tục nuôi cũng không tăng trọng thêm vì thời tiết lạnh đây là lý do khiến giá cá tra nguyên liệu loại lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiêu thụ tốt và có giá bán cao hơn.
Hiện tại, cá tra nguyên liệu loại nhỏ (0,85-1 kg/con) được chế biến xuất khẩu sang thị trường châu Âu, nhưng do cước tàu biển vận chuyển sang khu vực này tăng cộng với việc tiêu thụ khó khăn, cho nên, khiến cá nhỏ ở trong nước tiêu thụ chậm.
Số liệu báo cáo về tình hình xuất khẩu cá tra sang châu Âu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang đây trong tháng 5-2024 đạt 14 triệu đô la Mỹ, giảm 16% so với cùng kỳ. Điều này, khiến lũy kế xuất khẩu cá tra sang châu Âu 5 tháng đầu năm đạt 70 triệu đô la Mỹ, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lạc quan những tháng cuối năm
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước trong tháng 5-2024 đạt 167 triệu đô la Mỹ, tăng 5% so với cùng kỳ. Điều này, giúp đưa luỹ kế xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm 2024 đạt 747 triệu đô la Mỹ, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cá tra cả năm 2024 đạt 2 tỉ đô la Mỹ, tăng 200 triệu đô la Mỹ so với kỳ. Trong khi đó, về sản xuất, thì diện tích nuôi đạt 5.700 héc ta, với sản lượng thu hoạch đạt 1,7 triệu tấn, đạt tương đương so với năm trước đó.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nhiêu cho biết, do tác động của xâm nhập mặn nên diện tích sản xuất ở một số địa phương như: Bến Tre, Trà Vinh đã bị thu hẹp đáng kể. “Ước sản lượng toàn vùng sẽ giảm khoảng 30% so với cùng kỳ”, ông ước tính.
Tuy nhiên, ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Trường Giang cho rằng, sản lượng cá tra nguyên liệu năm 2024 khả năng sẽ được giữ ổn định như cùng kỳ. Bởi lẽ, hai địa phương sản xuất trọng điểm của ĐBSCL là Đồng Tháp và An Giang có tỷ lệ nuôi thành công rất cao.
Theo ông Văn, năm ngoái cá nuôi bị nhiễm ký sinh trùng rất nhiều, tỷ lệ sống chỉ 40%, thậm chí có ao là 25%, nhưng nửa đầu năm nay phát triển tốt, thậm chí lên 90% đối với những ao cá được chích vaccine. “Tôi nuôi nhiều năm, nhưng chưa từng thấy năm nào thuận lợi như hiện nay, cá không bệnh và phát triển rất nhanh”, ông nói.
Dự báo của vị Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Trường Giang cho biết, từ nay đến cuối năm xuất khẩu cá tra thuận lợi hơn khi các loại cá thịt trắng trên thế giới như cá rô phi, cá lóc tăng cao, giúp "kích thích" người tiêu dùng quay lại cá tra nhiều hơn.
Trước bối cảnh nêu trên, theo ông Văn, nếu sản lượng nguyên liệu giảm 5%, giá xuất khẩu có khả năng sẽ tăng 10% và nếu sản lượng giảm 10% giá sẽ tăng 20%. “Thậm chí, chỉ cần sản lượng không tăng giá xuất khẩu cũng sẽ tăng”, ông nói.
Trao đổi với KTSG Online, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP)- đơn vị đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản- dự báo, trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, ngành cá tra có những triển vọng tăng trưởng nhất định. Bởi lẽ, sau một thời gian gặp khó khăn về nhu cầu tiêu thụ, suy thoái kinh tế cũng như tồn kho, thì một điểm “cân bằng mới” đang được tạo ra khi cầu tăng lên.
Cụ thể, với cơ cấu thị trường xuất khẩu lớn của ngành cá tra Việt Nam, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, thì nhu cầu ở những thị trường này đang phục hồi nên giai đoạn cuối năm ngành cá tra sẽ “dễ thở” hơn so với giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024. “Nhu cầu thực tế là có cộng với một mức giá hợp lý, tức không quá cao cũng không quá thấp nên sản phẩm cá tra vẫn là chọn lựa và sẽ bắt đầu tăng trưởng trở lại”, ông nhấn mạnh.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cũng đánh giá, triển vọng xuất khẩu cá tra 6 tháng cuối năm nay tiếp tục tăng như đã diễn ra trong tháng 5 và 6-2024.
The ông Quốc, thị trường cá tra hiện đã chạm đáy, tức không thể xuống thấp hơn nên chắc chắn sẽ phục hồi, nhất là khi nguồn nguyên liệu suy giảm trong khi thị trường tăng mua. “Báo cáo hiện nay cho thấy, đơn hàng xuất khẩu đã tăng trở lại, nhưng còn phụ thuộc vào quá trình thực hiện”, ông cho biết.
Ông Nhiêu thì cho rằng, tình hình xuất khẩu từ nay đến cuối năm phụ thuộc vào diễn biến thị trường thế giới. “Nếu đầu ra xuất ổn định, cá tra sẽ khởi sắc hơn, bởi dù bị cạnh tranh bởi Trung Quốc, Malaysia, thậm chí Campuchia, nhưng chất lượng cá tra Việt Nam đẹp hơn, thịt trắng, không ai thay thế được”, ông nhấn mạnh.