Thứ Bảy, 19/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vì sao Chính phủ không mặn mà huy động vốn dù lãi suất thấp?

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tiến độ phát hành trái phiếu chính phủ vẫn thấp so với kế hoạch đặt ra, trong bối cảnh lãi suất phát hành cũng đang ở mức gần như thấp nhất lịch sử. Đâu là lý do dẫn đến hiện tượng này? Liệu Chính phủ có cần phải hoàn thành kế hoạch huy động đặt ra bằng mọi giá?

Cần tăng cường giải ngân vốn đầu tư công để sử dụng hết ngân sách được phân bổ.

Không mấy mặn mà

Gần 238.300 tỉ đồng là tổng giá trị trái phiếu chính phủ (TPCP) đã phát hành thành công trong tám tháng đầu năm 2024. Con số này cao hơn tổng mức phát hành của cả năm 2022 (214.700 tỉ đồng) và tương đương 80% giá trị phát hành của cả năm 2023 (gần 298.500 tỉ đồng), cho thấy việc huy động vốn của Chính phủ qua kênh trái phiếu trong năm nay khá thuận lợi.

Với rủi ro trong nền kinh tế vẫn cao, nhiều kênh đầu tư không khả quan, dòng tiền của các nhà đầu tư tổ chức đã tập trung vào kênh đầu tư an toàn này. Đáng lưu ý, những tay chơi lớn trên thị trường TPCP là các tổ chức tín dụng cũng tiếp tục gia tăng dòng vốn vào đây, khi tín dụng vẫn chưa thể tăng trưởng như kỳ vọng, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng thương mại gốc quốc doanh.

Ngoài ra, do TPCP được xem là tài sản có hệ số rủi ro bằng 0 khi tính hệ số an toàn vốn (CAR), cũng như được tính vào tài sản thanh khoản cao khi tính tỷ lệ dự trữ thanh khoản, nên khi quy mô vốn của các ngân hàng tăng cũng sẽ kéo theo nguồn vốn rót vào TPCP có xu hướng ngày càng gia tăng. Tương tự như vậy là ở các công ty bảo hiểm, vốn có những hạn chế trong hoạt động đầu tư và đề cao tính an toàn nên thường rót phần lớn vốn vào kênh TPCP. Việc giá trị đấu thầu thường gấp 2-3 lần giá trị gọi thầu cho thấy nhu cầu nắm giữ TPCP luôn ở mức rất cao trong thời gian qua.

Để hoàn thành mục tiêu đặt ra cho năm nay, KBNN cần phải phát hành tối thiểu 161,700 tỉ đồng trong các tháng còn lại của năm nay. Con số này không phải là quá thách thức nếu nhìn vào kết quả phát hành đạt 45.300 tỉ đồng trong tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách vẫn còn dư thừa khá lớn, có khả năng KBNN không nhất thiết phải hoàn thành kế hoạch bằng mọi giá.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ người phát hành, Chính phủ dường như không mấy mặn mà nên không phải huy động vốn bằng mọi giá trong năm nay, dù lãi suất phát hành đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Thống kê cho thấy lãi suất phát hành TPCP trong tháng 8 tiếp tục xu hướng giảm nhẹ so với cuối tháng 7 tại kỳ hạn 10 năm và 15 năm, trong đó kỳ hạn 10 năm có mức giảm 0,05 điểm phần trăm, kỳ hạn 15 năm giảm 0,06 điểm phần trăm.

Báo cáo từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy trong tháng 8 vừa qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tổ chức 16 phiên đấu thầu tại các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm, với tổng giá trị gọi thầu chỉ ở mức 56.750 tỉ đồng, tỷ lệ trúng thầu đạt chưa tới 80%, tức khoảng 45.300 tỉ đồng. Kỳ hạn phát hành bình quân trong tháng 8 là 11,67 năm, lãi suất trúng thầu bình quân là 2,76%/năm.

Lượng vốn huy động phát hành qua kênh TPCP lũy kế tám tháng đầu năm 2024 đạt chưa tới 60% kế hoạch Bộ Tài chính giao (400.000 tỉ đồng). Kỳ hạn phát hành bình quân tám tháng đầu năm 2024 là 11,01 năm; lãi suất phát hành bình quân là 2,47%/năm, cũng ở mức thấp kỷ lục; kỳ hạn còn lại của danh mục TPCP là 9,06 năm.

Đặc biệt, trong khi các kỳ hạn khác có tỷ lệ phát hành rất thấp so với kế hoạch đề ra, thì kỳ hạn 10 năm đã sớm hoàn thành kế hoạch năm 2024 khi đạt 104% kế hoạch vào cuối tháng 7. Và trong tháng 8 vừa qua, kỳ hạn trúng thầu tiếp tục tập trung ở 10 năm và 15 năm với giá trị lần lượt là 28.570 tỉ đồng (chiếm 63%) và 14.903 tỉ đồng (chiếm 33%). Như vậy, có thể thấy các nhà đầu tư vẫn đang ưa chuộng các kỳ hạn trung bình 10-15 năm hơn là các kỳ hạn ngắn 3-7 năm và kỳ hạn quá dài 20-30 năm.

Khi vốn cũ còn chưa sử dụng hết...

Trước đó, số liệu sáu tháng đầu năm 2024 cho thấy tổng lượng phát hành TPCP mới đạt 156.500 tỉ đồng, chỉ hoàn thành 39,1% mục tiêu cả năm. Như vậy, chỉ trong hai tháng đầu quí 3, KBNN đã phát hành thêm gần 81.800 tỉ đồng, chiếm 34% tổng lượng phát hành tám tháng, dù vậy con số này cũng chỉ đạt 54,5% kế hoạch phát hành bình quân của quí 3-2024 là 150.000 tỉ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu đặt ra cho năm nay, KBNN cần phải phát hành tối thiểu 161,700 tỉ đồng trong các tháng còn lại của năm nay, (tính từ tháng 8) tức mỗi tháng phải đạt con số 40.400 tỉ đồng. Con số này không phải là quá thách thức nếu nhìn vào kết quả phát hành đạt 45.300 tỉ đồng trong tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách vẫn còn dư thừa khá lớn, có khả năng KBNN không nhất thiết phải hoàn thành kế hoạch bằng mọi giá.

Theo chia sẻ từ KBNN hồi giữa tháng 7, việc chậm giải ngân nguồn tiền dành cho đầu tư công và nguồn tiền cải cách tiền lương đã khiến tồn quỹ ngân sách lên tới 1 triệu tỉ đồng. Còn theo thông tin từ Bộ Tài chính, thanh toán giải ngân đầu tư công tám tháng đầu năm nay mới đạt 37% kế hoạch và chưa đến 40,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương ứng là hơn 274.500 tỉ đồng.

Có thể thấy dù đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy, nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ. Ngoài khó khăn ở khâu giải phóng mặt bằng, tình trạng cán bộ sợ rủi ro không dám làm kéo dài khiến không ít dự án tiếp tục chậm tiến độ, bị đội vốn hoặc thậm chí rơi vào tình trạng bế tắc.

Trong khi đó, cán cân ngân sách tiếp tục xu hướng tích cực từ đầu năm đến nay. Cụ thể, thu ngân sách tám tháng ước đạt hơn 1,33 triệu tỉ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi ngân chỉ mới đạt 1,1 triệu tỉ đồng, tăng nhẹ 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, ngân sách đã ghi nhận thặng dư đến 231.400 tỉ đồng chỉ sau tám tháng, gấp 11,2 lần mức thặng dư của cả năm 2023 là 20.600 tỉ đồng. Xu hướng này càng khiến lượng tồn quỹ ngân sách tiếp tục gia tăng.

Điều này một mặt giúp cán cân ngân sách cải thiện sau nhiều năm thâm hụt lớn trước đây, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng việc giải ngân vốn đầu tư của Nhà nước thấp và tồn quỹ lớn mặt khác cũng đang gây ra lãng phí lớn cho ngân sách, khi lượng ngân sách tồn quỹ này đem gửi ngân hàng có lãi suất dưới 1%/năm, thấp hơn so với lãi suất phát hành TPCP hiện nay, dù mặt bằng lãi suất TPCP của Việt Nam cũng đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua.

Đáng lưu ý, chênh lệch lợi suất TPCP Mỹ - Việt Nam tiếp tục thu hẹp trong tháng 8 vừa qua, cụ thể khoảng cách là 176 điểm cơ bản ở kỳ hạn 5 năm và 119 điểm cơ bản ở kỳ hạn 10 năm. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu giảm lãi suất cơ bản từ tháng 9 có thể khiến mức chênh lệch này thu hẹp thêm trong giai đoạn tới.

Để tránh lãng phí, Chính phủ hoặc phải tăng cường giải ngân vốn đầu tư công để sử dụng hết ngân sách được phân bổ, hoặc kiểm soát lượng vốn huy động đầu vào đảm bảo tối ưu hơn, bằng cách giảm vay nợ khi chưa cần thiết, tức giảm lượng TPCP phát hành trong thời gian tới. Điều này cũng giảm bớt hiệu ứng chèn lấn, khi nguồn vốn của các ngân hàng thay vì đổ vào TPCP có thể sẽ tăng cường cho vay ra nền kinh tế, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn và kích thích nền kinh tế, thúc đẩy động lực đầu tư ở khu vực tư nhân mạnh mẽ hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới