Vì sao đề nghị điều tra, xử lý hình sự vụ Khaisilk?
Lan Nhi
![]() |
Cửa hàng 113 Hàng Gai, nơi phát hiện những chiếc khăn lụa Trung Quốc đã không tồn tại trong hồ sơ thuế của Tập đoàn Khaisilk từ năm 2012. Ảnh:TL |
(TBKTSG Online) - Việc hình sự hóa vụ đánh tráo nguồn gốc xuất xứ khăn lụa Trung Quốc bán tại cửa hàng Khaisilk thành khăn do Việt Nam sản xuất đã bị chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra đang gây ra một số tranh cãi. Có ý kiến cho rằng chỉ nên dừng ở việc xử phạt hành chính.
Hôm 30-10, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo Cục Quản lý thị trường và các đơn vị chức năng ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu phạm tội tại cửa hàng sử dụng thương hiệu Khaisilk (113 Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sang PC46 (Công an Hà Nội) để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Địa chỉ kinh doanh này do bà Nguyễn Thị Thu Nga đứng tên. Đây là cơ sở đã bán ra 60 chiếc khăn lụa cho một doanh nghiệp, trong đó có một số khăn đã được tráo nhãn mác Trung Quốc thành hàng Việt Nam.
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội gửi Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), kết quả kiểm tra cửa hàng 113 Hàng Gai cuối tuần trước cho thấy, do sơ suất trong quản lý, trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến dịp lễ 20-10 nên cửa hàng đã lấy một số khăn lụa trên thị trường về cắt bỏ nhãn Made in China và thay bằng nhãn Khaisilk Made in Việt Nam. Tổng số hàng hóa đã thay nhãn là 60 chiếc, đã bán 4 chiếc, tồn 56 chiếc. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 36 triệu đồng.
Bộ Công Thương đề nghị UBND TP Hà Nội, TPHCM chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm thuế, hải quan, công an, khoa học công nghệ… tiến hành điều tra làm rõ những vấn đề liên quan đến dấu hiệu vi phạm nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của khăn lụa Khaisilk.
Với những chứng cứ và hậu quả ban đầu như vậy, liệu vụ việc đánh tráo nhãn mác tại cơ sở 113 Hàng Gai có đáng bị đề nghị xử lý hình sự hay xử phạt theo các quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng và quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng là phù hợp?
Sáng ngày 31-10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết không chỉ căn cứ vào báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, bộ đã yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh và một số đơn vị liên quan có các cuộc kiểm tra dưới hình thức khác. Báo cáo tổng hợp cho thấy, chứng cứ vi phạm pháp luật của Khaisilk là nghiêm trọng. Cụ thể là hành vi làm giả nhãn mác cho các sản phẩm nhập từ nước ngoai, lừa dối và gây ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng. Người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng có đủ các yếu tố để cấu thành phạm pháp hình sự.
Còn theo thông tin của TBKTSG Online, do không đồng tình với báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp kiểm tra, xác minh. Thông tin ban đầu được cơ quan thuế Hà Nội cung cấp cho biết, cơ sở 113 Hàng Gai hiện vẫn mang thương hiệu Khaisilk và cung cấp những giấy tờ dưới thương hiệu Khaisilk nhưng là theo hồ sơ thuế đã “đóng” lại từ năm 2012 đến nay. Gần 5 năm qua, địa chỉ kinh doanh này không còn đóng thuế và không có mã số thuế tại cơ quan thuế Hà Nội. Như vậy, phải xác minh mối liên hệ thực chất giữa cơ sở 113 Hàng Gai với tập đoàn Khaisilk là như thế nào? Và liệu cơ sở kinh doanh này có trốn thuế từ năm 2012 đến nay hay không?
Mặt khác, Bộ Công Thương cho rằng, căn cứ vào Luật Quản lý chất lượng thì những hành vi bị nghiêm cấm như cố tình cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả thử nghiệm, giám định, chứng nhận chất lượng hàng hóa hay thay thế, đánh tráo làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng... thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Công Thương lý giải việc chuyển vụ Khaisilk sang cơ quan điều tra Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Sau khi có báo cáo tổng hợp của các lực lượng chức năng, và những dấu hiệu, chứng cứ vi phạm nghiêm trọng của một doanh nghiệp lớn như Khaisilk và các cửa hàng kinh doanh sản phẩm của Khaisilk, xét từ nhiều khía cạnh khác nhau, chúng tôi thấy đã đủ các yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, từ việc làm giả nhãn mác sản phẩm, làm hại đến lợi ích của người tiêu dùng, vi phạm pháp luật, để lại nhiều hệ lụy khác nhau". Đặc biệt, xét tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, về quy mô cũng như mức độ thiệt hại của vi phạm này đã vượt quá mức 30 triệu đồng, theo quyết định xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, vụ việc đã đủ căn cứ, điều kiện để chuyển cho các cơ quan chức năng điều tra kinh tế làm rõ. "Yếu tố nữa, là qua báo cáo của Đội Quản lý thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh, chúng tôi thấy sự phức tạp trong mối liên hệ giữa tập đoàn Khaisilk và các cửa hàng trực thuộc của tập đoàn này cũng như cửa hàng ở 113 Hàng Gai trong việc kinh doanh sản phẩm có nhãn mác giả. Cần phải có lực lượng chức năng đủ thẩm quyền, đủ năng lực làm rõ tính chất vi phạm thông qua các hoạt động mang tính chất kinh doanh như thế này. Chính vì thế, chúng tôi đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ". Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện nhiều bộ ngành do Bộ Công Thương chủ trì cùng các lực lượng chức năng khác như Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Kinh tế Trung ương, Hiệp hội Dệt may, Hội Bảo vệ người tiêu dùng có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ để xác minh làm rõ, thanh tra các hoạt động, dấu hiệu vi phạm trên toàn bộ hệ thống các cửa hàng thuộc tập đoàn Khaisilk. Tư Hoàng ghi |