(KTSG Online) - Tốc độ tăng vốn của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) chậm lại là hệ quả tất yếu sau những biến động trên thị trường tài chính – bảo hiểm và xu hướng siết chặt quy định quản lý từ các cơ quan Nhà nước trong ba năm qua.
- Một năm gian khó với ngành bảo hiểm
- Giải pháp nào để ngăn chặn hành vi ép khách vay mua bảo hiểm bất chính?
Những bước đi thận trọng
Thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, các DNBH nhân thọ tăng vốn thêm 23.501 tỉ đồng trong năm 2021, nâng tổng vốn điều lệ của toàn khối lên 117.572 tỉ đồng. Luỹ kế giai đoạn 2016-2021, vốn điều lệ của khối nhân thọ tăng hơn ba lần, từ mức 26.863 tỉ đồng năm 2016 lên 117.572 tỉ đồng năm 2021.
Nhưng sau giai đoạn này, việc tăng vốn của các doanh nghiệp bảo hiểm đã chậm lại đáng kể, nhất là với khối nhân thọ.
Năm 2024, quá trình tăng vốn của các DNBH chỉ diễn ra rải rác ở một số đơn vị. Chẳng hạn, Bảo hiểm nhân thọ Phú Hưng (Phú Hưng Life) thực hiện tăng vốn điều lệ hai lần trong năm 2024, với tổng mức tăng 800 tỉ đồng, qua đó đưa vốn điều lệ lên 3.293 tỉ đồng.
Sun Life Việt Nam cũng thực hiện tăng vốn khoảng 1.464 tỉ đồng, đưa vốn điều lệ từ mức 16.480 tỉ đồng lên 17.944 tỉ đồng, qua đó lọt vào nhóm ba công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn điều lệ lớn nhất tại thị trường Việt Nam.
Ngược lại, Bảo Việt Nhân thọ (công ty con do Tập đoàn Bảo Việt nắm 100% vốn - PV) luôn thận trọng trong tăng vốn. Năm 2015, Bảo Việt Nhân thọ từng là đơn vị có quy mô vốn lớn nhất thị trường, nhưng hiện chỉ đứng thứ 8/19 DNBH nhân thọ về quy mô vốn, với số vốn điều lệ 6.000 tỉ đồng và vẫn đang ở chế độ chờ tăng vốn.
Với khối phi nhân thọ, Bảo hiểm PVI, DNBH có vốn điều lệ lớn nhất trong khối phi nhân thọ tại thị trường Việt Nam, đã thực hiện hai đợt tăng vốn trong năm 2024, nâng mức vốn điều lệ từ 3.300 tỉ đồng lên 3.900 tỉ đồng vào cuối tháng 8.
Còn Bảo hiểm Bưu điện (PTI) hiện vận chờ thực hiện tăng vốn điều lệ từ 804 tỉ đồng lên 1.206 tỉ đồng, sau hơn 9 năm không tăng vốn, tính từ năm 2015.
Đâu là nguyên nhân?
Lợi ích từ việc tăng vốn điều lệ như tăng cường năng lực tài chính để nâng cao năng lực giữ lại với các hợp đồng/nghiệp vụ bảo hiểm có hiệu quả, mở rộng hoạt động đầu tư tài chính đều được các DNBH nhận thức rõ. Tuy nhiên, việc triển khai tăng vốn trên thực tế không dễ.
Với trường hợp PTI, trước khi có nghị quyết về việc triển khai phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu vào năm 2024, phương án tăng vốn phương án tăng vốn do Hội đồng quản trị (HĐQT) đưa ra từng bị DB Insurance, cổ đông nắm giữ 37,32% vốn, phủ quyết tại các cuộc họp năm 2022 và 2023. Cụ thể, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2022, các tờ trình về kế hoạch phát hành tăng vốn lên gấp hai lần qua chào bán cổ phiếu, phát hành ESOP và chia cổ tức của HĐQT PTI đều không được thông qua, do chỉ đạt tỷ lệ tán thành lần lượt ở mức 51,05%, 51,03% và 55,99%.
Tờ trình chào bán cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên gấp hai lần tiếp tục không được thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2023, vì chỉ đạt tỷ lệ tán thành ở mức 54,06%. Theo cổ đông lớn DB Insurance (Hàn Quốc), sau năm 2022 thua lỗ, việc tăng vốn điều lệ có thể gặp phải khó khăn về thủ tục. Bên cạnh đó, biên độ thanh toán của PTI đã được cải thiện do kết quả kinh doanh đầu năm 2023 tốt lên nên việc tăng vốn là chưa cần thiết.
Một nguyên nhân khiến tốc độ tăng vốn tại các DNBH chậm lại là diễn biến phức tạp của thị trường tài chính - bảo hiểm Việt Nam những năm gần đây. Theo đó, thị trường tăng trưởng chậm lại theo chu kỳ kinh tế, và cuộc khủng hoảng niềm tin từ năm 2022 khiến không ít tập đoàn mẹ ở nước ngoài có phần dè dặt trước mỗi quyết định bổ sung vốn cho các công ty con - là công ty bảo hiểm hoạt động ở thị trường Việt Nam, khi cân nhắc về hiệu quả sử dụng vốn.
Chẳng hạn, Manulife là công ty bảo hiểm nhân thọ bị ảnh hưởng lớn nhất bởi vụ khiếu kiện liên quan đến các hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng SCB. Thậm chí, đơn vị này phải hợp tác với KPMG và một số đơn vị khác thực hiện xác minh từng hồ sơ, khiếu nại - là cơ sơ để hoàn phí cho tất cả trường hợp khách hàng cung cấp đầy đủ bằng chứng về việc bị đại lý bảo hiểm tư vấn sai.
Trong khi đó, Phú Hưng Life gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh khi kết thúc 6 tháng đầu năm 2024 với doanh thu bảo hiểm ở mức 226 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 102 tỉ đồng.
Còn Sun Life Việt Nam kết thúc giai đoạn năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 với khoản lợi nhuận sau thuế lần lượt âm 921,7 tỉ đồng và 363,2 tỉ đồng, dù đã được bổ sung nguồn lực về vốn. Tính đến cuối tháng 6-2024, đơn vị lỗ lũy kế xấp xỉ 5.859,7 tỉ đồng và kéo dài chuỗi kinh doanh thua lỗ 10 năm liên tục.
Bên cạnh hai yếu tố trên, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) gặp khó khăn cũng khiến các DNBH nhân thọ không còn gấp rút tăng vốn, để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh thị phần, gắn liền với các thương vụ hợp tác độc quyền có giá trị lớn như trước.
Theo đại diện một số công ty bảo hiểm, khoản 5 Điều 15 trong Luật Các tổ chức tín dụng mới đưa ra quy định cấm "tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.
Tuy nhiên, việc không có văn bản hướng dẫn ở cấp Nghị định, Thông tư mô tả rõ về “sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc” hay “gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ”, dẫn tới khó khăn do cách hiểu khác nhau.
“Trước đây, 80% doanh thu đến từ hoạt động bán bảo hiểm qua Agribank. Nhưng từ ngày 1-7-2024, khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, nhiều chi nhánh Agribank đã dừng việc bán sản phẩm bảo hiểm. Điều này gây tổn thất về doanh thu cho cả doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng, phía khách hàng cũng không được bảo vệ; đồng thời ảnh hưởng đến nhu cầu chuyển giao rủi ro giữa ngân hàng sang công ty bảo hiểm”, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Bảo hiểm Agribank (ABIC) nói tại một toạ đàm.
Đồng quan điểm, bà Đoàn Thị Thu Huyền, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm BIDV (BIC) cho biết, các công ty bảo hiểm phải chuẩn bị về hạ tầng, hệ thống tư vấn viên để bán hàng tại các điểm bán của ngân hàng khi muốn hợp tác với tổ chức tín dụng để bán chéo sản phẩm bảo hiểm theo luật.
Tuy nhiên, việc không có văn bản hướng dẫn ở cấp Nghị định, Thông tư, phía dưới khoản 5 Điều 15 trong Luật Các tổ chức tín dụng, đã dẫn đến cách hiểu khác nhau. “Luật không phân định rõ bảo hiểm nhân thọ với phi nhân thọ, trong khi khâu bán hàng thì phân biệt rõ. Do vậy cần thiết có văn bản mang tính chính thống để hướng dẫn quy định này” bà Huyền đề xuất.