(KTSG) - Hiện nay ngành điện đang đầu tư nhiều dự án nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao của đất nước. Tuy nhiên quá trình đầu tư xây dựng công trình điện gặp không ít khó khăn, dẫn đến chậm tiến độ, ảnh hưởng đến chương trình an ninh năng lượng quốc gia, nền kinh tế, an sinh xã hội và mục tiêu phát triển của Chính phủ.
- Ngành điện lực chủ động giảm thiểu sự cố, kêu gọi người dân sử dụng tiết kiệm
- Ngành điện lực thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo nguồn điện cho mùa khô 2023
Những vướng mắc trong đầu tư ngành điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đơn vị này đang theo dõi tiến độ 88 dự án đầu tư mới về nguồn phát và lưới điện của hệ thống điện quốc gia. Cụ thể, bảy dự án của Ban Quản lý dự án điện 1, chín dự án của Ban Quản lý dự án điện 2, bốn dự án của Ban Quản lý dự án điện 3 và 52 dự án của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, 16 dự án của các tổng công ty điện lực (miền Bắc, miền Nam, miền Trung, Hà Nội và TPHCM). Ngoài ra còn có các dự án đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện thuộc các cấp điện áp.
Tuy nhiên, quá trình đầu tư vấp phải rất nhiều khó khăn, làm cho nhiều dự án ngành điện khó hoàn thành đúng kế hoạch. Một trong số nhóm nguyên nhân chính là do quy định pháp luật chưa thống nhất, chồng chéo, gây trở ngại trong việc lập dự án và thực hiện đầu tư công trình xây dựng điện lực.
Thứ nhất, quy định về đấu giá quyền sử dụng đất còn bất cập. Luật Đất đai 2013 (điều 110.1a) và Nghị định 148/2020/NĐ-CP (điều 14b) quy định rằng trạm biến áp và đường dây đấu nối không thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, nên không thuộc trường hợp được giao đất, cho thuê đất. Do đó, các dự án đầu tư xây dựng trạm biến áp và đường dây tải điện cao áp đều không được giao, cho thuê đất, mà phải đấu giá quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cho các khu đất đã được quy hoạch để xây dựng trạm biến áp và đường dây tải điện cao áp (trình tự thủ tục đấu giá, nguồn vốn,…) lại chưa có quy định. Trong khi đó, theo Luật Điện lực 2022, căn cứ quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, UBND các cấp có trách nhiệm bố trí đủ quỹ đất cho xây dựng các công trình điện lực, sau khi dự án đầu tư được phê duyệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất để chủ đầu tư thực hiện dự án.
Mặt khác, nếu tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà người trúng đấu giá không phải là các đơn vị điện lực thì có nguy cơ phá vỡ quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch điện 8 (do Thủ tướng ban hành) đã được phê duyệt.
Một trong số nhóm nguyên nhân chính là do quy định pháp luật chưa thống nhất, chồng chéo, gây trở ngại trong việc lập dự án và thực hiện đầu tư công trình xây dựng điện lực.
Thứ hai, quy hoạch dự án công trình điện thiếu đồng bộ. Về nguyên tắc, quy hoạch tỉnh phải phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch vùng phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia. Trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch thì quy hoạch cấp thấp phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch cấp cao hơn. Tuy nhiên trên thực tế, quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng cập nhật chưa kịp thời với quy hoạch quốc gia nói chung và Quy hoạch điện 8 nói riêng. Hơn nữa, pháp luật cũng chưa quy định rõ thời hạn các cấp hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch sau khi có quy hoạch quốc gia. Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều quy hoạch đồng thời tồn tại nhưng chồng chéo nhau.
Bên cạnh đó, khi cơ quan nhà nước lập quy hoạch phát triển cấp tỉnh/vùng thường “quên” mất và không tính tới phần phương án phát triển mạng lưới cấp điện và luật cũng chưa có quy định bắt buộc phải làm vậy. Điều đó dẫn tới tình trạng quy hoạch điện và quy hoạch chung không đồng bộ, ăn khớp nhau. Khi triển khai các dự án đầu tư phát triển lưới điện phải điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực liên quan đến các dự án theo quy định; công tác cập nhật, điều chỉnh quy hoạch này thường rất phức tạp, khó khăn và kéo dài nhiều năm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai các dự án theo quy hoạch phát triển điện lực.
Thứ ba, công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Luật Điện lực quy định UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư dự án điện lực lập và thực hiện kế hoạch giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư, bồi thường thiệt hại về đất đai, tài sản, bảo vệ diện tích đất dành cho dự án và hành lang an toàn của công trình điện lực. Nhưng khi triển khai thực hiện, chính quyền địa phương và chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc thỏa thuận giá bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản trên đất và hỗ trợ khác cho tất cả các cá nhân, tổ chức đang sử dụng đất khi xây dựng công trình.
Ngoài ra, đối với dự án đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện, Luật Đất đai chỉ quy định cưỡng chế bắt buộc đối với đất thu hồi, chưa quy định cưỡng chế bắt buộc đối với đất bị hạn chế khả năng sử dụng trong hành lang an toàn lưới điện. Do đó, chính quyền địa phương không có cơ sở pháp lý để tổ chức cưỡng chế hỗ trợ ngành điện trong triển khai thực hiện nâng cấp hệ thống lưới điện, đáp ứng nhu cầu phụ tải điện.
Giải pháp tháo gỡ
Để gỡ rối và thúc đẩy đầu tư các dự án công trình điện lực, nên chăng cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu triển khai thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, nên đưa vào danh mục dự án được ưu đãi đầu tư ngành truyền tải điện. Được như thế, các dự án đầu tư các công trình xây dựng điện lưới quốc gia sẽ được giao đất, thuê đất và miễn đấu giá quyền sử dụng đất nhằm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thực hiện đúng Quy hoạch điện 8.
Thứ hai, sửa đổi bổ sung những quy định về cưỡng chế bắt buộc trong việc giao đất, giải phóng mặt bằng phục vụ cho các dự án đầu tư trọng điểm nói chung và ngành truyền tải điện nói riêng. Thêm nữa, đối với các công trình nâng cấp lưới điện, cần có cơ chế cưỡng chế bắt buộc đối với các công trình dân sinh nằm trong hành lang an toàn lưới điện.
Thứ ba, tổ chức rà soát và cập nhật quy hoạch phát triển điện lực (Tổng sơ đồ 8 và quy hoạch phát triển điện lực các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) vào quy hoạch sử dụng đất của địa phương để làm cơ sở triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện theo quy hoạch được duyệt. Sau khi quy hoạch quốc gia được phê duyệt, các địa phương tiến hành lập quy hoạch và điều chỉnh trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian hợp lý, trên nguyên tắc đảm bảo căn cứ vào quy hoạch cao hơn; bổ sung phương án phát triển mạng lưới cấp điện vào quy hoạch địa phương.