Chủ Nhật, 21/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vì sao giá kỳ hạn cà phê lại đạt đỉnh kỷ lục lịch sử?

Nguyễn Quang Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Quanh câu chuyện hai sàn cà phê tăng giá mạnh nhưng thị trường nguyên liệu trong nước dậm chân tại chỗ khiến người còn giữ hàng không khỏi ngỡ ngàng. Điểm mới trong bức tranh cung – cầu này là gì và vì sao giá kỳ hạn cà phê tăng mạnh?

Bất kể dự báo của USDA ra sao, các nhà đầu cơ vẫn đặt cược vào hai sàn cà phê.
Trong ảnh: Thu hoạch cà phê tại Bình Phước. Ảnh: N.K

Giá kỳ hạn cà phê robusta cơ sở giao dịch tháng 9-2024 lập đỉnh cao kỷ lục tại mức 4.681 đô la Mỹ/tấn vào ngày 11-7, đồng thời hôm đó giá arabica cũng tạo mức cao mới với 255,3 cts/lb hay 5.629 đô la/tấn. Người trên thị trường xôn xao, các nhà rang xay trong và ngoài nước lục đục tăng giá bán lẻ. Tuy nhiên, giá cà phê nguyên liệu tại Việt Nam dừng chân quanh 128 triệu đồng/tấn, thấp hơn gần cả chục triệu đồng so với đỉnh kỷ lục trong nước.

Quanh câu chuyện hai sàn cà phê tăng giá mạnh nhưng thị trường nguyên liệu trong nước giậm chân tại chỗ khiến người còn giữ hàng không khỏi ngỡ ngàng.

Điểm mới trong bức tranh cung – cầu

Còn chưa đầy ba tháng nữa là kết thúc niên vụ cà phê hiện thời 2023-2024. Theo báo cáo ngành hàng thường niên của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu năm kinh doanh tính đến 30-9 này đạt 169,2 triệu bao (bao=60 ki lô gam), thấp hơn so với dự báo cũ là 2,2 triệu bao. Xuất khẩu trong kỳ cũng được đoán trước giảm 0,4 triệu bao xuống 119,5 triệu bao. Trong đó, Việt Nam và Indonesia giảm 2,6 triệu, vùng Trung Mỹ giảm 2,7 triệu nhưng Brazil tăng 2 triệu bao. Tồn kho cuối vụ trong chừng 23,9 triệu bao.

Những con số nêu trên đến nay được giới kinh doanh tạm thời khóa lại cho niên vụ 2023-2024 vì nhiều hợp đồng xuất nhập khẩu giao dịch trước đã chuyển dần sang năm kinh doanh mới 2024-2025 bắt đầu từ ngày 1-10. Cũng theo USDA, tình hình cung – cầu cà phê tỏ ra khá hơn trong niên vụ mới với sản lượng toàn cầu ước chừng 176,13 triệu bao tăng 4,2% so với 2023-2024, trong đó arabica đạt 99,8 triệu tăng 4,4% và robusta 76,3 triệu bao tăng 3,9%, tổng lượng xuất khẩu chừng 123,1 triệu bao.

Trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 6-2024, xuất khẩu cà phê Brazil đạt kỷ lục lịch sử với 47,27 triệu bao, tăng 33% so với niên vụ trước đó của họ. Điều đáng ngại cho giá kỳ hạn là trong bốn tháng cuối cùng, khối lượng xuất khẩu của Brazil mỗi tháng đều trên 4 triệu bao trừ tháng 6-2024 đạt 3,57 triệu bao. Tháng 6 là tháng “giáp hạt” của năm kinh doanh cà phê Brazil.

Dù lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tám tháng đầu niên vụ 2023-2024 giảm 6,6% đạt 20,26 triệu bao, nhưng cà phê từ các nước khác đã bù lại dễ dàng. Theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), tính đến hết tháng 5-2024, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 92,73 triệu bao, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó arabica tăng 14,1% đạt 56,29 triệu bao và robusta 36,44 triệu bao tăng 6,3%.

Như thế, bức tranh cung cầu cà phê cho niên vụ cũ lẫn mới là tương đối khả quan và thậm chí còn bất lợi cho giá thị trường nếu trong một hoàn cảnh bình thường.

Giải mã vì sao giá kỳ hạn cà phê tăng mạnh

Một nghiên cứu nghiêm túc cho thấy nếu như trước và trong những năm bùng phát đại dịch Covid-19, tổng doanh số kinh doanh hàng hóa toàn cầu chừng 17.000-18.000 tỉ đô la Mỹ thì đến những năm hậu Covid-19, con số này đã lên trên 20.000 tỉ, như năm 2022 là trên 24.000 tỉ và 2023 xấp xỉ 23.000 tỉ đô la Mỹ.

Một lượng tiền cực khủng đã đổ về các sàn hàng hóa thương phẩm không chỉ từ chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ và các nước phát triển, mức lãi suất cho vay bằng 0% và tiền từ ngành kinh doanh bất động sản trong thời dịch bệnh “khó nuốt”, đã kích thích giới đầu cơ nhảy vào “chơi chịu” cùng các sàn thương phẩm hàng hóa. Khối lượng hợp đồng giao dịch và tiền mặt trên các sàn này có lúc tăng chóng mặt lên đến 400%.

Phần khác, đại dịch cũng đã kích hoạt nền thương mại điện tử. Và các sàn cà phê kỳ hạn đã không bỏ lỡ cơ hội. Nếu như cách nay chừng mươi, mười lăm năm, các sàn không cho phép những nhà kinh doanh cá nhân giao dịch thì đến nay từng người được quyền mở tài khoản giao dịch trên nền tảng máy tính. Người từ buôn làng xa xôi, miễn cứ nộp tiền ký quỹ giao dịch đầy đủ là đã trở thành “nhà kinh doanh hàng giấy” với các công ty môi giới các cấp của sàn. Chuyện này đã cứu nguy cho các sàn hàng hóa khỏi “ế độ” vì nhiều công ty lớn gặp khó khăn do lãi suất tăng cao sau khi các ngân hàng trung ương phản tỉnh nhằm đè nén lạm phát sau khi cung tiền quá lớn. Như tại Mỹ, suốt hai năm trời, giới kinh doanh chuyên nghiệp phải sống chung với lãi suất cao dần lên đến 5,25-5,50% mỗi năm.

Cuộc khủng hoảng địa chính trị tại Trung Đông giữa Israel và Hamas đã chọc phá bằng nhiều cú tấn công tàu chở hàng từ các nước cung cấp nguyên liệu trên vùng Biển Đỏ, đã và đang làm gián đoạn khoảng 10% khối lượng thương mại đường biển toàn cầu, bao gồm các mặt hàng quan trọng như ngũ cốc, cà phê và dầu thô. Các hãng tàu biển không còn cách nào khác là phải điều sang hướng khác với hải trình dài và đắt đỏ hơn, cộng với giá dầu thô lên trên 80 đô la/thùng, đẩy chi phí vận tải tăng, làm trầm trọng thêm giá cả hàng hóa và lạm phát.

Biến động giá kỳ hạn trên sàn cà phê hiện nay còn chịu tác động ít nhiều từ niềm tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất đồng đô la Mỹ trong tương lai gần, như nhiều người đoán vào tháng 9-2024 chẳng hạn. Vấn đề ở đây không chỉ là kỳ vọng hạ lãi suất đồng đô la Mỹ bao nhiêu điểm phần trăm mà họ tin đó chính là thời điểm bắt đầu một chính sách lãi suất và tiền tệ thư thả hơn, lơi tay cho giới kinh doanh vay vốn để mua bán vốn bị “nghẹt thở” bấy lâu do mức lãi suất cao, kéo dài.

Một nguyên nhân khác làm giá cà phê kỳ hạn biến động là thời tiết cực đoan. Hạn hán và mưa lũ của hiện tượng El Nino và La Nina xuất hiện xoay vòng nhanh ảnh hưởng lớn đến sản lượng các loại nông sản. Nhưng mức độ xoay vòng của đồn đại từ miệng các nhà đầu cơ còn nhanh gấp nhiều lần, vì mục tiêu kiếm tiền của họ.

Chỉ riêng trong ngày thị trường kỳ hạn chờ đợi dữ liệu lạm phát Mỹ phát hành, giá kỳ hạn robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam hay dùng làm tham chiếu, vào ngày 9-7-2024 đã dao động 342 đô la (4.325-4.667 đô la/tấn) và đóng cửa tại 4.634, tăng so với ngày hôm trước đến 286 đô la/tấn. “Dư chấn” sau đó vẫn còn rất mạnh để đến ngày 12-7, giá đóng cửa vẫn nằm ở mức cao 4.617 đô la/tấn.

Như vậy, áp lực giá trên hai sàn kỳ hạn cà phê tăng không chỉ xuất phát từ chờ nguồn hàng đưa vào sản xuất do đường sá xa xôi, mà lượng tiền được đưa vào từ các nhà đầu cơ nhỏ lẻ, các cá nhân chỉ nhờ có tiền nộp đủ đã được xem là “nhà kinh doanh cà phê”. Áp lực ấy còn được kích bởi các kỳ vọng lãi suất đồng đô la Mỹ giảm, cũng có nghĩa là cơ hội mua hàng của các nhà kinh doanh hàng nhập khẩu sẽ được mở ra.

Đến đây, cần phải gọi đúng tên là nhà đầu cơ vì ở nước ta, cái “định danh” này thường được các người môi giới tránh không sử dụng vì cho nó có ý xấu. Vậy, nhà đầu cơ trên các sàn hàng hóa phái sinh như kim loại, dầu thô, ngũ cốc, ca cao và cà phê… là ai?

Nhà đầu cơ là những người, những công ty kiếm tiền thông qua việc mua và bán tài sản như hợp đồng phái sinh cho phép họ kiểm soát tài sản như hàng hóa mà không cần trực tiếp xử lý chúng, chẳng phải mất công tác nghiệp cho các hợp đồng xuất nhập khẩu. Trang Investopedia đưa một ví dụ thật rõ ràng: Các nhà đầu cơ hàng hóa không sắp xếp việc vận chuyển và lưu trữ những mặt hàng mà họ kiểm soát như một nhà phòng ngừa rủi ro. Thay vào đó, họ chỉ đơn giản đặt cược vào biến động giá và đóng vị thế của mình trước khi hết hạn. Họ hoàn toàn chịu trách nhiệm với quyết định của mình về thắng thua mà theo khảo sát của trang deriv.com có đến gần 71% nhà đầu cơ nhỏ lẻ đều “ngậm quả đắng” khi tham gia kinh doanh trên các sàn hàng hóa phái sinh(1).

Như vậy, có thể thấy rằng dự báo của USDA dù có báo thế giới được mùa, dù con số xuất khẩu tăng của ICO rành rành đến thế, nhà đầu cơ lớn nhỏ vẫn muốn lăn xả vào đặt cược mua trên hai sàn kỳ hạn cà phê.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu tại Việt Nam đang tách dần sàn kỳ hạn. Có thể nói được điều đó vì suốt bốn ngày liên tục (từ ngày 9 đến 12-7 vừa qua), giá cà phê nguyên liệu tại các vùng sản xuất chỉ xoay quanh mức 128 triệu đồng/tấn, tương đương với 5.040 đô la/tấn chứ không còn theo “từng bước không rời” như trước đây, đã có lúc lên trên 135 triệu đồng/tấn. Dù vẫn còn cao hơn giá niêm yết sàn London trên 400 đô la/tấn nhưng đó là một biểu thị giá nguyên liệu đã bớt nóng hơn nhiều, trước có khi cao hơn giá sàn London đến 1.500 đô la/tấn.

Tóm lại, với dự báo thị trường cà phê của USDA, nhiều nước tiêu thụ không hề thích giá cà phê “lạm phát”. Nhưng trong tình huống hiện nay, sàn kỳ hạn cố tình quên các con số cung cầu mà đi theo các yếu tố khác như đã nêu. Xem ra hoạt động đầu cơ trên sàn kỳ hạn hữu ích chứ không thể chê. Chỉ nên cẩn thận chứ lúc giá quay đầu thì…

(1) https://blog.deriv.com/posts/commodity-market-rates-speculative-factors/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới