Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Vì sao ngân hàng tích cực mua bán trái phiếu thời gian qua?

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hoạt động phát hành trái phiếu mới và mua lại trái phiếu trước hạn của các ngân hàng bất ngờ nhộn nhịp trở lại vài tháng gần đây, khi môi trường lãi suất thuận lợi hơn và được gỡ vướng quy định về công bố thông tin tình hình sử dụng vốn trái phiếu.

Nhộn nhịp mua trái phiếu trước hạn, phát hành trái phiếu mới

Thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết có tổng cộng 22 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với giá trị huy động 25.255 tỉ đồng trong tháng 8-2023, trong đó nhóm ngân hàng và bất động sản chiếm hơn 93%. Dẫn đầu về giá trị phát hành là nhóm ngân hàng với 12 mã trái phiếu được chào bán, huy động về 15.285 tỉ đồng.

Hoạt động phát hành và mua lại trước hạn trái phiếu của nhóm ngân hàng dần trở nên sôi động những tháng gần đây. Ảnh minh hoạ: TL

Trong nhóm ngân hàng, ACB là đơn vị huy động tổng số tiền lớn nhất với 9.000 tỉ đồng, xếp thứ hai là ABBank với 3.000 tỉ đồng, còn lại là MSB, OCB, BIDV, VietinBank, Bac A Bank. Lãi suất phát hành nhóm này đưa ra trong khoảng 6,4-7,7% một năm.

Sau các đợt phát hành đã diễn ra, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục lên kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ trong những tháng còn lại của năm 2023. Chẳng hạn, Hội đồng quản trị HDBank cũng vừa thông qua phương án phát hành ra công chúng tối đa 5.000 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn 7 năm. Trái phiếu được phát hành nhằm mục đích bổ sung vốn cấp 2, cải thiện hệ số an toàn vốn và phục vụ nhu cầu vay của khách hàng.

ABBank muốn phát hành tổng cộng 6.000 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn từ 1-5 năm, lãi suất cố định, thả nổi hoặc kết hợp, tùy theo điều kiện thị trường.

LPBank cũng có kế hoạch huy động tối đa 10.000 tỉ đồng từ trái phiếu phát hành riêng lẻ. Dự kiến vào tháng này và tháng 10 tới, ngân hàng sẽ phát hành năm đợt để huy động 4.500 tỉ đồng. Đây cũng là các trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn 2-3 năm.

Như vậy, phát hành trái phiếu ngân hàng bất ngờ nóng trở lại 2 tháng gần đây sau khi “đóng băng” suốt nửa đầu năm nay.

Ở chiều mua, các ngân hàng cũng tăng cường mua lại trái phiếu trước hạn. VIB thông báo sẽ chi 250 tỉ đồng mua lại trước hạn với hai mã trái phiếu là VIBL2128010 và VIBL2128011. Hai mã trái phiếu này đều có kỳ hạn 7 năm.

MSB cũng đã chi 1.000 tỉ đồng để mua lại trước hạn lô trái phiếu có mã MSBL2124005 vào đầu tháng 8-2023. Đáng lưu ý, lô trái phiếu này được phát hành vào ngày 11-8-2021 với có thời hạn 3 năm, tức sẽ đáo hạn vào tháng 8-2024.

Nhìn chung, MSB là là một trong những ngân hàng liên tục mua lại trái phiếu trước hạn trong năm 2023 với 5 lần mua lại các lô trái phiếu, có tổng giá trị tương đương 2.800 tỉ đồng trong quí 2-2023.

Nhưng số lần mua lại trái phiếu của MSB vẫn thấp hơn BIDV, ngân hàng có 19 lần mua lại trước hạn trái phiếu, có tổng giá trị 7.394 tỉ đồng trong quí 2-2023. Đáng lưu ý, các lô trái phiếu này có kỳ hạn 7-8 năm, được phát hành trong giai đoạn 2020-2021 và đáo hạn năm 2028.

Một thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy có đến 17 ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn trong quí 2-2023. Các ngân hàng đã mua lại lượng lớn trái phiếu gồm ACB với 10.000 tỉ đồng, TPBank với 8.100 tỉ đồng, BIDV với 7.394 tỉ đồng, LPB với 7.000 tỉ đồng.

Với tháng 8-2023, có 5 ngân hàng thực hiện 9 đợt mua lại trái phiếu trước hạn. Trong đó, OCB là ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn nhiều nhất với 3.000 tỉ đồng, tiếp theo là Sacombank với 1.300 tỉ đồng, HDBank với 1.000 tỉ đồng, MSB 1.000 tỉ đồng, VIB với 300 tỉ đồng.

Nhìn chung, nhiều ngân hàng đang tiến hành song song hai việc, gồm mua lại trái phiếu trước hạn ở các kỳ hạn 2-3 năm và phát hành các lô trái phiếu mới với kỳ hạn 5-10 năm.

Những tính toán dài hạn

Với xu hướng ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn diễn ra liên tục nhiều tháng qua, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng động thái này tới từ bối cảnh dư thừa thanh khoản.

Cụ thể, toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền", tức là các ngân hàng thương mại hiện ở tình trạng tồn kho tiền – tương tự các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa. Cụ thể, tổng tín dụng trong nền kinh tế đến cuối tháng 7-2023 mới đạt 12,4 triệu tỉ đồng - tăng 4,56% so với đầu năm, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14-15%. Nghiêm trọng hơn, tăng trưởng tín dụng luỹ kế 7 tháng đầu năm lại đi lùi so với luỹ kế 6 tháng, do mức tăng trong giai đoạn này đạt 4,73%.

Còn luỹ kế từ đầu năm tới 29-8-2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỉ đồng - tăng 5,33% so với cuối năm 2022, trong khi cùng giai đoạn năm 2022 tăng 9,87%.

Những đánh giá từ hội nghị về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng diễn ra cách đây ít ngày, cho thấy tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không xuất phát từ thanh khoản của hệ thống ngân hàng, mà chủ yếu từ các yếu tố khách quan như tác động của đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, tác động từ khả năng hấp thụ vốn của nhóm bất động sản.

Chẳng hạn, với ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm đang giảm 16,4% so với cùng giai đoạn năm 2022 do đơn hàng rất thiếu và đơn giá rất thấp.

Với bối cảnh trên, theo các chuyên gia của VNDirect cho rằng việc mua lại trái phiếu trước hạn sẽ giúp ngân hàng giảm dư thừa vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR).

Còn TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính thuộc Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng các ngân hàng từng phát hành trái phiếu với lãi suất cao trong quá khứ nên việc mua lại trước hạn những tháng gần đây nằm tái cơ cấu nợ.

“Hiện lãi suất chỉ còn khoảng 5-6% nên không có lý do gì để ngân hàng tiếp tục duy trì trả nợ trái phiếu với lãi suất cao trước đó, nên họ sẽ mua lại”, ông Huân giải thích.

Cũng theo chuyên gia này, bối cảnh hiện tại cho phép các ngân hàng trả mức lãi 5-6% tính trên giá trị trái phiếu phát hành, thay vì mức cao hơn, nên góp phần làm giảm chi phí đầu vào cho ngân hàng khi mua lại trái phiếu. Ngoài ra, việc mua lại trước hạn trái phiếu cũng giúp ngân hàng giải quyết áp lực thừa tiền.

Bên cạnh đó, với quy định tại Thông tư 41/2016 của NHNN, việc mua lại trước hạn trái phiếu vừa giúp ngân hàng không phải khấu trừ vốn cấp 2, đồng thời có thêm dư địa phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn trên 5 năm để bổ sung nguồn vốn cần thiết nhằm đáp ứng quy định về an toàn vốn.

Cụ thể, Thông tư 41 quy định những trái phiếu dài hạn đã phát hành các năm trước và không còn đảm bảo điều kiện về thời gian còn lại trên 5 năm, bắt đầu từ năm thứ 5 trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm tại ngày đầu tiên của năm (tính theo ngày phát hành), giá trị nợ thứ cấp được tính vào vốn cấp 2 - chiếm phần lớn là nợ thứ cấp có kỳ hạn với thời hạn gốc tối thiểu là 5 năm trở lên - sẽ phải khấu trừ 20% tổng mệnh giá.

Vì vậy, việc mua lại trước hạn trái phiếu còn có thể giúp ngân hàng giảm dư thừa vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời cải thiện Hệ số an toàn vốn (CAR).

Thực tế, trái phiếu ngân hàng là loại trái phiếu mà ngân hàng là đơn vị phát hành, với mục đích huy động vốn tùy theo kỳ hạn ngắn hay dài. Trái phiếu này vừa có thể đáp ứng nhu cầu vốn của ngân hàng, vừa giúp đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn khi có thêm nguồn vốn trung, dài hạn. Nên bên cạnh việc mua lại trái phiếu trước hạn, thì ngân hàng cũng tăng cường huy động vốn qua kênh trái phiếu.

Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết một lý do khiến các ngân hàng chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn là để cơ cấu lại kỳ hạn trái phiếu và cơ cấu lại lãi suất. Theo đó, không loại trừ việc ngân hàng mua lại trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm để lấy dư địa phát hành trái phiếu mới kỳ hạn trên 5 năm, loại tài sản đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2.

Điều này được thực hiện trong bối cảnh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn sẽ bị giảm từ 34% xuống còn 30% từ 1-10-2023

Còn các chuyên gia của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng (MSVN) cho rằng khi lợi suất trái phiếu doanh nghiệp giảm, nó sẽ phản ánh sự tác động đến từ rất nhiều yếu tố, ví dụ như lãi suất, rủi ro tín dụng, lạm phát, điều kiện của thị trường.

Với bối cảnh hiện nay, các chuyên gia của MSVN đánh giá nhiều nhà đầu tư sẽ chú trọng vào trái phiếu có lợi suất thấp hơn nhưng rủi ro vỡ nợ thấp hơn để bảo toàn vốn khi thị trường còn tồn tại một số rủi ro, biến động và chưa hoàn toàn phục hồi về niềm tin. Đây cũng là giai đoạn các ngân hàng, với đặc tính về ro vỡ nợ thấp và tính bảo toàn vốn cao, tận dụng cơ hội.

Bên cạnh bối cảnh vĩ mô, một yếu tố giúp phát hành trái phiếu ngân hàng tăng trưởng trở lại là việc tháo gỡ những vước mắc về yêu cầu kiểm toán vốn huy động từ phát hành trái phiếu tại Nghị định 65/2022.

Cụ thể, quy định của Nghị định này yêu cầu tất cả doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải công bố thông tin định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình sử dụng vốn trái phiếu còn dư nợ được kiểm soát bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. Tuy nhiên, số tiền mà các ngân hàng huy động được từ trái phiếu và nguồn tiền gửi dân cư, chứng chỉ tiền gửi được hòa làm một, nên kiểm toán khó xác định.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup - kiêm Tổng giám đốc FiinRatings, cho biết việc phải tuân thủ các quy định mới của Nghị định 65/2022 trong phát hành mới làm phát sinh các thủ tục nhất định, trong đó có việc báo cáo tình hình sử dụng vốn và phải được kiểm toán rà soát xác nhận.

Nhưng khó khăn này đã được tháo gỡ vào cuối quí 2-2023 khiến phát hành trái phiếu ngân hàng hai tháng gần đây tăng trở lai.

“Về lâu dài, khi nền tảng cứng và mềm của thị trường tốt hơn, tôi hy vọng các quy định mới này sẽ được xem xét để gỡ bỏ, nhất là đối với tổ chức phát hành là ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng vì bản chất hoạt động của ngân hàng có mức độ luân chuyển vốn cao”, ông Thuân kỳ vọng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới