Thứ sáu, 15/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vì sao người vào đại học nhiều mà chất lượng nguồn nhân lực vẫn thấp?

Hiệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Năm nay, có gần một triệu thí sinh phổ thông trung học với khoảng 98% tốt nghiệp, trong đó khoảng 620.000 thí sinh tham gia xét tuyển đại học nhưng không phải ai cũng vào được đại học. Như vậy mỗi năm có khoảng 400.000-500.000 bạn trẻ tốt nghiệp trung học không thể đi tiếp. Giáo dục và đào tạo lớp người này như thế nào, kể cả người vào đại học, để họ có ích cho chính họ, gia đình và xã hội?

Lực lượng lao động của Việt Nam kỹ năng còn thấp. Theo bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 (GCI), Việt Nam xếp thứ 103/141 về kỹ năng của lực lượng lao động. Đối với chỉ số kỹ năng của sinh viên mới ra trường, Việt Nam xếp thứ 116.

Một trong những lý do chính là do những thách thức về chất lượng và trình độ đào tạo trong giáo dục sau phổ thông, bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Xem ra con đường đi tới thịnh vượng vào năm 2045 còn khá gập ghềnh.

Thách thức nguồn nhân lực

Trong Hội nghị quốc gia về “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” ngày 20-8-2022, bà Stefanie Stallmeister, Quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nói về những cách thức thị trường lao động tại Việt Nam có thể đóng góp vào sự phục hồi kinh tế trong ngắn hạn cũng như tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 (GCI), Việt Nam xếp thứ 103/141 về kỹ năng của lực lượng lao động. Đối với chỉ số kỹ năng của sinh viên mới ra trường, Việt Nam xếp thứ 116.

Theo bà, yếu tố quan trọng nhất để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao là chất lượng nguồn nhân lực. Mối liên hệ giữa giáo dục đại học và trình độ phát triển kinh tế - xã hội là một thực tế đã được công nhận.

Bà Stallmeister cũng nhắc đến Khảo sát Kỹ năng và Doanh nghiệp của WB năm 2019 với các doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả cho thấy một tỷ lệ đáng kể các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng quản lý và lãnh đạo (73%); lao động có chuyên môn kỹ thuật (68%); hay lao động có kỹ năng cảm xúc xã hội (54%). Điều này cho thấy khoảng cách lớn về kỹ năng và chênh lệch cung-cầu lao động có kỹ năng.

Theo kết quả Điều tra Lao động Việc làm Việt Nam năm 2020, chỉ 1 trong số 4 người lao động hoàn thành chương trình giáo dục nghề nghiệp hoặc giáo dục đại học.

Việc làm và nhu cầu về kỹ năng cũng đang thay đổi nhanh chóng. Điều tra Lao động Việc làm Việt Nam năm 2020 cho thấy các công việc đòi hỏi kỹ năng giản đơn/thủ công (thâm dụng lao động) đang giảm dần.

Tương tự, 8/10 nghề phát triển nhanh nhất đòi hỏi cả kiến thức chuyên môn nghề nghiệp ở cấp độ cao hơn và phạm vi kỹ năng rộng hơn. Lực lượng lao động cần được trang bị nhiều kỹ năng hơn để tiến lên các giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đại diện WB nhấn mạnh.

Những giải pháp

Theo bà Stallmeister, để giải quyết những thách thức này Việt Nam cần làm một số việc sau:

Thứ nhất, cần cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo để thanh niên hoàn thành chương trình/bằng cấp giáo dục sau phổ thông đáp ứng nhu cầu kỹ năng của các nhà tuyển dụng.

Thứ hai, cần nâng cao kỹ năng và đào tạo lại kỹ năng cho lực lượng lao động hiện tại để họ có thể đóng góp một cách hiệu quả trong suốt thời gian làm việc.

Thứ ba, đào tạo sinh viên và người lao động bốn bộ kỹ năng mới để giúp tăng năng suất và năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam:

- Phổ cập kiến thức số, được định nghĩa là khả năng sử dụng công nghệ.

- Các kỹ năng hành vi xã hội, được định nghĩa là làm việc theo nhóm và giao tiếp, nhấn mạnh các nghề dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao.

- Kỹ năng nhận thức bậc cao, được định nghĩa là sự sáng tạo, khả năng lãnh đạo và giải quyết vấn đề làm nền tảng cho đổi mới sáng tạo.

- Kỹ năng xanh, cần thiết để giảm tác động tiêu cực tới môi trường và hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu hướng tới nền kinh tế sạch hơn, thích ứng với khí hậu hơn và hiệu quả hơn.

Vào đại học hay trượt đại học, trượt cả phổ thông trung học cũng không ngại, nếu mặt bằng chung cho giáo dục phổ cập được làm từ gốc, lấy con người làm trung tâm. Chất lượng lao động cũng từ đó mà ra.

Thứ tư, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển kỹ năng. Tăng cường liên kết ngành và doanh nghiệp là một cách hiệu quả để cải thiện mức độ phù hợp của các chương trình giáo dục sau phổ thông và đáp ứng nhu cầu kỹ năng. Một số sáng kiến cần được hỗ trợ một cách có hệ thống, đơn cử như: (i) cơ hội thực tập cho sinh viên đại học; (ii) cơ hội làm việc tại công ty dành cho nghiên cứu sinh, giảng viên và chuyên gia trong ngành với tư cách là giảng viên thỉnh giảng; và (iii) quá trình tham vấn thường xuyên giữa doanh nghiệp và trường đại học để đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu kỹ năng đang thay đổi.

Trong quá trình này, cần xác định những khó khăn cụ thể mà doanh nghiệp gặp phải; xác định giải pháp tháo gỡ một số vướng mắc, hạn chế từ phía khu vực công và tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong việc phát triển kỹ năng.

Thứ năm, đầu tư vào hệ thống thông tin thị trường lao động tích hợp. Tạo điều kiện cho người lao động, sinh viên, cơ sở đào tạo và cố vấn nghề nghiệp đưa ra quyết định sáng suốt về lộ trình nghề nghiệp và chuyển đổi công việc. Điều này đòi hỏi một cơ sở dữ liệu tích hợp được quản lý tập trung, cập nhật thường xuyên và dễ dàng truy cập.

Nền tảng trực tuyến với thông tin về xu hướng thị trường lao động, các ngành nghề có nhu cầu nhân lực, bộ kỹ năng và yêu cầu đào tạo cho những ngành nghề đó cũng như hỗ trợ hướng nghiệp sẽ là phương tiện phổ biến hữu ích cho sinh viên và người tìm việc.

Bà Stefanie Stallmeister còn nói thêm, WB đã và đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ giải quyết những thách thức nêu trên. Bà mong rằng Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cập nhật, nâng cấp giáo dục và đào tạo cũng như đầu tư vào các kỹ năng cần thiết phục vụ cho thị trường lao động hiện tại và tương lai. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chung tay giải quyết với những thách thức này bằng cách tạo ra nhiều việc làm có kỹ năng cao hơn cho Việt Nam để hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao.

Vài ý kiến cá nhân

Nhìn vào thực tại, yêu cầu nửa triệu sinh viên vào đại học mỗi năm khi ra trường có bốn bộ kỹ năng mới quả là thách thức lớn đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đó là chưa kể nửa triệu còn lại không vào đại học thì cũng phải đủ bốn kỹ năng trên. Những kỹ năng này không thể có sau một đêm hay sau 3-4 năm đại học, mà phải bắt đầu từ giáo dục mầm non, phổ thông cơ sở và tới trung học.

Phổ cập kiến thức cho thanh niên không khó vì hiện nay Việt Nam có dân số 97 triệu nhưng có tới 68 triệu tài khoản Facebook. Internet Việt Nam và hạ tầng công nghệ thông tin thuộc loại nhanh và tốt nhất trong khu vực. Biến tiềm năng công nghệ này thành phương tiện để cải thiện kỹ năng cho người lao động thì cần có tầm nhìn.

Thay đổi hành vi xã hội, như làm việc theo nhóm và giao tiếp, thì không thể một sớm một chiều mà cần bắt đầu từ khi đứa bé trong bụng mẹ, bố mẹ biết hợp tác nuôi con, tới trường có không gian trao đổi, ý kiến đa chiều được tôn trọng trong nền giáo dục hiện đại.

Từ đó sẽ có sáng tạo, khả năng lãnh đạo và giải quyết vấn đề. Kỹ năng xanh vô cùng quan trọng trong những thập kỷ tới. Có đủ tài công nghệ, biết làm việc nhóm, giỏi ngoại ngữ, công dân toàn cầu, nhưng môi trường bị hủy hoại, không hiểu về biến đổi khí hậu thì sự học cũng vô nghĩa.

Như vậy, vào đại học hay trượt đại học, trượt cả phổ thông trung học cũng không ngại, nếu mặt bằng chung cho giáo dục phổ cập được làm từ gốc, lấy con người làm trung tâm. Chất lượng lao động cũng từ đó mà ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới