Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vì sao nhiều dự án EB5 thất bại?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao nhiều dự án EB5 thất bại?

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) - Không chứng minh được dòng tiền đầu tư "sạch sẽ", ngộ nhận về thông tin dự án, đầu tư theo phong trào, không tính được chi phí "chìm", không lường trước rủi ro hoạt động kinh doanh thất bại... là những lý do khiến các nhà đầu tư theo hình thức EB5 không đạt được mục tiêu của mình: nhận visa đến Mỹ và được hoàn vốn đầu tư.

Số liệu từ Cục Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS) cho thấy trong quí 3-2019, số hồ sơ EB5 nhận được là 615 nhưng chỉ chấp thuận 333 hồ sơ, có 246 hồ sơ bị từ chối và số lượng hồ sơ xếp hàng "chờ" duyệt lên đến 13.070 trên toàn cầu. Như vậy, chỉ có khoảng 54% trường hợp đầu tư theo diện EB5 được chấp thuận, còn lại bị từ chối hoặc xếp hàng chờ.

Theo ông Đoàn Hữu Đức, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Việt Nam (Vietnam Consulting Group – VCG), có nhiều nguyên nhân khiến các nhà đầu tư Việt Nam khó thành công với việc rót vốn vào dự án đang mời gọi huy động vốn theo chương trình EB5 tại Việt Nam.

Trong phần trình bày tại Hội thảo "Cơ hội để vừa có thẻ xanh vừa bảo toàn và phát triển được vốn đầu tư" diễn ra vào ngày 18-10 tại TPHCM, ông Đức chia sẻ một yếu tố đặc biệt quan trọng khác mà nhiều người không để ý là nguồn tiền đầu tư phải hợp pháp “theo định nghĩa của Mỹ” và định nghĩa này sẽ không giống với các quốc gia phát triển khác trên thế giới. Ví dụ, đã có trường hợp một người Mỹ gốc Hoa bị điều tra vì 20 năm qua hỗ trợ chuyển tiền cho các hồ sơ EB5 đến từ Trung Quốc với nguồn tiền thông qua các công ty xuất khẩu.

Thống kê cho thấy có đến 15% trường hợp bị từ chối đơn I-526 đến từ việc chuyển tiền không hợp pháp, ông Karl Duy Trương, văn phòng luật sư SKT (tư vấn luật di trú tại Mỹ) chia sẻ.

Theo ông Karl, nguồn tiền đầu tư cá nhân phải tính xem có trả thuế thu nhập cá nhân hay chưa, còn đơn vị kinh doanh thì có hóa đơn hay không, đóng đủ thuế kinh doanh hay không. Ngoài ra việc chuyển tiền cần phải hợp pháp, đi qua công ty kiều hối. Thậm chí nếu bán nhà để đầu tư dự án EB5 thì phải chứng minh được dòng tiền mua nhà phải là “sạch”.

Theo ông Andrew E. Becker, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành dự án SouthFace Village at Okemo (SFV), cũng là dự án đang kêu gọi đầu tư EB5, khuyên các nhà đầu tư phải “hết sức thành thật” với luật sư của mình vì chuyện chứng minh nguồn gốc dòng tiền là rất quan trọng.

Vì sao nhiều dự án EB5 thất bại?
Ông Andrew E. Becker, Phó Chủ tịch dự án SFV, dự án khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tại vùng Okemo (Mỹ), đang gọi vốn qua chương trình EB5.

Một con số khác mà khách hàng thường không để ý nhưng cũng quyết định đến sự thành công của dự án EB5 chính là số việc làm tạo ra cho người lao động bản địa. “Tạo ra việc làm cho người dân là mục đích của chính phủ Mỹ thành lập chương trình đầu tư EB5”, ông Andrew, Phó Chủ tịch SFV cho biết.

Dự án SFV được kỳ vọng sẽ ra khoảng 670 việc làm. Đây là dự án khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tại vùng Okemo (Mỹ), triển khai giai đoạn 1 từ năm 2014 và hoàn thành vào năm 2018. Hiện SFV đang kêu gọi đầu tư giai đoạn 2 từ những nhà đầu tư EB5. Cấu trúc vốn của SFV là vốn chủ sở hữu 12,7%, huy động từ chương trình EB5 khoảng 19,4%, còn lại vay ngân hàng.

Khả năng kinh doanh thành công và sự sống sót của dự án là một yếu tố đảm bảo cho nhà đầu tư có khả năng nhận được visa. Ông Đức cũng chia sẻ nhiều trường hợp đã mất tiền theo kiểu "mất cả chì lẫn chài", khi công ty không thể sống sót. “Tuy không phải là dự án lừa đảo nhưng kinh doanh không được như mong đợi”, ông Đức nói.

EB5 được đánh giá là kênh huy động vốn rẻ và an toàn với chủ đầu tư, nhưng nhà đầu tư cần thận trọng khi lựa chọn dự án, đặc biệt là các dự án khởi nghiệp. Nếu dự án phá sản hợp pháp thì chủ đầu tư được pháp luật bảo vệ, trong khi các nhà đầu tư có thể tự chịu mất tiền theo thứ tự ưu tiên.

Cũng theo ông Đức, quy mô dự án không ảnh hưởng đến khả năng thành công. Điều nhà đầu tư cần lưu ý là “vị trí” đầu tư. Không phải cứ bỏ tiền vào các dự án lớn và bán thành công là tốt, vì đôi khi hồ sơ chất đầy để chờ xét duyệt nên nhà đầu tư phải chờ rất lâu.

Một kinh nghiệm khác của ông Đức cho thấy một khoản mà khách hàng thường quên tính đến, hoặc các chủ đầu tư dự án, công ty tư vấn không nói rõ. Đó là các khoản chi phí chìm, chẳng hạn trong đó là chi phí quản lý dự án, chi phí tiềm ẩn từ các dịch vụ luật sư và dịch vụ tài chính.

Có thể thấy công ty luật đóng vai trò quan trọng trong quá trình tìm hiểu và đầu tư vào dự án lấy visa EB5. Theo đó, luật sư là bên đại diện cho nhà đầu tư EB5 tìm hiểu thông tin về dự án ở nơi cách Việt Nam nửa vòng trái đất, đồng thời cũng là bên hỗ trợ nhà đầu tư theo dõi, kiểm tra và chứng minh dòng tiền đầu tư là hợp pháp. “Cần hiểu rõ và tìm kiếm luật sư đại diện đủ uy tín và cam kết cụ thể về dịch vụ", ông Đức nói.

Theo ông Đức, việc lựa chọn đối tác luật sư cần cẩn thận và kỹ lượng. Nhiều công ty luật nhỏ thường đưa ra các lời cam kết như bạn vẫn có thể sống và làm ăn thoải mái tại việt Nam sau khi có thẻ xanh, phí dịch vụ bao trọn gói, đảm bảo 100% dự án EB5 thành công, hoặc các dự án đầu tư đã được USCIS duyệt trước, 5 năm sau sẽ hoàn tiền, dự án được chính phủ bảo lãnh, an toàn 100%… thì cũng cần phải được kiểm tra, xác minh cẩn thận.

“Không dự án đầu tư nào an toàn 100% cả, EB5 là dự án đầu tư tiềm ẩn rủi ro. Hãy xem xét việc thẩm định dự án EB5 tương tự như là thẩm định một dự án kinh doanh”, ông Đức kết luận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới