(KTSG Online) - Mỹ cáo buộc Saudi Arabia đứng về phía Nga sau khi Riyadh dẫn dắt liên minh OPEC+ trong quyết định gây sốc: cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày để giữ giá dầu ở mức cao trong thời điểm toàn cầu lo ngại về lạm phát. Có nhiều lý do để Saudi Arabia làm như vậy bao gồm nỗ lực cân bằng quan hệ với 2 cường quốc Mỹ và Nga cũng như bảo vệ nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ.
- OPEC+ giảm sản lượng, Mỹ tuyên bố bán thêm dầu từ kho dự trữ chiến lược
- OPEC tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới
Động thái giảm sản lượng dầu của OPEC+ đánh dấu một thời khắc quan trọng trong quan hệ đồng minh hơn 70 năm giữa Saudi Arabia và Mỹ. Việc cắt giảm sản lượng diễn ra chưa đầy 3 tháng sau khi Tổng thống Mỹ, Joe Biden đến Saudi Arabia để thuyết phục nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới tăng sản lượng, giúp giá dầu hạ nhiệt.
Lúc đó, Thái tử Mohammed bin Salman, nhà lãnh đạo trên thực tế của Saudi Arabia, đã không đưa ra hứa hẹn chắc chắn nào. Và rút cục là sau cuộc họp tại Vienna, Áo hôm 5-10, dưới sự cầm trịch Saudi Arabia, liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, đã đi đến quyết định giảm sản lượng lên tới 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11.
Động thái này gây sốc cho chính quyền Tổng thống Joe Biden khi đảng Dân chủ của ông đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ với tình hình giá xăng dầu tăng cao là một trong những mối quan tâm hàng đầu của cử tri. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến Saudi Arabia mạo hiểm làm phật lòng Washington.
Nền tảng quan hệ song phương mất cân đối
Thứ nhất, Saudi Arabia cho rằng mối quan hệ với Mỹ đang trở nên mất cân đối. Nền tảng quan hệ này là một thỏa thuận ngầm định Mỹ cung cấp an ninh cho chế độ quân chủ Trung Đông để đổi lấy nguồn cung cấp dầu đáng tin cậy.
Nhưng ngay cả trước khi ông Biden tới Jeddah vào tháng 7, các quan chức Saudi Arabia cho biết bản chất của mối quan hệ đối tác giữa Washington và Riyadh về cơ bản đã thay đổi và trở nên mất cân đối.
Những nỗ lực của Mỹ nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân với kẻ thù trong khu vực của Riyadh là Iran, sự can dự của Saudi Arabia vào cuộc chiến ở Yemen và sự thiếu sự hỗ trợ an ninh của Washington trước các cuộc tấn công từ lực lượng ủy nhiệm ở Yemen do Iran hậu thuẫn, tất cả đều góp phần gây ra căng thẳng và bất đồng quan điểm giữa Saudi Arabia và Mỹ.
Các chức ở vùng Vịnh Ba Tư từ lâu phàn nàn việc Mỹ ép họ theo đuổi một số lập trường chính sách nhất định. Một nguồn tin của OPEC+ cho hay các quan chức Mỹ đã quá muộn để nhận ra rằng lời đe dọa của họ không có tác dụng và Washington cần phải sống với một trật tự mới dựa trên lợi ích chung.
Phô trương sức mạnh
Thái tử Mohammed bin Salman, 37 tuổi, đang theo đuổi sứ mệnh cải tổ đất nước bằng cách sử dụng hàng tỉ đô la dầu mỏ để đa dạng hóa nền kinh tế và vươn lên trở thành cường quốc của thế kỷ 21. Bốn năm sau khi nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi bị sát hại tại lãnh sự quán của Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) dẫn đến việc Thái tử Mohammed bị các lãnh đạo phương Tây xa lánh, có những dấu hiệu cho thấy sự tự tin và tham vọng của ông không hề suy giảm.
Tháng trước, Saudi Arabia thông báo rằng Thái tử Mohammed đã làm trung gian cho một vụ trao đổi tù nhân chiến tranh giữa Nga và Ukraine, qua đó, muốn giới thiệu nhà lãnh đạo của Saudi Arabia như là một nhà hòa giải quốc tế.
Ở quê nhà, Thái tử Mohammed cũng vừa mới được Quốc vương Salman bin Abdulaziz bổ nhiệm vào ghế Thủ tướng, chính thức đưa ông trở thành người đứng đầu chính phủ. Đó là một động thái mà các luật sư của Thái tử Mohammed cho rằng sẽ giúp bảo vệ ông trước vụ kiện đòi bồi thường ở Mỹ liên quan đến cái chết của Khashoggi. Vị hôn thê của Khashoggi và Dawn, một tổ chức vận động dân chủ do Khashoggi thành lập, đứng tên trong vụ kiện này.
Giờ đây, các nhà lãnh đạo phương Tây đã chìa tay với Thái tử Mohammed trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng dâng cao sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Ngoài Tổng thống Biden, Thái tử Mohammed đã tiếp đón các nhà lãnh đạo của Pháp, Anh và Đức tại Saudi Arabia trong năm nay.
Trong tuần qua, Saudi Arabia cũng giành được quyền đăng cai Thế vận hội Mùa đông châu Á 2029 ở Trojena, một phần của siêu đô thị Neom đang lên kế hoạch xây dựng.
Lợi ích kinh tế
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết quyết định giảm sản lượng dầu của OPEC+ được thúc đẩy bởi các yếu tố cơ bản của thị trường và liên minh này cần chủ động trong thời kỳ thị trường biến động mạnh.
Abdulaziz bin Salman nói rằng đề xuất áp trần giá dầu của Nga do Mỹ dẫn đầu đang làm tăng thêm sự bất ổn trên thị trường. Báo cáo ngân sách sơ bộ của Saudi Arabia cung cấp một số manh mối giải thích vì sao nước này cần thúc đẩy OPEC+ giảm sản lượng để duy trì giá dầu ở mức cao.
Tháng trước, các nhà kinh tế tại Ngân hàng đầu tư Al Rajhi Capital cho biết, các quan chức Saudi Arabia dự kiến lập ngân sách dựa trên mức giá dầu Brent 76 đô la/thùng vào năm tới, thấp hơn khoảng 20% so với giá dầu trong tuần này và giảm nhiều so với dự đoán của hầu hết các nhà phân tích.
Với mức giá dầu đó, Saudi Arabia dự kiến ngân sách của trong năm tới chỉ thặng dư khoảng 9 tỉ riyal (2,4 tỉ đô la). Để củng cố ngân sách cho năm sau, Saudi Arabia cần tìm cách duy trì giá dầu ở mức cao trong thời gian càng lâu càng tốt.
Đứng trước sự lựa chọn giữa hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu theo lời kêu gọi của Mỹ và bảo vệ ngân sách của đất nước, Saudi Arabia đã chọn vế sau. Và các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư khác cũng vậy.
Cân bằng quan hệ với các cường quốc
Các quan chức vùng Vịnh cho rằng họ cần bằng mối quan hệ với cả Mỹ và Nga, vốn đóng vai trò quan trọng không chỉ trên thị trường năng lượng mà còn trong các cuộc xung đột khu vực từ Syria đến Libya. Điều quan trọng là Nga cũng tham gia vào các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran và không giống như Mỹ, Moscow không chỉ trích Saudi Arabia về nhân quyền.
Saudi Arabia và các đồng minh trong khu vực đã không tham gia các lệnh trừng phạt chống lại Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine. Hơn nữa, họ nhận thấy nỗ lực cô lập Nga có thể phản tác dụng. Họ cũng nghi ngờ về những nỗ lực của Mỹ trừng phạt Nga bằng các công cụ như áp trần giá dầu xuất khẩu của Nga, một động thái có thể chuyển quyền định giá từ người bán sang người mua.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ đang cố gắng cân bằng nỗ lực trừng phạt Nga với những tác động lạm phát khi làm như vậy. Và họ đang cân bằng mong muốn ngay lập tức để có thêm dầu từ OPEC với sự bất bình ngày càng tăng đối với một tổ chức bất hợp tác và không chia sẻ lợi ích với Mỹ.
Sau khi OPEC+ thông báo giảm sản lượng, Nhà Trắng đã kêu gọi triển khai “các công cụ bổ sung để giảm bớt sự kiểm soát của OPEC đối với giá năng lượng”.
Theo Bloomberg