Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Vì sao sinh viên Mỹ đòi trường thoái vốn?

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nổi lên từ hàng chục cuộc biểu tình của sinh viên Mỹ lan ra khắp các trường đại học là yêu sách nhà trường phải thoái vốn khỏi các công ty có liên quan đến Israel. Vì sao có yêu sách này, nó có ý nghĩa gì, có thực hiện được không và hiệu ứng đến đâu đối với cuộc chiến tại Dải Gaza?

Đại học Yale. Nguồn: Pixabay

“Thoái vốn” là yêu cầu được lặp đi lặp lại trên các biểu ngữ, lời kêu gọi, lời hô vang và trên các bài báo của sinh viên. Tuy nhiên ở từng trường yêu cầu này được cụ thể hóa khác nhau, ở các mức độ khác nhau. Như ở Đại học Yale và Cornell, sinh viên kêu gọi nhà trường không được đầu tư vào các công ty sản xuất vũ khí. Sinh viên Columbia đòi nhà trường bán hết cổ phần trong các công ty họ cho là đang hưởng lợi từ cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza. Đối tượng phải thoái vốn có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người vì không chỉ bao gồm các công ty ở Israel mà còn có những tên tuổi quen thuộc như Google (hiện có những hợp đồng lớn với Chính phủ Israel), Microsoft (vì cung cấp dịch vụ đám mây cho Israel) hay Airbnb (cho phép đăng nhà cho thuê tại các khu định cư của người Isarel ở Bờ Tây bị chiếm đóng).

Những nhà phân tích nghiêm túc cho rằng tác động của việc thoái vốn như thế lên doanh nghiệp nói chung và Israel nói riêng là rất nhỏ. Hơn nữa từ bỏ vai trò cổ đông có thể bỏ phiếu về hoạt động của công ty, các trường đồng ý thoái vốn tức tự từ bỏ vai trò có ảnh hưởng lên đường hướng hoạt động như thế. Các trường đại học thường có quỹ tài trợ rất lớn, lên đến nhiều tỉ đô la do tích lũy nhiều năm và thường đầu tư vào nhiều công ty khác nhau.

Tuy nhiên, theo suy nghĩ của sinh viên, lời kêu gọi thoái vốn mang ý nghĩa tinh thần là chính, là một cách buộc các trường phải có hành động trước việc Israel tàn sát dân thường vô tội ở Dải Gaza. Một khi trường đồng ý thoái vốn, nhận thức của mọi người liên quan sẽ được nâng cao. Ngày xưa sinh viên thời thập niên 1980 từng ra yêu sách buộc các trường không được làm ăn với Nam Phi vì tệ nạn phân biệt chủng tộc, cũng như nhiều yêu sách tương tự đối với các công ty dầu mỏ để bảo vệ môi trường. Lúc đó Đại học Columbia từng bán cổ phần trị giá 39 triệu đô la trong các công ty có hoạt động ở Nam Phi sau nhiều tuần sinh viên biểu tình ngồi. Sau đó nhiều trường khác làm theo - tổng cộng có đến 150 trường đại học từng thoái vốn ra khỏi Nam Phi như thế.

Nhưng so với thập niên 1980, ngày nay các trường đại học ít khi đầu tư trực tiếp vào các công ty; họ sử dụng các quỹ quản lý tài sản chuyên chăm sóc tiền đầu tư của khách hàng. Các quỹ này cũng thường đầu tư vào các quỹ tư nhân, trong đó tài sản chia đều ra để tránh rủi ro nên khó lòng nhận biết khoản đầu tư nào có liên quan trực tiếp đến Israel. Jane Dietze, phụ trách đầu tư của Đại học Brown, cho biết họ không trực tiếp đầu tư vào các nhà sản xuất vũ khí hay các nhà thầu quốc phòng.

Với các công ty cụ thể, lý do sinh viên đòi trường phải thoái vốn là khá đa dạng. Như với hãng Caterpillar từng gây xôn xao dư luận năm 2003 khi một xe máy ủi của hãng bán cho quân đội Israel cán chết một nhà hoạt động người Mỹ ủng hộ Palestine khi cô này tìm cách ngăn cản việc phá hoại các căn nhà của người Palestine ở Gaza. Còn Google, từng bị chính nhân viên của mình phản đối khi ký hợp đồng với Chính phủ Israel về dịch vụ đám mây. Với BlackRock trong tư cách là quỹ quản lý đầu tư lớn nhất thế giới, danh mục đầu tư có hầu như tất cả các công ty lớn nên chắc chắn có đầu tư vào các hãng sản xuất vũ khí dù các khoản đầu tư này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Đứng trước yêu sách của sinh viên, một số trường đã nhượng bộ, một số khác cương quyết không thoái vốn. Đại học Brown đồng ý sẽ tổ chức bỏ phiếu trong hội đồng trường xem quỹ 6,6 tỉ đô la của trường có nên thoái vốn khỏi các khoản đầu tư có liên quan đến Israel. Đổi lại, sinh viên tháo gỡ lều trại trên sân chính nhà trường được dựng lên để biểu tình dài ngày ủng hộ Palestine. Đại học Northwestern và Đại học Minnesota cũng đạt được những thỏa thuận tương tự với sinh viên: giải tán và đổi lại nhà trường sẽ xem xét chuyện đầu tư vào Israel. Các diễn biến này sẽ gây áp lực lên các trường như Columbia, Michigan hay North Carolina, nơi yêu sách thoái vốn của sinh viên là yêu sách hàng đầu.

Tuy nhiên, tin tức về sự nhượng bộ của Đại học Brown lại bị các nhà tài trợ lớn của trường này lên án. Họ cho biết nếu việc thoái vốn diễn ra, họ sẽ giảm hay cắt hẳn các khoản tài trợ cho trường. Các trường khác như Yale, Michigan tuyên bố sẽ không có chuyện thoái vốn gì hết, vì đối chiếu với tiêu chí do nhà trường đặt ra, kể cả các tiêu chí đạo đức, các khoản đầu tư không vi phạm gì đến mức phải thoái vốn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới